Siêu thị "0 đồng": “Của cho không bằng cách cho”, đồ đi cho phải chuẩn
Cập nhật: 21/04/2020
Tìm phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch
Theo chân trẻ con vùng cao đi cắt tóc, sắm váy áo mới trong chợ phiên
VOV.VN -“Những nhà tài trợ bằng hiện vật, chúng tôi kiểm tra rất kỹ, nếu date quá ngắn hay hết date thì trả lại. Chúng tôi không làm thì thôi, đã làm thì hàng hóa phải chuẩn”.
Cách đây hơn 1 tuần, siêu thị Hạnh phúc (siêu thị “0 đồng”) đầu tiên đã được hoạt động tại Hà Nội để hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19. Đến mua sắm ở siêu thị, người nghèo sẽ được tự chọn 5 mặt hàng với giá không quá 100.000 đồng và thanh toán số tiền là “0 đồng”.
Mỗi ngày siêu thị phục vụ khoảng vài ngàn người nghèo đến mua sắm. Việc đảm bảo công tác phòng chống dịch, chất lượng hàng hóa tại siêu thị, cũng như nguồn kinh phí để hoạt động siêu thị… được nhiều người quan tâm.
VOV.VN phỏng vấn ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Đầu tư châu Á Thái Bình Dương (APEC), đơn vị tổ chức triển khai dự án Siêu thị "0 đồng".
“Mong muốn bà con đến siêu thị Hạnh phúc không bị cảm giác tự ti”
PV: Xin ông cho biết, lý do chính mà các ông quyết định mở siêu thị hỗ trợ những người nghèo trong dịch Covid-19?
Ông Nguyễn Quang Huy: Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, chúng tôi thấy có rất nhiều bà con, nhất là những lao động thời vụ, những người nghèo, họ bị thất nghiệp tạm thời, không có thu nhập nên rất khó khăn. Việc giúp họ có thể duy trì cuộc sống thiết yếu là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Chính vì thế dự án thiện nguyện đã được Tập đoàn APEC và các đối tác của tập đoàn đã quyết nghị, thống nhất rất nhanh. Chúng tôi đã cho triển khai luôn sau đó. Đến nay, sau một tuần thực hiện, dự án siêu thị Hạnh phúc “0 đồng” đã được triển khai ở Hà Nội, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Hòa Bình… Dự kiến, trong nay mai chúng tôi tiếp tục mở các siêu thị Hạnh phúc ở TP HCM, Bình Thuận, Lạng Sơn, Nghĩa Lộ (Yên Bái)….
PV: Ông có thể nói rõ hơn ý tưởng vì sao lại mở siêu thị “0 đồng” chứ không phải như các hình thức các tổ chức, cá nhân đang làm là ATM gạo, phát quà miễn phí…?
Ông Nguyễn Quang Huy: Chúng tôi mong muốn bà con đến với siêu thị “0 đồng” không có cảm giác bị tự ti là mình nghèo nên đi nhận quà phát chẩn, mà bà con đến với đây với tâm lý tự tin, đến để được mua sắm, được tự do lựa chọn. Khi bà con đến đây vẫn được phục vụ chu đáo như đến các siêu thị thương mại.
Mỗi người đến đây được lựa chọn tối đa 5 mặt hàng, với tổng giá trị không quá 100.000 đồng, nhưng khi thanh toán bà con chỉ phải trả 0 đồng. Đó là ý nghĩa của siêu thị Hạnh phúc.
Trong siêu thị “0 đồng”, ngoài các nhu yếu phẩm còn có cả sách. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, nhu yếu phẩm chỉ giúp bà con được trong ngắn hạn, còn về dài hạn phải giúp họ về tri thức. Ở siêu thị có cả sách về học cách làm giàu, doanh nhân thành đạt và các loại sách khác. Tri thức sẽ giúp cho bà con thoát nghèo bền vững.
Mọi người xếp hàngcách nhau 2m trước khi vào "mua sắm" tại Siêu thị Hạnh phúc |
Khi tổ chức siêu thị “0 đồng” đòi hỏi nguồn nhân lực khá lớn, toàn thể anh em trong Tập đoàn và các đối tác, tình nguyện viên phải chia ra các ca kíp để phục vụ bà con. Đến nay, dự án này đã lan tỏa thành dự án của cộng đồng.
Chúng tôi cũng tính tới phương án chọn ra một số điểm để duy trì, biến siêu thị Hạnh phúc thành nơi sinh hoạt thường xuyên của người nghèo, nơi sẽ định hướng về đào tạo nghề nghiệp cũng như giúp đỡ bà con về công ăn việc làm. Đây cũng là nơi các tổ chức, cá nhân có thể chia sẻ công việc thiện nguyện, hình thành cộng đồng nhân văn và chia sẻ.
Hàng ngàn bà con mua sắm ở siêu thị “0 đồng” mỗi ngày
PV: Tính đến nay, sau hơn 1 tuần hoạt động, xin ông cho biết đánh giá hoạt động của siêu thị Hạnh phúc, trong đó có việc phục vụ người nghèo như thế nào?
Ông Nguyễn Quang Huy: Ban đầu chúng tôi dự kiến chi ra khoảng 6 tỷ đồng để hoạt động siêu thị “0 đồng”. Trong thời gian qua, ở Hà Nội, mỗi ngày siêu thị phục vụ hơn 1.000 bà con đến mua sắm.
Các tỉnh thành khác như Hải Dương, Thái Nguyên, Thừa Thiên- Huế… mỗi ngày phục vụ 300-500 bà con. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục mở ở nhiều nơi, ngân sách sẽ được tăng thêm và huy động thêm các nguồn lực từ các đối tác, tổ chức, cá nhân.
PV: Còn rất nhiều người rất nghèo không tiếp cận được với thông tin về ATM gạo, phát quà miễn phí, siêu thị “0 đồng”… Các ông có quan tâm đến những trường hợp này như thế nào?
Ông Nguyễn Quang Huy: Thời gian qua, nhờ các phương tiện như VOV, báo chí, mạng xã hội… đăng tải thông tin nên có rất nhiều người khó khăn đã tìm đến siêu thị “0 đồng”, kể cả các du học sinh nước ngoài tại Việt Nam, các giáo viên nước ngoài dạy ngoại ngữ bị thất nghiệp do dịch… Khi mọi người tìm đến siêu thị Hạnh phúc, chúng tôi sẵn lòng giúp đỡ.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Đầu tư châu Á Thái Bình Dương (APEC) |
Hôm vừa rồi, bà con trong khu chạy thận ở đường Lê Thanh Nghị, Hà Nội không đến được thì chúng tôi đã có những “chuyến xe hạnh phúc” đến tận nơi trao quà cho bà con.
Đây là một chương trình thiện nguyện, chúng tôi cũng mong muốn phục vụ tốt nhất cho bà con khó khăn, tất nhiên không thể nào bao phủ được hết, cũng mong các cơ quan truyền thông, mạng xã hội chia sẻ để nhiều người nghèo đến được với siêu thị “0 đồng” hơn nữa. Chúng tôi đang tính có một số điểm, sẽ có những chuyến xe Hạnh phúc đến tận nơi phục vụ bà con.
PV: Nhiều người làm từ thiện chia sẻ, họ đã rất xúc động khi thấy những hoàn cảnh vô cùng khó khăn đến với họ. Có những người khi nhận gạo đã khóc rằng số gạo đó cứu đói gia đình họ trong khoảng 1 tuần. Ở siêu thị “0 đồng”, ông có gặp nhiều những hoàn cảnh như vậy?
Ông Nguyễn Quang Huy: Thực sự mỗi người đến đây đều có những khó khăn riêng. Về cơ bản những người khi tìm đến siêu thị Hạnh phúc đều là những người có khó khăn. Ví dụ, có những cụ già 87 bán tăm bông dạo, khi giãn cách xã hội, cụ không đi bán được nên đã nhờ hàng xóm chở đến nhận đồ siêu thị. Hay có những cụ ông 70-80 tuổi đạp xe từ 5-6h sáng đến nhận quà của siêu thị. Rồ có người phải cắm cả điện thoại 100.000 để mua đồ vì không ai bán chịu, khi nhận quà họ rất cảm động…
Có những cụ già 87 bán tăm bông dạo, khi giãn cách xã hội, cụ không đi bán được nên đã nhờ hàng xóm chở đến nhận đồ siêu thị. |
Tôi cho rằng, chính sách của Chính phủ “không ai bị bỏ lại phía sau” là rất đúng đắn, cả cộng đồng đang chung tay hỗ trợ nhau. Chúng tôi cũng cảm thấy rất vui vì sự hỗ trợ đến được với những gia cảnh thực sự khó khăn. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, khi người nghèo họ nhận được sự chia sẻ thì họ cảm thấy rất ấm áp vì sự quan tâm của xã hội, cộng đồng.
“Mong mọi người đến đây còn cảm nhận được sự tử tế”
PV: Lâu nay báo chí và chính những người làm từ thiện cũng đặt ra vấn đề phải kiểm soát người không nghèo những vẫn đi xin đồ miễn phí. Siêu thị “0 đồng” kiểm soát việc này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Huy: Chúng tôi phối hợp với chính quyền các tỉnh, thành, địa phương thống kê danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, người tàn tật… Chúng tôi chia ra từng nhóm người, địa bàn, có chứng nhận của phường và có cả chính quyền tham gia. Về cơ bản với cách làm như thế, chúng tôi kiểm soát được những hộ thực sự khó khăn.
Những tỉnh, thành như Hà Nội, tính cơ động rất cao, ngoài người Hà Nội ra còn có những người tỉnh khác về làm ăn sinh sống, chúng tôi sẽ phát cho những ai thực sự tìm đến và khó khăn thực sự. Tất nhiên, ở đâu đó vẫn có một số trường hợp đến trục lợi hay quay vòng, nhưng khi đã đến đây, dù đã lọt một số người như vậy. Nhưng khi họ đến đây, họ vẫn cảm nhận được sự tử tế và thấy những hoàn cảnh thực sự khó khăn, họ cũng phải suy nghĩ, cân nhắc liệu mình có nhất thiết phải lấy mất cơ hội của người nghèo thực sự cần đến nó hay không.
Trong siêu thị “0 đồng”, ngoài các nhu yếu phẩm còn có cả sách |
Về cơ bản chúng tôi thấy rằng, kể từ khi hoạt động siêu thị “0 đồng”, phần lớn là sự hỗ trợ đến được đúng người, đến những người khó khăn thực sự. Đó cũng là giá trị nhân văn của chương trình.
PV: Như ở trên ông cũng đã nói, để phát triển tiếp các siêu thị “0 đồng” cũng như kéo dài thời gian hoạt động, phải huy động các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân và cộng đồng. Vậy việc quản lý cũng như minh bạch nguồn hỗ trợ này được thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Quang Huy: Trong thời gian qua, khi phát động chương trình, chúng tôi cũng nhận được sự đồng hành của các đối tác và các nhà hảo tâm. Bất cứ sự hỗ trợ nào lớn hay bé, chúng tôi đều liên tục cập nhật danh sách trên trang Fanpage của siêu thị Hạnh phúc, mọi chi tiêu cũng thông tin trên đó.
Cùng với đó, khi các nhà hảo tâm hỗ trợ, chúng tôi cũng muốn mọi người trực tiếp tham gia vào quá trình kiểm hàng, bóc hàng, đóng gói chia ra các túi nhỏ… Nghĩa là mọi người trực tiếp tham gia đóng góp, phát quà cùng với chúng tôi. Tôi cho rằng tính minh bạch rất cao.
Quan điểm của chúng tôi là việc thiện nguyện, đã không làm thì thôi, còn làm phải tốt nhất có thể cho bà con; đồng thời để các nhà tài trợ, tình nguyện viên cảm thấy hạnh phúc, an nhiên khi tham gia cùng với siêu thị Hạnh phúc.
“Của cho không bằng cách cho”, đồ đi cho phải chuẩn
PV: Cũng đã có trường hợp trong một số chương trình thiện nguyện, một số doanh nghiệp mang sản phẩm hết hạn hỗ trợ người nghèo. Vậy ở siêu thị “0 đồng”, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa như thế nào?
Ông Nguyễn Quang Huy: Chúng tôi lựa chọn một số nhà sản xuất có uy tín, nguồn hàng kiểm hạn dùng rất rõ ràng, chất lượng, thời gian còn dài.
Nguồn hàng ở siêu thị được kiểm hạn dùng rất rõ ràng, chất lượng, thời gian còn dài. (ảnh: Vũ Toàn) |
Đặc biệt, những nhà tài trợ bằng hiện vật, chúng tôi cũng có kiểm tra rất kỹ càng, nếu date quá ngắn hay hết date, chúng tôi cũng trả lại. Quan điểm của chúng tôi là không làm thì thôi, “của cho không bằng cách cho” và đồ đi cho là phải chuẩn.
PV: Phòng dịch là một trong những yêu cầu cấp thiết lúc này. Công ty có dự liệu và giải pháp gì trong trường hợp có đông người đến siêu thị Hạnh phúc?
Ông Nguyễn Quang Huy: Chúng tôi đã có phương án từ khi tổ chức. Khuyến cáo mọi người đến siêu thị là phải chủ động mang theo khẩu trang, đeo đúng cách. Còn ai không có khẩu trang chúng tôi cũng phát khẩu trang miễn phí.
Người mở ATM miễn phí rút gạo “bằng chân” và cách “chặn” kẻ tham
Chúng tôi cũng bố trí sát khuẩn trước khi vào siêu thị và cũng bố trí một lượng nhất định vào trong siêu thị, đảm bảo khoảng cách và ít tiếp xúc. Trong quá trình vận hành hơn 1 tuần vừa rồi, chúng tôi thấy rất ổn.
PV: Trường hợp có quá nhiều người xếp hàng ở ngoài, các ông sẽ xử lý như thế nào?
Ông Nguyễn Quang Huy: Ngay từ đầu chúng tôi đã phân luồng. Mọi người đến đây đều được hướng dẫn để xe, lấy số thứ tự và xếp hàng như thế nào để không bị quá tải. Chúng tôi có đội ngũ tình nguyện viên, dân phòng và công an hướng dẫn việc này để tránh quá tải, mọi người được xếp vào hàng đúng quy định.
Mọi người đến đây đều được hướng dẫn để xe, lấy số thứ tự và xếp hàng như thế nào để không bị quá tải |
Các tình nguyện viên đo nhiệt độ và phục vụ sát khuẩn tay cho bà con đến siêu thị |
Cùng với đó việc phối hợp với các địa phương trong phân loại đối tượng, để những ngày nào thì ai đến siêu thị cũng giảm tải được việc có đông người đến trong cùng một ngày.
“Chia sẻ khó khăn là xuất phát từ tình đồng bào và trách nhiệm xã hội”
PV: Nhiều ý kiến cũng cho rằng việc làm thiện nguyện là rất cần thiết với cộng đồng lúc này nhưng cũng khuyến cáo quan tâm đến góc độ luật pháp khi một tổ chức, cá nhân đứng ra nhận tiền của các nhà hảo tâm. Ông quan tâm đến việc này như thế nào?
Ông Nguyễn Quang Huy: Chúng tôi làm hoàn toàn xuất phát từ mong muốn hỗ trợ người nghèo, muốn chia sẻ với bà con. Đầu tiên, khi bắt đầu thực hiện dự án, chúng tôi tính toán chủ yếu là bằng nguồn lực của mình.
Trong quá trình triển khai, có những nhà hảo tâm đồng hành. Quan trọng nhất chúng tôi minh bạch, thu chi rõ ràng, mọi người trải nghiệm trực tiếp. Chúng tôi cảm thấy yên tâm vì tuân thủ theo pháp luật.
PV: Cũng có ý kiến cho rằng, đây là dịp các doanh nghiệp lấy việc làm từ thiện để PR một cách hiệu quả nhất. Ông có cho là như vậy?
Ông Nguyễn Quang Huy: Thực sự PR hay không định hướng của mỗi doanh nghiệp còn bản thân Tập đoàn chúng tôi ngay cả cái tên siêu thị Hạnh phúc, không có chút nào lồng ghép tên tập đoàn.
Thứ hai, ở ngoài thị trường, chúng tôi cũng được nhiều người biết nêu không cần PR. Còn việc làm thiện nguyện thực tế đã ngấm vào trong máu của những người làm ở đây. Ngay từ đầu dịch, chúng tôi cũng đã đi hiến máu, tặng hàng nghìn khẩu trang cho các bệnh viện, những đơn vị tuyến đầu...
Còn giờ đây, khi dịch lên tới đỉnh điểm, trong thời gian cách ly có nhiều người quá khó khăn, xuất phát từ đó chúng tôi dựa trên nguồn lực hiện có để hỗ trợ phần nào cho bà con. Xuất phát từ tình đồng bào và trách nhiệm xã hội.
Thực tế doanh nghiệp chúng tôi cũng rất khó khăn, các doanh nghiệp không có hoạt động, nhiều doanh nghiệp phá sản. Riêng chúng tôi từ đầu năm đến giờ doanh thu giảm đến 90% so với cùng kỳ, nhưng mọi người vẫn phải cố gắng duy trì các hoạt động của công ty. Chúng tôi vẫn thấy may mắn vì duy trì được cuộc sống tốt hơn nhiều bà con đang khó khăn, nên thực sự mong muốn được chia sẻ.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Từ khóa: siêu thị “0 đồng”, doanh nhân mở 0 đồng, người tham, hàng cận date, hàng quá date
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN