Sau UAV, tên lửa Iran có thể là vũ khí tiềm năng đối với Nga
Cập nhật: 13/10/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Tên lửa đạn đạo Iran được cho là sẽ phù hợp với tiêu chí của Nga trong chiến đấu, hơn nữa, Iran cũng có một kho dự trữ lớn các loại tên lửa này.
Hơn 7 tháng kể từ khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga đang gặp nhiều khó khăn vì sự thiếu hụt công nghệ do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Sử dụng hỏa lực nhiều hơn so với dự kiến ban đầu, các lực lượng Nga được cho là đang thiếu hụt tên lửa, đạn dược, đồng thời phải dựa vào kho vũ khí từ thời Liên Xô.
Sau cuộc tập kích tên lửa quy mô lớn nhằm vào nhiều thành phố của Ukraine hôm 10/10, giới phân tích cho rằng Nga có thể tìm đến một số đồng minh hoặc đối tác để lấp đầy kho dự trữ tên lửa của nước này và Iran có thể là một trong những nhà cung cấp hàng đầu.
Kể từ khi bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2, Iran được cho là đã cung cấp hàng trăm máy bay không người lái (UAV) cho Nga, trong đó có UAV cảm tử Shahed-136 và các UAV cỡ lớn hơn như Mohajer-6 bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng Moscow phải chuyển sang các kênh phi chính thức để nhanh chóng có được những loại vũ khí cần thiết cho hoạt động quân sự tại Ukraine.
Sau UAV, ý tưởng về việc Iran chuyển giao tên lửa đạn đạo cho Nga đã được truyền thông Iran đề cập vào cuối tuần qua. Tên lửa đạn đạo chắc chắn sẽ phù hợp với tiêu chí của Nga, hơn nữa, Iran cũng có một kho dự trữ tên lửa lớn.
Việc Iran đẩy mạnh nỗ lực phát triển các tên lửa đạn đạo ngày càng tinh vi và có tầm bắn xa hơn hiện là một yếu tố quan trọng trong các vấn đề địa chính trị tại Trung Đông. Cùng với tên lửa hành trình và UAV, tên lửa đạn đạo Iran nhằm mục đích răn đe các đối thủ của nước này. Chúng đã được lực lượng vũ trang Iran và nhiều nhóm dân quân do Tehran hậu thuẫn sử dụng.
Tên lửa đạn đạo do Iran sản xuất đã chứng minh được hiệu quả trong chiến đấu. Chúng có sức công phá lớn và độ chính xác cao. Một trong những đặc trưng của tên lửa đạn đạo Iran là tính phổ biến và đa dạng. Theo ước tính của phương Tây, Iran có ít nhất 20 thiết kế tên lửa đạn đạo khác nhau cùng rất nhiều phiên bản nâng cấp cải tiến. Điều đó đồng nghĩa với việc có rất nhiều loại tên lửa Nga có thể chọn mua và với kho dự trữ lớn Iran, việc chuyển giao sẽ được thực hiện nhanh chóng.
Tên lửa đạn đạo của Iran thường được thiết kế dành cho các cuộc xung đột khu vực, nên chúng rất phù hợp để các lực lượng Nga sử dụng trên chiến trường Ukraine. Chẳng hạn, tên lửa Qiam-1 SRBM có tầm bắn hơn 800km, cho phép Nga tấn công các mục tiêu trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Nếu tên lửa này được triển khai tại Belarus, cuộc tấn công sẽ dễ dàng hơn. Iran luôn sẵn sàng cung cấp tên lửa Qiam-1 cho khách hàng nước ngoài. Các phiên bản nâng cấp của tên lửa này có một đầu đạn hồi quyển cỡ lớn có khả năng cơ động (MaRV) giúp gia tăng độ chính xác khi nhắm bắn các mục tiêu có giá trị cao và khiến việc đánh chặn trở nên khó khăn hơn.
Những tên lửa khác của Iran, chẳng hạn như Ghadr từ Shahab-3 MRBM sẽ cung cấp tầm bắn lớn hơn, được cho là lên tới gần 2.000km. Điều này sẽ giúp cho Nga có lợi thế lớn hơn, thậm chí có thể tiến hành các cuộc tấn công vươn xa khỏi các vùng biên giới của Ukraine. Khả năng cơ động cao và đường bay phức tạp của tên lửa đạn đạo Iran sẽ khiến chúng trở thành những mục tiêu rất khó bắn hạ đối với Ukraine – quốc gia có kho vũ khí khá hạn chế.
Tuy vậy, một số tên lửa tầm xa của Iran, trong đó có Qiam-1 và Ghadr có nhược điểm là vẫn phụ thuộc vào động cơ sử dụng nhiên liệu lỏng. Điều đó không chỉ khiến chúng khó sử dụng mà còn mất nhiều thời gian để hoạt động. Nếu như Nga yêu cầu những loại vũ khí phản ứng nhanh, họ có thể lựa chọn mua tên lửa tầm ngắn có động cơ đẩy sử dụng nhiên liệu rắn.
Chẳng hạn dòng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh sử dụng nhiên liệu rắn và cơ động trên đường bay. Một số tên lửa thuộc dòng này có hệ thống dẫn đường tiên tiến, cho phép chúng thực hiện các cuộc tấn công chính xác hơn nhằm vào những mục tiêu đã được xác định. Fateh-110 dài gần 9m, nặng 3.450kg, sử dụng động cơ đẩy một tầng và nhiên liệu rắn. Nó có tầm bắn khoảng 210km và được cho là có thể mang đầu đạn nặng 500kg. Tên lửa này đã chứng minh hiệu quả và được đưa vào sản xuất quy mô lớn vì vậy nó có thể là một lựa chọn khả thi cho Nga. Ngoài ra tên lửa đạn đạo Qassem có tầm bắn 1.400km cũng là một ứng viên tiềm năng.
Ngoài tên lửa đạn đạo, Iran có thể cung cấp cho Nga các loại vũ khí dự phòng khác. Iran sở hữu rất nhiều tên lửa hành trình có tầm bắn và đầu đạn khác nhau, trong đó có một số loại gần như có nguồn gốc từ công nghệ Liên Xô. Trong số này phải kể đến tên lửa hành tình Quds-1. Trước đó, hồi tháng 9/2019, Houthi đã sử dụng tên lửa Quds-1 cùng nhiều UAV để tấn công các nhà máy lọc hóa dầu khổng lồ của Saudi Arabia, gây hậu quả nghiêm trọng cho quốc gia này.
Tên lửa đất đối đất của Iran thường sử dụng bệ phóng di động TEL lắp đặt trên khung gầm xe tải thương mại, dễ bảo trì và vận hành do đó sẽ phù hợp với các lực lượng Nga khi sử dụng trên chiến trường.
Giới phân tích cho rằng, dù là tên lửa đạn đạo tầm ngắn hay tên lửa đạn đạo tầm xa, một khi Iran cung cấp các loại vũ khí này cho Nga, chúng sẽ làm suy yếu hệ thống phòng không của Ukraine.
Đối với Iran, việc có một khách hàng lớn như Nga sẽ giúp vực dậy nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ngoài vấn đề doanh thu, việc bán tên lửa cho Nga sẽ giúp Iran có cơ hội ứng dụng hiệu quả công nghệ tên lửa ngày càng phát triển của nước này trong chiến đấu. Đưa vũ khí đến Nga sẽ không phải là một thách thức lớn, vì Iran hoàn toàn có khả năng vận chuyển chúng bằng tàu qua Biển Caspi. Bên cạnh đó, hai bên có thể phối hợp xây dựng các nhà máy sản xuất tên lửa hoặc UAV tại Nga và Iran sẽ gửi linh kiện tới Nga để lắp ráp và sửa chữa.
Tại thời điểm này, vẫn chưa rõ liệu Iran có chuyển giao tên lửa đạn đạo (hoặc tên lửa hành trình) của Iran cho Nga hay không. Tuy nhiên, xét ở nhiều góc độ, việc cung cấp tên lửa nếu được thực hiện sẽ mang lại lợi ích cho Nga khi nước này đang bị hạn chế đáng kể về nguồn cung vũ khí./.
Từ khóa: tên lửa iran, iran cung cấp tên lửa cho nga, kho dự trữ tên lửa iran, tên lửa đạn đạo của iran, tên lửa hành trình, tên lửa Quds-1, tên lửa Qiam-1 SRBM, xung đột nga ukraine, nga sử dụng tên lửa iran, nga tập kích tên lửa vào nhiều thành phố của ukraine, máy bay không người lái, uav cảm tử
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN