Sau 3 năm, xung đột Nga - Ukraine đứng trước ngã rẽ mới
Cập nhật: 2 giờ trước
Con số tổn thất khủng khiếp của Nga và Ukraine sau 3 năm xung đột
Ukraine sau 3 năm xung đột: Bom đạn san bằng nhà cửa, cày nát các con đường
VOV.VN - Hôm nay (24/2) đánh dấu tròn 3 năm ngày nổ ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Diễn biến cuộc xung đột cho đến nay là một bi kịch trong chính trị quốc tế và là một bi kịch đối với toàn thế giới.
Hàng nghìn dân thường đã thiệt mạng, nhiều thành phố đổ nát và hàng triệu người buộc phải di tản. Cuộc xung đột đã phá vỡ cấu trúc an ninh châu Âu, vẽ lại mối quan hệ giữa các quốc gia và làm rạn nứt một nền kinh tế toàn cầu được kết nối chặt chẽ.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến hôm nay sẽ bỏ phiếu dự thảo nghị quyết về Ukraine do Mỹ đệ trình. Tuy nhiên, không giống như bất kỳ dự thảo nghị quyết nào do phương Tây soạn thảo trước đây, văn kiện không chỉ trích Nga và thay vào đó chỉ kêu gọi “nhanh chóng chấm dứt xung đột”. Mỹ trước đó đã lần đầu tiên từ chối đồng bảo trợ cho đề xuất của châu Âu và Ukraine về vấn đề này.
Dự thảo của Mỹ chia sẻ sự mất mát về sinh mạng trong cuộc xung đột này và nhắc lại rằng mục đích của Liên Hợp Quốc là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Theo Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, đây là một nghị quyết đơn giản, mang tính lịch sử.
Ông đồng thời hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc ủng hộ để vạch ra con đường hướng tới hòa bình: “Hôm nay là bước đầu tiên của một hành trình dài và khó khăn, nhưng là một hành trình quan trọng. Tổng thống Donald Trump đã cam kết chấm dứt cuộc xung đột này. Như đã nói trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông muốn cuộc xung đột kết thúc theo cách công bằng bền vững và lâu dài, không phải dẫn đến một cuộc xung đột khác trong 2 đến 3 năm nữa”.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia đã hoan nghênh dự thảo của Mỹ là "động thái tốt," song nhấn mạnh rằng văn kiện này không giải quyết được gốc rễ của cuộc xung đột: “Bất kỳ quốc gia nào tuyên bố hành động như một bên trung gian và đề xuất các sáng kiến hòa bình trước hết phải hiểu rõ nguyên nhân gây ra cuộc xung đột này. Nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột này là sự coi thường các lợi ích hợp pháp của Nga trong lĩnh vực an ninh và mong muốn gây ra thất bại địa chính trị cho Nga”.
Việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng đã mang đến những thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt là cách nước này đối phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay, trong đó có xung đột Nga – Ukraine. Thay vì tham vấn và thống nhất quan điểm trước với các đồng minh, ông Donald Trump chọn cách tiếp cận thẳng với Nga. Ngày 18/2, các nhà ngoại giao cấp cao từ Mỹ và Nga đã gặp nhau tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia để thảo luận về việc khôi phục quan hệ và đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine. Không có quan chức Ukraine hay châu Âu nào được mời tham dự cuộc họp. Dù Mỹ đã lên tiếng trấn an, song các đồng minh của nước này đều không khỏi cảm thấy bất an trước nguy cơ Nga và Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận và bỏ qua các lợi ích sống còn của họ.
Dẫu vậy, phải thừa nhận rằng những nỗ lực xúc tiến đàm phán vừa qua là điểm sáng hiếm hoi khi các nỗ lực tìm giải pháp hòa bình suốt trong năm thứ ba của cuộc xung đột gần như dậm chân tại chỗ. Cả Nga và Ukraine đều tuyên bố sẵn sàng đàm phán, song vẫn cứng rắn trong những vấn đề chính và không ngừng đổ vũ khí và nhân lực vào chiến trường. Và cái giá phải trả về nhân mạng ngày càng tăng và một thế giới ngày càng phân cực hơn.
Trong thông điệp gửi đi nhân dịp này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres một lần nữa nhấn mạnh sự cấp thiết phải đạt được một đề xuất hòa bình "công bằng, bền vững và toàn diện" để chấm dứt xung đột ở Ukraine. Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh bày tỏ tiếc thương về hàng nghìn người thiệt mạng và sự tàn phá sau ba năm khủng hoảng. Ông cũng hoan nghênh mọi nỗ lực nhằm đạt được hòa bình công bằng và bao trùm, đồng thời khẳng định Liên Hợp Quốc sẵn sàng ủng hộ bất kỳ sáng kiến nào về vấn đề này.
Các quan chức Nga - Mỹ dự kiến sẽ có các cuộc thảo luận tiếp theo trong 2 tuần tới, trong khi các cuộc thăm dò gần đây cho thấy phần lớn người dân Ukraine ủng hộ đàm phán.
Từ khóa: ukraine, xung đột nga ukraine, tổng thống trump, xung đột ở ukraine, tình hình ukraine, bước ngoặt ở ukraine, đàm phán ukraine
Thể loại: Thế giới
Tác giả: thu hoài/vov1
Nguồn tin: VOVVN