Sau Syria, Iran có thể là điểm nóng tiếp theo ở Trung Đông

Cập nhật: 1 giờ trước

VOV.VN - Sau Syria, Iran có thể là điểm nóng tiếp theo của khu vực Trung Đông. Nhiều nguồn đưa tin Israel có thể sớm tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran trong thời gian tới.

Cùng lúc, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cũng để ngỏ khả năng tiến hành một cuộc chiến với quốc gia Hồi giáo này trong nhiệm kỳ 2 của mình.

Hôm qua (12/12), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định, nước này “muốn hòa bình với tất cả những quốc gia thực sự muốn hòa bình với Israel”. Lãnh đạo Israel tuyên bố, đây có lẽ cũng chính là nguyện vọng của người dân Iran và Israel đang muốn biến khu vực Trung Đông thành ngọn hải đăng của sự thịnh vượng, tiến bộ và hòa bình.

Tuy nhiên, lãnh đạo Israel lại công kích chính phủ Iran, cho rằng chính sách trong khu vực của giới chức nước này, hậu thuẫn các nhóm chống Israel đã thất bại:

“Chế độ Syria đã sụp đổ. Đây là hậu quả trực tiếp của những đòn giáng mà Israel đã đánh vào Iran và Hezbollah – những bên hậu thuẫn mạnh cho chính phủ Syria. Điều này đã tạo ra một phản ứng dây chuyền trên khắp Trung Đông”.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng nhận định, cán cân ở khu vực hiện đã thay đổi đáng kể sau những gì xảy ra ở Syria.

Trong bối cảnh đó, tờ Thời báo Israel hôm nay đưa tin, không quân Israel đang trong tình trạng sẵn sàng và chuẩn bị cho các cuộc tấn công tiềm tàng vào các cơ sở hạt nhân của Iran, bởi nước này đang lo ngại một khi Iran bị dồn vào chân tường, nước này có thể thúc đẩy chương trình hạt nhân.

Trên thực tế, hồi tháng 10 năm nay, Israel đã cân nhắc tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran sau khi bị nước này tấn công tên lửa hôm 1/10. Nhưng kế hoạch đã bị hủy bỏ với nhiều lí do, trong đó có thể có sức ép từ Mỹ - quốc gia đồng minh khi đó đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống quan trọng.

Dẫu vậy, bối cảnh hiện nay được cho đã thay đổi. Hôm nay, khi được hỏi về khả năng xảy ra cuộc chiến tranh với Iran trong nhiệm kỳ tới, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết, “bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra” và tình hình đang rất bất ổn.

Hôm qua, Anh, Đức, Pháp - 3 nước châu Âu từng kí thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 tuyên bố sẵn sàng “bật lại” các lệnh trừng phạt hạt nhân Iran nếu cần, để ngăn chặn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân. Các nước này cho rằng Iran không cần phải làm giàu urani ở mức cao như vậy cho các chương trình dân sự.

Áp lực từ phương Tây lên Iran đang ngày một cao. Tuy nhiên, cần phải nhắc lại rằng, Iran từ lâu luôn khẳng định không theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân như Mỹ, Israel và các nước phương Tây nhiều lần lo ngại. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), Iran vừa cho phép cơ quan này giám sát nghiêm ngặt hơn các hoạt động hạt nhân ở cơ sở Fordow – nơi phương Tây lo ngại có các hoạt động làm giàu Urani ở mức gần cấp độ vũ khí.

Theo IAEA, Iran hiện có thể sản xuất hơn 34 kg urani làm giàu ở mức 60% mỗi tháng tại Fordow, gấp khoảng sáu lần so với tổng sản lượng 5-7 kg mà Iran sản xuất được tại cả Fordow và một nhà máy thí điểm trên mặt đất tại Natanz trong những tháng gần đây.

Hậu quả của việc chế độ Syria sụp đổ đối với Nga và Iran

VOV.VN - Lực lượng vũ trang đối lập Syria tiến công mau lẹ vào thủ đô Damascus, khiến hệ thống chính quyền của Tổng thống Assad sụp đổ nhanh chóng sau khi tồn tại 24 năm. Thiếu tướng Lê Văn Cương mổ xẻ biến cố Syria từ nhiều góc độ và phân tích yếu tố Nga cũng như những tác động từ sự kiện lớn này.

Từ khóa: iran, cơ sở hạt nhân iran, tấn công iran, syria, israel, điểm nóng trung đông

Thể loại: Thế giới

Tác giả: đình nam/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan