Sĩ quan Mỹ gợi ý Nhật Bản tính lại chính sách quốc phòng vì Trung Quốc
Cập nhật: 22/10/2019
Seoul, Hàn Quốc: Bão tuyết tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỉ (27/11/2024)
Phản ứng của Châu Âu sau quyết định áp thuế của Tổng thống đắc cử Mỹ (27/11/2024)
VOV.VN - Sĩ quan quân đội Mỹ giấu tên nhận định, Chính phủ Nhật Bản nên thảo luận với công chúng trong nước về các mối đe dọa đang hiện hữu.
Bloomberg ngày 21/10 dẫn lời một sĩ quan quân đội cấp cao của Mỹ cho rằng Nhật Bản nên suy nghĩ lại về việc không trang bị vũ khí tấn công. Lời gợi ý này được đưa ra trong bối cảnh Tư lệnh Tuần duyên Mỹ, Đô đốc Karl L. Schultz cùng ngày lên tiếng nói rằng Trung Quốc đang ngày càng trở nên hung hăng và bắt nạt nước khác trong các vùng biển tranh chấp.
Ảnh minh họa: Getty. |
Vị sĩ quan này mô tả Trung Quốc như mối đe dọa dẫn đến rủi ro đặc biệt. Trong bối cảnh đó, những quy định trong Hiến pháp hòa bình ra đời sau Thế chiến II của Nhật Bản đang ràng buộc khả năng đáp trả quân sự. Hơn thế nữa, chính điều này đã "trói tay trói chân" 50.000 nhân viên quân sự Mỹ tại Nhật Bản trong các đợt huấn luyện và tăng cường khả năng chiến đấu cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản.
Theo quan chức quân đội Mỹ, Trung Quốc đã chi mạnh tay để nâng cấp lực lượng tên lửa đạn đạo và kho vũ khí loại này của Bắc Kinh đã mở rộng nhanh chóng trong những năm qua. Trung Quốc tiếp tục rêu rao ủng hộ hòa bình, an ninh và ổn định, tuy nhiên hành động lại không đi đôi với lời nói, khi nước này xây dựng kho vũ khí có thể đe dọa Nhật Bản cũng như các nước khác trong khu vực.
“Việc Nhật Bản tránh sử dụng các loại vũ khí tấn công theo quy định của hiến pháp là điều không còn phù hợp và nên là một chủ đề trao đổi giữa chính phủ và người dân Nhật Bản”, vị sĩ quan giấu tên nói.
Vị sĩ quan cũng lưu ý việc Trung Quốc “khoe” một số vũ khí tối tân trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh cho thấy thách thức ngày càng tăng đối với sức mạnh quân sự Mỹ.
Cùng ngày, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ, Đô đốc Karl L. Schultz lên tiếng cảnh báo Trung Quốc đang ngày càng trở nên hung hăng và bắt nạt nước khác trong các vùng biển tranh chấp khi mà Bắc Kinh đã có một kế hoạch đầy tham vọng để tăng cường ảnh hưởng trên toàn cầu.
“Chúng ta nói về Trung Quốc, nói về điều mà họ mô tả là ‘sự phát triển hòa bình’ nhưng sau đó chúng ta thấy các đảo nhân tạo mọc lên ở nơi mà trước đó chẳng có gì cả. Chúng ta thấy sự xuất hiện của đường băng trên những hòn đảo đó. Chúng ta cũng thấy các tên lửa hành trình chống hạm và các cơ sở quân sự khác, điều này hoàn toàn không giống như lời lẽ mà họ tuyên bố về sự phát triển hòa bình”, ông Schultz nhấn mạnh.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tăng ngân sách quốc phòng và tìm cách nới lỏng các ràng buộc của bản Hiến pháp hòa bình kể từ khi ông lên nhậm chức hồi năm 2012. Tuy nhiên, việc cải thiện quan hệ thương mại với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản cũng là ưu tiên hàng đầu của chính quyền Abe./.Từ khóa: Nhật đối phó Trung Quốc, chính sách quốc phòng Nhật, Trung Quốc, Hiến pháp hòa bình Nhật Bản, Trung Quốc bắt nạt
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN