Siết quản lý mua, bán online trong tình hình dịch bệnh
Cập nhật: 11/02/2020
Muốn phát triển, Lâm Đồng cần tháo gỡ quy hoạch treo
44 cơ sở giấy bức tử môi trường ở Bắc Ninh xin tạm dừng hoạt động
VOV.VN - Hoạt động mua, bán online, hay thương mại điện tử tăng đột biến trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona diễn biến phức tạp.
Diễn tiến phức tạp, khó lường của dịch bệnh do virus corona gây ra đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân trên nhiều khía cạnh, trong đó có hoạt động mua-bán hàng hóa thông thường, khi mà các chuyên gia khuyến cáo “giao thương trực tiếp giữa người với người sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh”. Phải làm thế nào khi nhu cầu tiêu dùng những mặt hàng thiết yếu là không thể giảm? Thương mại điện tử là câu trả lời hữu hiệu.
Hoạt động mua-bán online hay thương mại điện tử tăng đột biến trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona diễn biến phức tạp. (Ảnh minh họa: KT) |
Thực tế cho thấy đây là phương thức góp phần lớn trong công tác phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng đã nảy sinh 1 số bất cập khi gia tăng đột biến nhu cầu mua-bán trên thị trường này.
Đường phố vắng hơn, lượng người trực tiếp mua-bán các loại mặt hàng tại các tuyến phố, siêu thị, khu chợ giảm so với trước thời điểm cơ quan chức năng công bố dịch là ghi nhận của phóng viên VOV trong những ngày này, đặc biệt là tại các tỉnh, thành đã công bố có người bị nhiễm dịch bệnh.
Chị Lan Anh, người dân ở Hà Nội chia sẻ: “Ở các siêu thị có quầy thực phẩm chế biến sẵn như gà quay hay cá viên chiên cháu nhà tôi rất thích và hay đi cùng tôi đến những chỗ đó. Nhưng bây giờ tôi không cho cháu đi cùng nữa mà đi một mình thôi. Tôi chỉ vào mua thịt cá rau, xong bỏ vào giỏ rồi tới quầy tính tiền đi về liền chứ không dám lang thang siêu thị nữa”.
Đây là tín hiệu đáng mừng khi người dân đã quan tâm lắng nghe và thực hiện khuyến cáo của cơ quan chức năng. Trên thực tế, đây đồng thời cũng là tín hiệu khẳng định hoạt động mua-bán online hay thương mại điện tử ngày càng phát triển-hỗ trợ hữu ích cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Bình Minh, chuyên gia thương mại điện tử lý giải: “Đối với dịch bệnh mới này, giao thương chắc chắn bị giảm sút, các hoạt động qua lại biên giới cũng như các hoạt động vận tải hàng hóa giảm sút. Điều này lại làm cho thương mại điện tử Việt Nam có cơ hội trong thời gian ngắn hạn, do hạn chế đến các khu chợ, hạn chế đi ra ngoài ,cũng như là ngại va chạm và ngại tiếp xúc đối với những người lạ”.
“Giao thương ở trên thương mại điện tử đã bùng nổ. Rất nhiều các sản phẩm thiết yếu cũng như các sản phẩm liên quan đến y tế thì được mua qua mạng internet rất nhiều. Có thể nói là do cầu lớn. Cầu về tích trữ các sản phẩm thay vì phải đi đến siêu thị thay vì phải đi đến chợ để mua”, ông Minh nói.
Bộ Công thương sẽ tăng cường quản lý mua-bán online trong tình hình dịch bệnh nCoV. |
Mặc dù vậy, theo ghi nhận của các cơ quan chức năng và các hiệp hội có vai trò hỗ trợ thúc đẩy thương mại điện tử như Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), việc tăng đột biến nhu cầu giao thương trực tuyến cũng nảy sinh những bất cập. Đó không chỉ là sự pha trộn hàng hóa thật-giả lẫn lộn mà còn có thể là 1 kênh phù hợp để các đối tượng xấu lợi dụng-kết nối-bắt tay nhau đầu cơ, trục lợi, thậm chí là buôn bán hàng hóa bất hợp pháp.
Ông Hà Anh Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, các sàn mở rộng điều kiện để bán hàng trên mạng, cá nhân nhỏ lẻ vẫn có thể mở gian hàng bán được dẫn đến các sản phẩm không kém chất lượng, hay còn có hàng giả bị trà trộn vào nhiều.
“Chẳng hạn như khi mua khẩu trang, bình thường khẩu trang y tế là 3 lớp, 4 lớp, 5 lớp, kém chất lượng chỉ có 1 lớp thôi. Nhưng khi xuất hiện trên sàn, chỉ có hình ảnh thì khó có thể phân biệt loại nào. Việc giám sát được chất lượng hàng hóa chỉ dành cho doanh nghiệp. Đặc biệt là trên trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok… thì chỉ phụ thuộc vào uy tín của người bán hàng thôi chứ chất lượng như thế nào thì không thể biết được”, ông Tuấn lưu ý.
Đó là thực tế hoạt động thương mại điện tử những ngày này - khi mà giao thương trực tiếp tiếp tục được khuyến cáo “cần hạn chế”.
Để phòng ngừa và giảm thiểu những bất cập vừa nêu, Bộ Công thương – cơ quan quản lý hoạt động thương mại điện tử đã và đang khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo cụ thể Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại Điện tử phải đấu tranh với hiện tượng lợi dụng thương mại điện tử để bán hàng gian, giả cũng như là những hành vi như là tăng giá bán, gây ra tác động xấu đến thị trường cũng như lợi ích của người tiêu dùng.
“Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cần phải chủ động rà soát hoạt động của các sàn thương mại điện tử cũng như các trang thương mại điện tử, để có biện pháp cơ sở pháp lý cùng phối hợp cùng với Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra trên toàn quốc”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Thực hiện chỉ đạo, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số yêu cầu các thương nhân, tổ chức sở hữu website và ứng dụng thương mại điện tử phải kiểm tra, rà soát, gỡ bỏ khỏi website và ứng dụng thương mại điện tử các hàng hóa phục vụ phòng dịch đã bị nâng giá.
Các sàn giao dịch thương mại điện tử phải chủ động triển khai các biện pháp kỹ thuật - các bộ lọc và tăng nhân sự kiểm duyệt... nhằm ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm vi phạm, xử lý mạnh tay đối với người bán vi phạm, không để lợi dụng dịch bệnh để tăng giá, gây mất ổn định thị trường.
Ngoài ra, khuyến khích cộng đồng mạng, người tiêu dùng cung cấp thông tin về website, các gian hàng trên các sàn giao dịch trực tuyến lợi dụng dịch bệnh, tăng giá ,gây mất ổn định thị trường, để có căn cứ xử lý theo quy định.
Cơ quan chức năng cũng lưu ý 2 đường dây tiếp nhận phản ánh khiếu nại của người tiêu dùng khi giao thương trực tuyến, đó là Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử 024.222.05.512 và đường dây nóng của Tổng Cục Quản lý thị trường 1900.888.655./. Gia tăng mua - bán qua mạng do lo ngại dịch bệnh: những điểm cần lưu ý!
Từ khóa: mua bán online, thương mại điện tử, kinh tế số, virus corona
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN