Sau Ấn Độ, Trung Quốc có nguy cơ xung đột với Nhật Bản ở biển Hoa Đông
Cập nhật: 22/06/2020
VOV.VN - Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản xoay quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc xung đột.
Trong khi Trung Quốc đang rơi vào tình trạng đối đầu căng thẳng với Ấn Độ tại khu vực biên giới ở Himalaya, một nhóm nhỏ các hòn đảo nằm cách xa đó hàng nghìn km có thể là một mồi lửa quân sự chực chờ bùng nổ.
Đảo Uotsuri trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. (Ảnh: AP) |
Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo mà Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Đây là nhóm đảo nhỏ nằm ở biển Hoa Đông, cách thủ đô Tokyo, Nhật Bản 1.900km về phía tây nam.Những tranh chấp về chủ quyền đã đẩy quan hệ Trung - Nhật vào tình trạng căng thẳng trong nhiều năm qua, đặc biệt sau khi Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong số 5đảothuộc Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9/2012. Cả Bắc Kinh và Tokyo dường như không muốn lùi bước trong vấn đề này.
Tình hình tại Senkaku/Điếu Ngư có phần nào giống với Himalaya, nơi đã chứng kiến căng thẳng biên giới kéo dài hàng thập kỷ giữa Ấn Độ và Trung Quốc, với đỉnh điểm là cuộc đụng độ ngày 15/6 vừa qua, khiến ít nhất 20 binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng. Hiện tại, 2 bên đã tiến hành đối thoại để giảm căng thẳng.
Nhưng điểm khác biệt ở đây là, “ngòi nổ” tại Senkaku/Điếu Ngư có thể gây ra một cuộc đối đầu quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc bởi Mỹ và Nhật Bản đã ký kết Hiệp ước phòng thủ chung. Nếu lãnh thổ Nhật Bản bị tấn công bởi một quốc gia nước ngoài, Mỹ phải có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh.
Lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự đã tăng cao vào tuần trước khi lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thông báo tàu của Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư hàng ngày, kể từ giữa tháng 4 vừa qua, lập kỷ lục mới về số ngày hiện diện liên tục. Phía Nhật Bản cho biết, Trung Quốc đã áp sát quần đảo này suốt 65 ngày qua.
Lập trường kiên quyết không nhượng bộ từ cả 2 phía
Phản ứng trước việc Trung Quốc gia tăng sự hiện diện gần quần đảo tranh chấp, Chánh văn phòng Nội các Nhật BảnYoshihide Suga đã bày tỏ lập trường cứng rắn của Tokyo trong một cuộc họp báo ngày 18/6: “Quần đảo Senkaku nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản, là một phần lãnh thổ Nhật Bản theo lịch sử và theo luật pháp quốc tế. Điều cực kỳ nghiêm trọng là Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động của nước này. Chúng tôi sẽ phản ứng với phía Trung Quốc một cách kiên quyết và bình tĩnh”.
Trong một tuyên bố vào ngày 20/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lặp lại quan điểm giống Nhật Bản nhưng ở hướng ngược lại.
“Quần đảo Điếu Ngư và các đảo nhỏ trong quần đảo này là một phần vốn có của lãnh thổ Trung Quốc. Chúng tôi có quyền thực hiện các hoạt động tuần tra và thực thi pháp luật tại các vùng biển này”.
Những bình luận tương tự thời gian gần đây cũng được xuất bản trên tờ Global Times của Trung Quốc. Bài báo có tiêu đề “Những người bảo thủ tại Nhật Bản đã phá vỡ quan hệ Trung-Nhật bằng cách thổi phồng tranh chấp quần đảo Điếu Ngư”, chỉ trích những nỗ lực đang diễn ra tại tỉnh Okinawa của Nhật Bản nhằm thay đổi chính quyền các đảo, lưu ý rằng điều này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ 2 nước.
Nhìn bề ngoài, động thái của Hội đồng thành phố Ishikagi, thuộc tỉnh Okinama, nơi quản lý các hòn đảo này dường như vô hại. Theo tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản, cơ quan này muốn chia tách các hòn đảo với các khu vực đông dân cư của đảo Ishigaki để hợp lý hóa các hoạt động hành chính. Nhưng trong nghị quyết đưa ra, thành phố Ishigaki khẳng định “các đảo là một phần của lãnh thổ Nhật Bản”. Đây là điều khiến Trung Quốc nổi giận.
“Việc thay đổi chính quyền các đảo vào thời điểm này chỉ có thể khiến tranh chấp trở nên phức tạp hơn và dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng”, giáo sư Li Haidong tại Viện Quan hệ Quốc tế của Đại học Ngoại giao Trung Quốc nói với Global Times.
Căng thẳng Trung-Ấn tại biên giới: Có khả năng xảy ra chiến tranh?
Lịch sử đối đầu
Phía Trung Quốc khẳng định nước này có chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ những năm 1400, khi chúng được sử dụng làm điểm dừng nghỉ của các ngư dân Trung Quốc. Tuy nhiên, Nhật Bản cho biết họ không thấy chứng cứ cho thấy Trung Quốc từng kiểm soát quần đảo này trong một cuộc khảo sát vào năm 1885, do đó, chính thức công nhận Senkaku/Điếu Ngư là vùng lãnh thổ có chủ quyền của Nhật Bản vào năm 1985.
Bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là ưu tiên hàng đầu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) trong nhiều năm qua. Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CRF) – một tổ chức nghiên cứu độc lập có ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ cho biết, Tokyo đã thiết lập các căn cứ quân sự mới ở gần đó để bảo vệ quần đảo này. JSDF cũng xây dựng và củng cố lực lượng thủy quân lục chiến, diễn tập về tác chiến trên biển đảo.
Mặc dù quần đảo Senkaku/Điếu Ngư không có người ở, nhưng lại có nhiều lợi ích kinh tế, theo CRF. Nhóm đảo này có trữ lượng dầu mỏ và khí đột tự nhiên tiềm năng, gần các tuyến đường vận chuyển quan trọng, được bao quanh bởi các khu vực có nguồn thủy hải sản phong phú.
Điều gì có thể dẫn đến 1 cuộc xung đột?
Bất cứ diễn biến nào cũng có thể làm gia tăng những rắc rối tiềm ẩn, ông William Choong, chuyên gia cấp cao tại viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore đánh giá: “So với các điểm nóng khác trong khu vực như Biển Đông và Bán đảo Triều Tiên, biển Hoa Đông có sự pha trộn của các yếu tố riêng biệt và dễ bùng cháy liên quan đến lịch sử, danh dự và lãnh thổ”.
Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) đã vẽ ra một kịch bản mà trong đó một vụ việc đơn giản có thể biến thành 1 sự cố quốc tế nghiêm trọng, chẳng hạn như thủy thủ đoàn của một con tàu bị hỏng phải neo đậu tại một trong số các đảo hoặc 1 máy bay hạ cánh ở đây.
“Nếu các thủy thủ của tàu đánh cá, binh sỹ thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển hoặc thành viên của quân đội Trung Quốc hiện diện trên đảo Senkaku, thì cảnh sát biển Nhật Bản sẽ khiến họ phải rời đi bằng hành động thực thi pháp luật. Nhưng do Trung Quốc không công nhận tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản, Bắc Kinh sẽ nhìn nhận đây là hành động gây leo thang căng thẳng và có thể phản ứng bằng hành động quân sự”, AMTI cho biết.
Tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Trung Quốc đã cho thấy sự sẵn sàng đẩy mạnh các yêu sách của nước này. Chẳng hạn ở Biển Đông, Trung Quốc đã điều máy bay đến các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng và bồi lấp phi pháp, đâm chìm tàu cá của Việt Nam, quấy rối một tàu khảo sát do Malaysia thuê và triển khai một tàu khảo sát khác đi vào vùng biển mà Indonesia tuyên bố chủ quyền.
Để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc ngang nhiên đẩy mạnh yêu sách chủ quyền “Tứ Sa” bất chấp luật pháp quốc tế, sau khi yêu sách “đường 9 đoạn” mà nước này đưa ra bị Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ vào năm 2017.
Sau đó là căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya. Trước và sau các cuộc đụng độ hồi đầu tuần trước, truyền thông Trung Quốc đăng đậm những câu chuyện và hình ảnh về các khí tài quân sự mới mà Bắc Kinh có thể triển khai trên núi.
Chuyên gia William Choong cho rằng, sẽ không phù hợp để nghĩ rằng Senkaku/Điếu Ngư không thu hút sự chú ý tương tự như các điểm nóng trên. “Câu hỏi đặt ra không phải là liệu Trung Quốc có muốn thách thức Nhật Bản tại quần đảo này hay không? Câu hỏi là Trung Quốc sẽ làm điều đó khi nào và bằng cách nào? Đây là những gì khiến các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản và của cả Mỹ phải trăn trở”./.
Từ khóa: quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, tranh chấp lãnh thổ Trung Quốc và Nhật Bản, biển Hoa Đông, đụng độ biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, biển đông
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN