Sau “bão” dịch tả lợn, bao giờ ngành chăn nuôi lợn phục hồi?
Cập nhật: 11/02/2020
Muốn phát triển, Lâm Đồng cần tháo gỡ quy hoạch treo
44 cơ sở giấy bức tử môi trường ở Bắc Ninh xin tạm dừng hoạt động
VOV.VN - Theo tính toán, phải đến đầu năm 2021 thì quy mô đàn lợn của Việt Nam mới có thể trở lại được thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát.
Rục rịch tái đàn
Theo phản ánh của VTV, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam - nơi từng là "thủ phủ" nuôi lợn lớn nhất miền Bắc - đến giờ vẫn nằm trong vùng bị dịch tả lợn châu Phi đe dọa. Một số hộ dân nơi đây "lướt sóng" lợn bằng cách mua con giống đã lớn (khoảng 70 - 80 kg/con) về vỗ béo tầm 1 - 2 tháng rồi bán. Tuy nhiên, đây chỉ là cách bất đắc dĩ và đầy rủi ro để người chăn nuôi tồn tại.
Nhìn lại 5 năm qua, hết cơn bão giá lợn này đến đợt dịch khác đã làm cho cả vùng chăn nuôi lợn lớn nhất miền Bắc kiệt quệ. Số hộ nuôi lợn ở Ngọc Lũ bây giờ đã giảm 80-90% so với trước đây.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện dịch tả lợn đã được kiểm soát tốt. Bộ đã họp nhiều lần với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn bàn về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, đặc biệt là trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Bộ NN&PTNT cũng cho thành lập nhiều đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra tình hình phòng chống dịch, hướng dẫn, đôn đốc việc chỉ đạo nuôi tái đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh.
Các hộ dân ở một số địa phương đang tái đàn nhanh để đáp ứng nhu cầu thị trường. (Ảnh minh họa: Tuổi trẻ) |
Báo Tuổi trẻ đưa tin, đến nay, nhiều địa phương đã nuôi tái đàn thành công như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai... Việc nuôi tái đàn đã có kết quả, lượng thịt lợn cung ứng cho thị trường tăng từ tháng 1/2020. Dự báo sản phẩm của heo nuôi tái đàn và sẽ tăng cao từ tháng 2/2019. Khả năng đảm bảo nguồn cung thịt heo cho năm 2020 khoảng hơn 4 triệu tấn.
Đáng chú ý,Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề do dịch tả lợn châu Phi nên cần rất nhiều thịt lợn. Giá thịt lợn ở nước này hiện rất cao nên các doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng mua thịt lợn nhập khẩu với giá cao hơn (20 - 30%) so với các doanh nghiệp Việt Nam và họ thường mua với số lượng rất lớn.
Dịch bệnh do 2019-nCoV gây ra cũng đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại, kể cả việc đi lại của các doanh nghiệp sang các nước để tìm kiếm, đàm phán nhập khẩu thịt lợn...
Đầu năm 2021, chăn nuôi lợn sẽ hồi phục?
Chia sẻ trên báo Kinh tế đô thị, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (BộNN&PTNT) cho rằng, kể từ khi bùng phát tại Việt Nam vào tháng 2/2019, dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường tiêu dùng và ngành chăn nuôi lợn trong nước. Dịch tả lợn châu Phi là đại dịch chưa từng có trong lịch sử ngành chăn nuôi Việt Nam, gây tổn thất nặng về với hơn 1,6 triệu con lợn bị tiêu hủy. Người chăn nuôi rơi vào tình cảnh lao đao do sản xuất bị ngưng trệ, trong khi người tiêu dùng cũng phải bỏ ra chi phí lớn hơn nhiều lần để sử dụng thịt lợn.
Giá lợn tăng cao do thiếu nguồn cung. (Ảnh minh họa) |
Có thể nói, chưa bao giờ ngành chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn như trong năm 2019 - khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành. Dịch bệnh đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của ngành nông nghiệp trong năm qua.
Thời điểm dịch tả lợn châu Phi đi qua, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã không đủ năng lực để phòng chống, phải "bỏ cuộc chơi". Trong khi đó, các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp hơn thì theo được và có cơ hội lấy lại những gì đã mất sau dịch bệnh. Rất nhiều nông hộ cũng mất đi cơ hội để khôi phục chăn nuôi lợn sau đại dịch, ông Dương cho hay.
Hiện nay, tỷ trọng thịt lợn trong "rổ thực phẩm" vẫn chiếm đến 70% tổng nhu cầu về thịt. Đây là sự chênh lệch rất lớn. Do đó, Bộ NN&PTNT đang tính toán, cơ cấu lại vật nuôi theo hướng giảm áp lực cho con lợn. Dự kiến, Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 – 2030 sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua trong thời gian tới.
Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của chăn nuôi lợn đối với an sinh xã hội, từ tháng 10/2019, Việt Nam đã có chủ trương tái đàn. Nhiều địa phương thậm chí thực hiện tái đàn từ tháng 7/2019. Quy định tái đàn đã được nêu rất rõ trong nhiều văn bản của Bộ NN&PTNT gửi tới các tỉnh, TP, các tổ chức, DN và người chăn nuôi.
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Xuân Dương, khủng hoảng đàn lợn sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều. "Chúng ta sẽ không thể lấy lại được ngay đàn lợn. Tôi cho rằng sẽ cần khoảng hơn một năm nữa, ngành chăn nuôi lợn mới hồi phục; tức là phải đến đầu năm 2021 thì quy mô đàn lợn của Việt Nam mới có thể trở lại được thời điểm trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát", ông Dương nói.
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng khuyến cáo:Muốn khôi phục lại ngành chăn nuôi, không nên vội vàng, nhưng phải khẩn trương trong tái đàn có kiểm soát. Theo đó, tất cả các hộ có chuồng trại bảo đảm điều kiện thì thông báo cho cơ quan thú ý, chính quyền địa phương để được hỗ trợ tái đàn. Trong quá trình tái đàn, nhất định phải áp dụng đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Kiểm soát tốt các khâu trong quá trình chăn nuôi lợn. Từ bỏ thói quen sử dụng thức ăn chăn nuôi tùy tiện, lưu ý xử lý qua nhiệt trước khi sử dụng cho đàn lợn.
Thực tế cho thấy, đã có nhiều địa phương tổ chức tái đàn rất hiệu quả. Nhiều nông hộ đã tái đàn lợn tốt và đang rất giàu có. Đây sẽ là cơ sở để thúc đẩy sự khôi phục nhanh hơn cho ngành chăn nuôi lợn trong bối cảnh dịch tả châu Phi chưa thể khống chế hoàn toàn./.
Từ khóa: Dịch tả lợn, chăn nuôi lợn, giá thịt lợn, nuoi lon, dich ta
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN