Sẽ tổ chức tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ tử vong vì Covid-19

Cập nhật: 11/11/2021

VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với MTTQ Việt Nam, TP.HCM và các tỉnh phía Nam tổ chức tốt lễ tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ đã tử vong vì đại dịch Covid-19.

Sáng nay 10/11, Bộ trưởng Bộ Lao Động- Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tiếp tục trả lời chất vấn. 

Trả lời đại biểu Lưu Văn Đức (đoàn Đắk Lắk) về việc tạo điều kiện cho người lao động phi chính thức, các hộ kinh doanh tiếp cận vốn vay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong chương trình phục hồi của ngành lao động sẽ đề nghị tăng cường vốn vay cho người lao động. Ông cũng cho biết việc tiếp cận vốn vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để giải quyết việc làm rất có hiệu quả, hiện nợ đọng rất thấp. Thứ hai, trong Quyết định 2086 của Thủ tướng về giải quyết đất ở, nước sinh hoạt… có thể áp dụng những tiêu chí này để hỗ trợ. Đồng thời ông cũng cho biết, có thể căn cứ vào Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo để hỗ trợ thêm nguồn lực cho các trường hợp đủ điều kiện.

Về hợp tác công tư trong giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Thị trường lao động là một trong các thị trường quan trọng của nền kinh tế. Hợp tác công tư trong giáo dục nghề nghiệp được coi là nguồn lực quan trọng trong phát triển, nhất là khi ta coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển. Ông cho biết, tới đây sẽ soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người sử dụng; chú trọng đến các chính sách về vốn, thuế.

“Một số lĩnh vực ngân sách Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo hoàn toàn, nhưng có những lĩnh vực, ngành nghề Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, vốn mồi là chủ yếu và huy động nguồn lực toàn xã hội”, ông Dung nói.

Cùng với đó, ông cho biết, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp một số vấn đề như năng lực đào tạo, dự báo, triển khai nền tảng số về thông tin và thị trường lao động để doanh nghiệp chủ động phương án đào tạo… “Theo hướng đó, ngành lao động và giáo dục nghề nghiệp trong 5 năm tới phải có sự lột xác trong vấn đề này”. Ông Dung nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, chúng ta có lực lượng lao động dồi dào với 55 triệu người nhưng cùng lúc chúng ta phải giải quyết 2 bài toán. Một là nâng cao chất lượng mặt bằng của lực lượng lao động nói chung. Hai là các xu hướng tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 sẽ làm thay đổi bản chất công việc. Theo dự báo, 5 năm tới sẽ có 1/3 công việc thay đổi, 40% lao động khó có khả năng đáp ứng yêu cầu khi kỹ năng lao động không được nâng lên.

“Mục tiêu chúng ta đặt ra là đến 2025 có khoảng 30-35% lao động có bằng cấp, chứng chỉ. Và đến 2030 phấn đấu 40-45%”, ông Dung nói và cho biết, đây là chỉ tiêu rất cao, đòi hỏi nỗ lực lớn. Ông đưa ra giải pháp đào tạo nâng cao tay nghề, thích ứng nhu cầu mới thông qua doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chính phủ có chủ trương, chính sách hình thành lực lượng lao động có chất lượng cao nhằm tiếp cận và bắt kịp trình độ các nước ASEAN 4 và G20. Chính phủ đã và đang đào tạo trình độ cao đẳng chất lượng cao, làm nền tảng trong đào tạo nghề. Chính phủ cũng cho phép hình thành 80 trường chất lượng cao trong nhiệm kỳ này, thiết lập một số trung tâm vùng quốc gia có chức năng dẫn dắt, đào tạo nghề trong tương lai, tập trung đào tạo ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm mà ta còn thiếu và đòi hỏi chất lượng cao. “Ba trung tâm vùng ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam sẽ được thành lập theo tinh thần đó”, ông Dung thông tin.

Kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: Dịch Covid-19 lần thứ 4 quay trở lại Việt Nam đã để lại những hậu quả sâu sắc về đời sống xã hội, về lao động, việc làm. Phiên chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận được 32 ý kiến chất vấn. Câu hỏi chất vấn đúng và trúng, nội dung súc tích, đi thẳng vào những vấn đề "nóng". Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình đã nắm chắc vấn đề, giải đáp nhiều nội dung xã hội quan tâm, đáp ứng yêu cầu của cử tri. Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, cơ bản bám sát nội dung đặt ra.  

Chủ tịch Quốc hội sau khi tóm tắt những vấn đề lớn trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với MTTQ Việt Nam, TP.HCM và các tỉnh phía Nam tổ chức tốt lễ tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ đã tử vong vì đại dịch Covid-19, theo hình thức cả trực tiếp và trực tuyến. 

Trước đó, trong phiên chất vấn chiều 10/11, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã tập trung làm rõ các giải pháp chăm lo cho trẻ mồ côi sau đại dịch, sự nhầm lẫn trong cấp tiền hỗ trợ người dân ở một số địa bàn, đưa ra những con số cụ thể, thẳng thắn nhận trách nhiệm của ngành, lực lượng ở cơ sở liên quan đến một số hạn chế trong thực hiện giải pháp hỗ trợ người dân. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng làm rõ những thông tin liên quan đến sai sót trong triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19. Một số ĐBQH đã truy đến cùng, bóc tách nhiều khía cạnh trong sự việc này. Vấn đề được lật đi, lật lại vì những thắc mắc của cử tri gửi gắm qua ĐBQH rất cần có câu trả lời rõ ràng, rành mạch từ phía các Bộ trưởng.

Làn sóng đại dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng xã hội và việc làm

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 10/11, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, với chức năng, đối tượng phục vụ rộng lớn, có tác động đến đời sống xã hội, trong đó nhiều lĩnh vực, công việc của Bộ được chủ động trong tổ chức thực hiện nhưng có nhiều công việc mang tính chất phối hợp phụ thuộc kết quả triển khai của các địa phương, các bộ, ngành.

Làn sóng đại dịch Covid-19, từ một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng đã trở thành một cuộc khủng hoảng xã hội và việc làm. Tình trạng thâm hụt việc làm, bất bình đẳng khiến sinh kế của người dân bị đảo lộn, giảm sút về việc làm và thu nhập. Với tác động của đại dịch, nhất là đợt thứ 4 tới nay đã và đang gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước, đến việc làm, đời sống của hàng triệu người lao động và người dân, nhất là khi dịch xâm nhập vào TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp - nơi sử dụng đồng lao động.

Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước và các địa phương đã chủ động ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Đến nay, các gói hỗ trợ, các gói an sinh xã hội của Trung ương và các địa phương ban hành và đang triển khai đã góp phần quan trọng hỗ trợ người dân chung tay vượt qua nhiều khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống, tinh thần tương thân, tương ái, nghĩa cử cao đẹp, những tấm gương sáng cộng đồng đang lan tỏa thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh, an dân và xã hội đã và đang có nhiều hệ lụy do tác động đại dịch để lại. Quy mô các chính sách hỗ trợ của chúng ta còn thấp, đòi hỏi sớm có chính sách hỗ trợ với quy mô lớn hơn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng để phục hồi, phát triển thị trường lao động và các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc ( đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu): "Để thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt nhằm khôi phục sản xuất, phục hồi kinh tế, Bộ đã có định hướng gì để tham mưu giải quyết thực trạng thiếu hụt lao động? Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có kế hoạch gì để phối hợp với các bộ, ngành địa phương khắc phục hạn chế và thống nhất việc tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 một cách chu đáo và tốt nhất?"

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong Báo cáo 177 ngày 8.11 đã viết rất kỹ (bốn trang) về các giải pháp này, trong đó đề cập sâu vào giải pháp giữ chân người lao động; thứ hai là thu hút người lao động quay trở lại; thứ ba là giải quyết việc làm cho người lao động ở những nơi mà họ đã về mà họ không trở lại nơi cũ và cũng không tìm việc làm mới; thứ tư là giải pháp điều tiết bổ sung trong những trường hợp đặc biệt ở những địa bàn, đối tượng, lĩnh vực cấp thiết. Trong đó, theo Bộ trưởng, có mấy vấn đề quan trọng nhất.

Một là, chúng ta phải lo thật tốt về chính sách, về đời sống, mức lương, thu nhập. Hai là, phải chăm lo an sinh thật tốt, phải có một sàn an sinh tối thiểu để người lao động có thể yên tâm đó là vấn đề nhà trọ, nhà ở, vấn đề sinh hoạt, nơi có thể gửi con, chăm sóc con cái. Ba là phải bảo đảm cho an toàn tính mạng, sức khỏe của họ đó là tiêm vaccine.

Về khắc phục những hạn chế an sinh xã hội, về lâu dài, Bộ trưởng cho biết, chủ trương Nghị quyết Đại hội Đảng XIII nêu rất rõ, chúng ta phấn đấu phát triển kinh tế thì đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội; không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội để lấy phát triển kinh tế đơn thuần. Vì vậy, hiện nay mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam là một trong những quốc gia được xếp đứng đầu khối ASEAN về đầu tư ngân sách cho an sinh xã hội. Chúng ta có các chính sách tương đối đồng bộ và hoàn thiện kể cả cho người có công, người yếu thế, người già, người có hoàn cảnh neo đơn, cho trẻ em và các đối tượng khác.

Thời gian tới, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tiếp tục hoàn thiện và xây dựng Đề án dự kiến đầu năm 2023 sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương về củng cố, nâng cao chất lượng an sinh hay nói cách khác là nâng cao chất lượng các chính sách xã hội của người dân Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó có rất nhiều vấn đề liên quan như đời sống, thu nhập cho người nghèo, người yếu thế, người có công, vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường… để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phân hóa xã hội, để mọi người ai cũng được tham gia và ai cũng được thụ hưởng thành quả xã hội.

Nhận nhầm hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là sự nhầm lẫn đáng tiếc

Về thông tin một địa phương phát nhầm và nhận nhầm hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, đây là sự nhầm lẫn đáng tiếc. Bộ trưởng cho biết, ngay sau thời điểm nhận được thông tin, Bộ trưởng đã liên hệ với Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, nghiên cứu kỹ báo cáo của ngành lao động, thương binh và xã hội địa phương, đồng thời cử ngay đoàn công tác vào xử lý. Tham gia đoàn còn có đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động và một số bộ, ngành liên quan…Tại địa phương, đoàn đã kiểm tra thực tế tình hình, gặp những người trực tiếp phát, trực tiếp nhận. Con số cụ thể không phải là 22.000 người mà chỉ khoảng 1.490 trường hợp.

Đây là chính sách của tỉnh Bình Dương hỗ trợ thêm cho người lao động như giảm giá nhà trọ trong lúc khó khăn với mức 800 nghìn đồng/người. Tuy nhiên trong quá trình kê khai, số lượng tăng lên quá nhiều, tỉnh Bình Dương thấy bất thường đã tiến hành rà soát lại bằng máy, đồng thời mời Bộ Công an và Ngân hàng Chính sách xã hội vào cuộc, cùng rà soát trên cơ sở dữ liệu mới thấy tình trạng trùng lắp. Trên cơ sở đó, tỉnh Bình Dương đã dừng việc này và tiến hành rà soát lại nhưng đã có 1.990 người nhận với số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng. Các trường hợp này phần lớn đã hoàn trả lại vì tự nhận thấy mình nhận không đúng. Đến nay, công việc này đã giải quyết xong và 1,6 tỷ đồng cũng đã thu hồi đầy đủ.

Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) về cần phải làm gì để đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: Trước hết đổi mới giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần chung, bám vào nguyên tắc chung là thực hiện theo Nghị quyết 29 của Trung ương, phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nghề nghiệp.

Thứ hai, đổi mới giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng. Thứ ba, gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà trường với doanh nghiệp, phấn đấu để thực hiện mục tiêu là người dân hay nói cách khác là các bậc cha mẹ ủng hộ cho con cái học nghề. Làm sao để có chính sách, vừa tuyên truyền, xây dựng các thương hiệu tốt của các trường nghề, để học sinh tham gia nhiều hơn. Đồng thời trong quá trình học nghề, sinh viên được học liên thông nếu có nhu cầu. Đối với trường nghề, phải làm sao để khi học sinh ra trường có việc làm và có thu nhập tốt. Cuối cùng, Bộ sẽ xây dựng một chương trình nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam để đáp ứng yêu cầu hội nhập theo tinh thần của Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng nhà nước .../.

Từ khóa: Đào ngọc dung, chất vấn, bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập