Sẽ bỏ hạn mức giao dịch hàng ngày cho ví điện tử của cá nhân
Cập nhật: 25/09/2019
63 năm truyền thống ngành dầu khí Việt Nam: “Một đội ngũ - Một mục tiêu”
Quảng Ninh chuẩn bị sản phẩm OCOP phục vụ Tết Nguyên đán (28/11/2024)
Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp thu, bãi bỏ quy định về hạn mức giao dịch hàng ngày cho ví điện tử của cá nhân.
Trước góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định sẽ tiếp thu, bãi bỏ quy định về hạn mức giao dịch hàng ngày của cá nhân - thông tin ghi nhận từ buổi họp báo của nhà điều hành thị trường tiền tệ tại TPHCM chiều 10/6.
Chỉ khống chế hạn mức giao dịch của cá nhân/tháng
Chưa đầy một tuần sau góp ý của VCCI về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN rằng “hạn mức thanh toán 20 triệu đồng/ngày cho ví điện tử của cá nhân là không phù hợp thực tế bởi nhiều mặt hàng điện tử và dịch vụ du lịch hiện đã có giá bán vượt quá con số này”, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định sẽ bãi bỏ hạn mức giao dịch hàng ngày/cá nhân và chỉ quy định 100 triệu đồng/cá nhân/tháng.
NHNN sẽ bãi bỏ hạn mức giao dịch hàng ngày/cá nhân và chỉ quy định 100 triệu đồng/cá nhân/tháng. |
Hiện thống kê của NHNN cho thấy, giá trị thanh toán qua mỗi ví điện tử mới là 58.000 đồng/ngày, tức mỗi tháng chỉ khoảng 1,74 triệu đồng. Thông tin được đưa ra tại hội nghị về tiền điện tử trên thuê bao di động hôm 23/5 vừa qua cũng cho thấy, hạn mức bình quân cho mỗi ví điện tử của cá nhân trên toàn cầu chỉ là 206 USD/tháng, tức khoảng 5 triệu đồng.
“Như vậy so với quốc tế thì hạn mức 100 triệu đồng/tháng/cá nhân của Việt Nam là không hề thấp”, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) khẳng định.
Ngoài ra, nhà quản lý này cho rằng, vẫn đang có hiện tượng “ví đại lý” làm dịch vụ nhận tiền mặt và chuyển tiền từ ví sang ví, hoặc cho phép người dùng rút tiền mặt ra. Điều này khiến các đại lý trở thành điểm giao dịch tiền mặt, tức lúc này hoạt động của ví điện tử lại cổ vũ cho việc sử dụng tiền mặt.
Đề án xin phép thí điểm mobile money của Tập đoàn Viettel và VNPT cũng được xem là một loại ví điện tử. Do đó, dự kiến hạn mức thanh toán của loại ví này thậm chí chỉ từ 5-10 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, nếu khống chế giao dịch qua ví điện tử như vậy liệu có mâu thuẫn với chủ trương giảm dần thanh toán bằng tiền mặt của Chính phủ suốt nhiều năm qua?
Theo người đại diện Vụ Thanh toán, với kênh mobile banking tại các ngân hàng hiện nay, người dùng vẫn có sự lựa chọn khi muốn thanh toán không dùng tiền mặt với giá trị lớn.
Nhu cầu xây dựng giới hạn giao dịch cho ví điện tử cũng không phải “sáng chế” riêng có của cơ quan quản lý tiền tệ Việt Nam. Singapore cũng có quy định ví điện tử không được vượt quá hạn mức thanh toán 5.000 USD/ngày và 30.000 USD/năm; Trung Quốc cũng có giới hạn tương tự…
Xác thực người dùng: Yêu cầu bắt buộc với trung gian thanh toán
Vậy tại sao phải có hạn mức giao dịch cho mỗi ví điện tử?
Cũng theo ông Phạm Tiến Dũng, điều này xuất phát từ nhu cầu phải “bịt kín” kẽ hở trong quy trình xác thực khách hàng hiện nay (gọi tắt là KYC).
Hiện quy trình này tại Việt Nam vẫn còn chưa thật sự hoàn chỉnh, nên khi một số vụ việc nghi ngờ lừa đảo, rửa tiền… xảy ra thông qua ví điện tử thì cơ quan chức năng không thể nào xác minh được người chủ ví thực sự.
Trong khi đó, theo yêu cầu của Luật Phòng chống rửa tiền và Nghị định hướng dẫn phòng chống rửa tiền, khách hàng khi mở tài khoản ngân hàng phải trực tiếp đến điểm giao dịch để xác thực các thông tin cá nhân.
“Bất kỳ đơn vị trung gian thanh toán nào đều cần định danh được khách hàng để khi ‘hữu sự’ có thể xác định được ai thực hiện giao dịch ấy. Các rủi ro xảy ra hiện nay đều xuất phát từ sự vô danh và gian lận trong khai báo thông tin khách hàng”, ông Dũng nhận định.
Dự thảo sửa đổi Thông tư 39 cũng nêu rõ, NHNN cho phép xác thực khách hàng bằng nhiều phương thức như: Khai báo thông tin trực tiếp nếu người dùng chưa từng khai báo thông tin với đơn vị làm ví; scan thông tin gửi qua mạng cho đơn vị làm ví, hoặc khai báo cho đơn vị làm ví qua các kênh xác thực điện tử.
Nghĩa là nếu một khách hàng đã được ngân hàng làm thủ tục KYC rồi thì thông tin đó hoàn toàn có thể được đơn vị làm ví điện tử thu thập. Tuy nhiên, chuyện ngân hàng có được quyền cung cấp thông tin khách hàng cho bên thứ 3 hay không lại là thỏa thuận dân sự giữa ngân hàng và khách hàng. Hay chuyện doanh nghiệp làm ví điện tử thu thập thông tin người dùng qua kênh ngân hàng cũng là thỏa thuận giữa đôi bên.
“Dự thảo mới sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của giới doanh nghiệp cũng sẽ làm rõ hơn các thông tin, quy định, quy trình liên quan tới KYC”, Vụ trưởng Vụ Thanh toán nói thêm.
Tương tự, định hướng thí điểm hình thức ví điện tử mobile money tới đây cũng sẽ có những yêu cầu xác thực khách hàng bắt buộc.
Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), thanh toán điện tử của Việt Nam tăng trưởng vào hàng cao nhất thế giới (35%/năm). Do đó, ví điện tử một vài năm gần đây cũng bùng nổ về số lượng với hàng chục triệu ví đã có mặt trên thị trường. Tuy nhiên, đến hết năm 2018 cũng mới có khoảng 4,2 triệu ví được kết nối với tài khoản ngân hàng. Giao dịch qua ví điện tử mới chiếm khoảng 1% tổng giá trị thanh toán không dùng tiền mặt trên toàn hệ thống.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, trong đó có thực tế là không ít người dùng mở ví điện tử chỉ để nhận được số tiền được đơn vị làm ví tặng trước, sau khi dùng hết thì cũng “tạm biệt” luôn dịch vụ./.
Siết chặt quản lý ví điện tử: Người dùng sẽ phải thực dụng hơn
Từ khóa: ví điện tử, hạn mức giao dịch ví điện tử, ngân hàng nhà nước, thanh toán điện tử, tiền điện tử
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN