"Sát thủ thầm lặng" whitmore xuất hiện tại Thái Nguyên
Cập nhật: 25/09/2019
Cách làm đơn giản để làm sạch bầu không khí bớt ô nhiễm (05/11/2024)
Đại học Stanford phát triển phương pháp điều trị khiến tế bào ung thư tự hủy
VOV.V - Bệnh Whitmore không có vaccine phòng ngừa, không triệu chứng lâm sàng rõ ràng và dễ nhầm với nhiều bệnh khác... Tỷ lệ tử vong khi nhiễm bệnh từ 40-60%.
Sau hàng loạt trường hợp nhiễm bệnh whitmore tại Hà Tĩnh, trong đó có nhiều bệnh nhi, tại Thái Nguyên cũng xuất hiện ca nhiễm bệnh nguy hiểm này.Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, nam bệnh nhân M.V.D, 45 tuổi (La Hiên, Võ Nhai, Thái Nguyên) vào viện sau một tuần bị bừa đâm vào mặt ngoài gối phải. Bệnh nhân đã vệ sinh và khâu vết thương, sau đó vết thương sưng nề, chảy dịch, vào viện chẩn đoán vết thương nhiễm trùng gối phải, được dùng 10 ngày kháng sinh Ceftizoxim + Tobramycin, vết thương khô ra viện.
Nam bệnh nhân bị nhiễm whitmore. (Ảnh do BV cung cấp) |
Sau 10 ngày, bệnh nhân lại phải nhập viện lại vì vết thương vẫn sưng nề, chảy dịch mủ, hình thành ổ apxe. Bệnh nhân được phẫu thuật nạo tổ chức viêm lấy xương chết, nuôi cấy mủ tổ chức viêm tìm thấy vi khuẩn B. Pseudomallei gây ra bệnh whitmore sau gần 1 tháng khởi bệnh.
Bệnh nhân được điều trị kháng sinh theo phác đồ điều trị bệnh whitmore. Sau 3 tuần, vết thương vùng gối phải khô, liền sẹo tốt, bệnh nhân ra viện tiếp tục điều trị kháng sinh duy trì theo phác đồ.
Bệnh whitmore (hay Melioidosis) là một bệnh lây nhiễm gây ra bởi vi khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei thường được tìm thấy trong nước bẩn, đất, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn ô nhiễm (như hít phải bụi nhiễm vi khuẩn hay khi tiếp xúc với đất bị ô nhiễm qua các vết trầy xước ngoài da).
Theo Th.S. Nguyễn Thị Mai Huyền, Phó trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, bệnh whitmore không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng và dễ nhầm với nhiều bệnh khác. Bệnh có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm khuẩn trên da, viêm mủ tuyến nước bọt mang tai, viêm phổi, apxe ở lách và thận… Vi khuẩn có thể vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não. Chẩn đoán chính xác bệnh phải dựa trên các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu, hoặc dịch não tủy.
Các Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân không được chủ quan với bệnh whitmore khi có tổn thương đa ổ áp xe, có vết thương nhiễm bẩn đặc biệt ở các khu đầm lầy, đồng ruộng, trên các đối tượng nguy cơ như người làm nông nghiệp, trồng rừng, người bệnh đái tháo đường…
Các Bác sĩ cũng lưu ý đến tác nhân vi khuẩn B. Pseudomallei ở những bệnh nhân có đặc điểm trên để có định hướng phối hợp chẩn đoán với chuyên khoa truyền nhiễm. Nếu điều trị không đúng phác đồ, bệnh dễ tái phát, sức khỏe của bệnh nhân dễ suy kiệt do bệnh tái phát đi tái phát lại.
Trước đó, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, chỉ trong tháng 8/2019, Trung tâm đã tiếp nhận 12 ca mắc whitmore, trong đó có 4 ca đã tử vong. Đặc biệt,lần đầu tiên có một bệnh nhân nữ mắc whitmore khá hy hữu, với trình trạng vi khuẩn whitmore “ăn” cánh mũi./.
Cảnh báo vi khuẩn “ăn cánh mũi” quay trở lại Việt Nam
Từ khóa: whitmore, vi khuẩn ăn thịt người, nhiễm vi khuẩn ăn thịt người, nguy cơ whitmore tái bùng phát
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN