Sẽ tăng cường thực nghiệp, thực chất, thực học trong giáo dục
Cập nhật: 28/08/2021
Bắt quả tang nhiều người dùng muỗng cà phê làm vật quy đổi khi đánh bạc
Vụ xe đâm tử vong bé 17 tháng tuổi trong nhà ở Tuyên Quang: Lấy mẫu máu nam tài xế
[VOV2] - Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Ngành giáo dục sẽ triển khai các biện pháp hữu hiệu để khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Tăng cường yếu tố thực nghiệp, thực chất, thực học.
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 diễn ra ngày 28/8 ghi nhận nhiều ý kiến chỉ đạo, đóng góp quan trọng giúp ngành Giáo dục vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cũng như tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.
Truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc phải được đặt đúng tầm trong giáo dục
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và Triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực của Ngành giáo dục trong năm học 2020-2021, một năm học nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19.
Nhìn lại những kết quả của năm học qua, Thủ tướng đặc biệt ghi nhận sự linh hoạt, chủ động của Ngành giáo dục triển khai các biện pháp ứng phó dịch COVID-19 như ứng dụng CNTT trong tổ chức dạy học trực tuyến; tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT sát với tình hình thực tiễn, đảm bảo nghiêm túc, an toàn phòng chống dịch bệnh và được dư luận xã hội đánh giá cao...
Năm học 2020-2021, Giáo dục Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên trường quốc tế như cải thiện vị trí xếp hạng các trường đại học trong các bảng xếp hạng quốc tế; thí sinh tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế và đạt được nhiều thứ hạng cao…
“Năm học 2020-2021 ghi dấu ấn quan trọng với việc xây dựng cơ chế chính sách tháo gỡ nút thắt, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết 29. Tạo ra sự chuyển biến về chất nhất là về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, huy động nguồn lực xã hội và thúc đẩy hội nhập quốc tế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng vẫn tồn tại bệnh thành tích trong giáo dục. Chất lượng đào tạo nhất là đào tạo đại học dù có tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, nguồn nhân lực thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…
Đặc biệt, một vấn đề quan trọng nhưng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính chưa được nhắc nhiều trong ngành giáo dục đó là việc xây dựng văn hóa trong giáo dục con người Việt Nam trong các trường học.
“Văn hóa, truyền thống lịch sử là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển vậy tại sao chúng ta chưa quan tâm đúng mức? Chúng ta phải đưa giáo dục văn hóa truyền thống, lịch sử của dân tộc vào sâu hơn nữa trong ngành giáo dục. Truyền thống đoàn kết, truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng của đất nước là một nguồn lực rất quan trọng phải đặt đúng tầm trong ngành giáo dục.”-Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.
Thủ tướng lưu ý, Ngành giáo dục đang từng bước và quyết liệt thực hiện các giải pháp để đổi mới toàn diện nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp với phương châm lấy học sinh làm trung tâm. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả thì nhà trường phải là nền tảng, thầy giáo phải là động lực. Thầy giáo có tốt, truyền cảm hứng tốt thì sẽ tạo hứng thú cho học sinh. Ngược lại, thầy giáo không chuẩn bị tốt, không truyền cảm hứng tốt, không đầy đủ kiến thức thì giờ học dài lắm.
"Phải chú trọng phát triển con người, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị tuyền thống và giá trị hiện đại."- Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.
Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT chuẩn bị các điều kiện để tiêm vaccine cho học sinh
Liên quan đến chiến lược tiêm phòng Vaccine cho học sinh, giáo viên để sớm mở cửa lại trường học tại các tỉnh, thành phố có dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ đã tranh thủ mọi quan hệ quốc tế để thúc đẩy ngoại giao vaccine, trong đó có vaccine cho trẻ em.
Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị các điều kiện để triển khai tiêm vaccine cho trẻ em. Bộ Y tế căn cứ vào khoa học và quy định độ tuổi tiêm Vaccine để tính toán phân bổ, có kế hoạch tiêm Vaccine phù hợp.
“Đối với trẻ em dưới 12 tuổi, các quốc gia đang nghiên cứu vaccine và thuốc chữa bệnh, chúng ta phải sớm tiếp cận. Bộ GD-ĐT tính toán nhu cầu từng lứa tuổi, phối hợp với Bộ Y tế để có thể tiêm sớm nhất các cháu. Các cháu được tiêm đủ 2 mũi có thể đi học bình thường cùng với các biện pháp chống dịch khác.” – Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo.
Đối với những nơi không có dịch, là “vùng xanh”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các địa phương chủ động phương án tổ chức cho học sinh quay lại trường học trên tinh thần đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan.
Còn đối với “vùng đỏ”, “vùng vàng”, những nơi dịch bệnh phức tạp, giải pháp trước mắt học sinh vẫn phải học trực tuyến. Bộ GD-ĐT phải có hướng dẫn cụ thể, có chương trình dạy phù hợp. Các địa phương cần lưu tâm dành nguồn lực để hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, đảm bảo sự công bằng trong học tập.
“Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất chia sẻ khi ngày tựu trường các cháu không được đến trường mà chỉ được gặp bạn bè, thầy cô qua máy tính. Đây là một thiệt thòi lớn. Nhân đây tôi cũng kêu gọi các thầy cô, phụ huynh học sinh nêu cao tinh thần chống dịch, mình vì mọi người, mọi người vì mỗi người. Tất cả vì tương lai của con em chúng ta.”- Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi.
Liên quan đến các chính sách hỗ trợ học sinh, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, đối với những gia đình học sinh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, các trường học, địa phương cần phải có chính sách miễn giảm học phí để đảm bảo học sinh không vì nghèo mà không được đến trường.
Sẽ tăng cường thực nghiệp, thực chất, thực học trong giáo dục
Tiếp thu những chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với Ngành giáo dục, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định sẽ cụ thể hóa những chỉ đạo của Thủ tướng bằng các chương trình, kế hoạch công tác, thực hiện có hiệu quả trong năm học 2021-2022 và những năm tiếp theo. Quyết tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Ngành giáo dục sẽ tập trung cho việc triển khai các biện pháp cấp bách nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch hạn chế các tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với giáo dục. Kiên trì mục tiêu chất lượng, phấn đấu hoàn thành kế hoạch và mục tiêu năm học. Trong đó ưu tiên triển khai việc dạy và học linh hoạt thích nghi với điều kiện thực tế của từng vùng miền, từng địa phương.
“Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp cùng các Bộ ngành, địa phương triển khai việc hỗ trợ cho các đối tượng giáo viên và học sinh gặp có hoàn cảnh khó khăn. Triển khai tiêm Vaccine cho giáo viên và học sinh để đảm bảo cho trường học mở cửa sớm nhất có thể. Rà soát chỉ tiêu tuyển dụng việc tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên nhất là giáo viên phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Nhắc lại những chỉ đạo của Thủ tướng giao cho Ngành giáo dục tại buổi làm việc ngày 6/5, cũng tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Ngành giáo dục sẽ đặc biệt lưu ý triển khai các biện pháp hữu hiệu để khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Tăng cường yếu tố thực nghiệp, thực chất, thực học trong giáo dục. Hạn chế tối đa việc dạy thêm, học thêm. Triển khai ngay việc đổi mới phương pháp giảng dạy các môn tiếng Việt, Lịch sử và tăng cường việc dạy học ngoại ngữ.
Về trung hạn và dài hạn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ sớm hoàn thiện ban hành và triển khai chiến lược giáo dục và đào tạo giai đoạn từ năm 2021-2030 và tầm nhìn 2045 theo tinh thần Nghị quyết đại hội XIII của Đảng.
“Giáo dục liên quan đến mọi nhà, mọi người và mọi ngành. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nhằm từng bước kiến tạo thế hệ Người Việt Nam mới phát triển toàn diện, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và mạnh của đất nước là việc vô cùng lớn và rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng đây là yêu cầu, sứ mệnh của ngành. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cùng các cơ quan tham mưu, các cơ sở giáo dục và toàn thể giáo chức, học sinh sinh viên sẽ ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn sáng tạo không ngừng để hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Từ khóa: Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, thực nghiệp, thực chất, thực học, đổi mới giáo dục, dịch COVID-19, năm học mới
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2