"Sau chín tháng làm lại cuộc đời, tôi giờ là chú rể..."
Cập nhật: 22/01/2021
Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa (30/11/2024)
Những dự án mới kích cầu du lịch xuân Ất Tỵ 2025 tại thành phố HCM (29/11/2024)
VOV.VN - Có lẽ cô ấy chẳng bao giờ biết được nước mắt thằng đàn ông cứng rắn trong tôi đã rơi mỗi khi nhìn cái dáng bé nhỏ của cô ấy từ đằng sau…
Tháng chạp về với miền Trung trong cái nắng hiu hắt ngày cuối đông, tôi chững chạc với bộ vest xám đậm màu, ngực cài đóa hoa nhỏ xíu đỏ thắm và tay nâng niu bó hoa cưới lung linh chờ rước cô dâu về làm lễ gia tiên. Tất cả như một giấc mơ! Giấc mơ quá đỗi ngọt lịm như mật!
Người đồng nghiệp cũ cũng là người cha thứ hai mà tôi luôn kính trọng đã ghé vào tai tôi nói khẽ: “Chúc mừng con, một đám cưới cổ tích giữa cuộc đời”. Lời nói nhẹ bẫng nhưng như có sức nặng vô biên giúp tôi sực tỉnh, định hình được dòng cảm xúc ngọt ngào đang lâng lâng trong tâm hồn. Không phải là mơ! Là hạnh phúc. Mình đã chạm tay vào hạnh phúc.
Một đám cưới cổ tích không hề có phép màu và càng không có hoàng tử, công chúa như câu chuyện ngày xửa ngày xưa ấy. Một đám cưới cổ tích không có đôi tân lang, tân nương bị khiếm khuyết cơ thể tìm được điểm tựa giữa cuộc đời trong ngày nảy ngày nay. Nhưng hạnh phúc của tôi có được cũng là một câu chuyện cổ tích.
Tôi là một chàng trai khỏe mạnh, có nghề nghiệp ổn định với tương lai sáng lạng. Hai mươi sáu tuổi, tôi tìm được một nửa cuộc đời mình và bình yên với mối tình tinh khôi kém mình hai tuổi. Một lễ ăn hỏi đã manh nha nhưng… Cuộc đời những tưởng cứ mãi bình yên, nào đâu chẳng đoán trước chữ ngờ.
Tôi đã đánh đổi một phút bốc đồng tuổi trẻ bằng sự nghiệp, nhân phẩm, tương lai của mình. Tôi bị kết án hai năm tù và nhận quyết định thôi việc trong sự bàng hoàng của mọi người. Tất cả thế là chấm hết.
Những ngày đầu vào trại, không biết bao nhiêu lần nỗi ân hận giày vò tâm can và cái ý định tìm đến cái chết đã xoắn lấy tâm trí tôi. Nhưng mỗi lần nhìn mái tóc trắng và đôi mắt đỏ đục của mẹ tôi, tôi đã không đủ nhẫn tâm nhân lên nỗi đau mất con trong lòng mẹ. Và nhìn cái dáng bé nhỏ cam chịu, nhẫn nhịn và đôi vai trĩu nặng của cô ấy, tôi hận mình thật nhiều.
Hai năm trời đằng đẵng đối diện với bốn bức tường, nghĩ về quá khứ nhiều hối tiếc, nghĩ về tương lai đầy u ám. Gia đình và cô ấy chính là động lực để tôi tiếp tục sống và trả nợ đời.
Cha mẹ không ai có thể bỏ con cái. Nhưng còn cô ấy, giữa chúng tôi chưa hề có một sự ràng buộc nào. Chỉ duy nhất tình yêu, liệu nó có phải là một sợi dây chắc chắn không? Tôi băn khoăn và hoang mang… Tình yêu và sự thương hại lại gần trong gang tấc. Tôi sợ lắm sự thương hại…
Bao câu hỏi cứ vang lên không lời đáp. Tuổi xuân cô ấy sẽ trôi qua một cách vô nghĩa bên tôi ư? Chờ đợi một con người tay trắng và tai tiếng như tôi có đáng không? Đến với tôi, cô ấy đủ dũng cảm bước qua được dư luận rồi cũng chịu nhiều thua thiệt? Níu giữ cô ấy, tôi ngàn lần muốn điều đó nhưng tôi ích kỉ vậy sao?...
Cô ấy vẫn đi thăm nuôi tôi đều đặn. Một lá thư chia tay tôi gửi cho cô ấy được hồi âm ngắn gọn: “Đợi chờ cũng là hạnh phúc…”. Tôi từ chối gặp, vẫn những hộp bánh và gói trái cây tôi thích ăn được gửi vào…
Có lẽ cô ấy chẳng bao giờ biết được nước mắt thằng đàn ông cứng rắn trong tôi đã rơi mỗi khi nhìn cái dáng bé nhỏ của cô ấy từ đằng sau…
Tôi được ân xá trước thời hạn nhân dịp Lễ Quốc Khánh. Niềm vui chiếm ba phần còn nỗi lo và áp lực đè nặng lại chiếm phần nhiều. Ra khỏi cổng trại, leo lên xe ngồi sau lưng đứa em, tôi bấm máy gọi cho cô ấy bằng số máy của mình. Chuông đổ, giọng nói nhỏ nhẹ vang lên, êm ái…
Sau chín tháng làm lại cuộc đời lần thứ hai, tôi giờ là chú rể đang đi rước dâu. Lòng thương hại đã không hề có chỗ để chen chân vào. Bởi người ta chỉ thương hại kẻ sa chân lỡ bước với mối tơ vò “bỏ thì thương, vương thì nặng”. Bởi chỉ duy nhất lòng thương hại thì chẳng thể nào kết nối được hai con người hoàn toàn tự do, yêu thương và trân trọng nhau. Đó chỉ có thể là tình yêu…
Cảm ơn em, tình yêu lớn của cuộc đời tôi…/.
Từ khóa: chuyện tình đẹp, đám cưới cổ tích
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN