Sao có thể phó mặc an ninh nguồn nước cho doanh nghiệp?

Cập nhật: 26/10/2019

VOV.VN - Cho dù dịch vụ cung cấp nước sạch đã được xã hội hóa thì chính quyền vẫn phải có trách nhiệm kiểm tra quy trình cung cấp dịch vụ đảm bảo chất lượng.

17 ngày sau vụ nguồn nước sản xuất của Nhà máy nước sông Đà nhiễm dầu bẩn, ngày 25/10,Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà(Viwasupco) mới gửi lời xin lỗi tới người dân. Cùng với đó là cam kết sẽ miễn tiền nước sinh hoạt một tháng cho khách hàng.

sao co the pho mac an ninh nguon nuoc cho doanh nghiep? hinh 1
Người dân xếp hàng chờ lấy nước trong đêm.

Đây có thể coi là lời xin lỗi muộn màng khi hàng chục vạn người phải khốn khổ vì nước sinh hoạt nhiễm dầu thải, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống sinh hoạt. Tới thời điểm này, nguyên nhân vụ việc, trách nhiệm của doanh nghiệp sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ và xử lý theo pháp luật, nhưng ở tầm vĩ mô, sự cố khủng hoảng nước sạch sông Đà vừa qua cho thấy nước sạch không còn là chuyện của một doanh nghiệp với khách hàng.

Trong thông cáo gửi tới các cơ quan báo chí ngày 25/10, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà cho biết đã hoàn tất khắc phục sự cố để đủ điều kiện cung cấp nước sạch trở lại cho khách hàng, đồng thời đã xác định được nguyên nhân, bản chất vụ việc, từ đó đánh giá thiếu sót và nhìn nhận trách nhiệm của mình. Ngay trong chiều cùng ngày, bên hành lang Quốc hội, một số đại biểu khi được hỏi cho rằng, đó là lời xin lỗi quá muộn màng. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, trong lúc xảy ra sự cố, một việc đương nhiên và có thể làm ngay là xin lỗi khách hàng nhưng đại diện công ty đã không làm được, kể cả khi được hỏi tận nơi vẫn khăng khăng nói rằng “chờ kết luận của cơ quan điều tra”, và rằng “công ty mới là nạn nhân lớn nhất”.

“Tất cả những gì diễn ra làm ảnh hưởng đến người dân thì phải xin lỗi kể cả nguyên nhân đó hoàn toàn khách quan chứ chưa nói đến chủ quan. Lời xin lỗi đúng lúc là thể hiện tình cảm, trách nhiệm…”

Cũng trong thông cáo chiều qua, Công ty Kinh doanh nước sạch sông Đà thừa nhận trước đó chưa hề có kịch bản ứng phó phù hợp với tình huống khẩn cấp do con người cố tình gây ra, dẫn đến lúng túng trong xử lý ban đầu, gây ra những đảo lộn trong sinh hoạt bình thường của người dân.

Theo GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, sẽ rất nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng người dùng nếu một công ty nước sạch không có hệ thống cảm biến xác định được mối nguy hại từ nguồn nước đầu vào.

“Ở các nước họ đều phải có hệ thống cảm biến phát hiện được tất cả các mối nguy từ nguồn nước, hệ thống đó phải nhận biết được những chất có khả năng gây hại tới sức khỏe con người. Nước sạch là một loại hàng hóa đặc biệt vì liên quan trực tiếp tới con người nên trách nhiệm của doanh nghiệp là phải đảm bảo được những yêu cầu đó”.

Rõ ràng, khi ký hợp đồng với từng hộ gia đình, công ty phải có trách nhiệm cung cấp nước sạch cho khách hàng. Cuộc khủng hoảng vừa qua cho thấy chính công ty đã không hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, nhìn rộng ra sẽ thấy, nếu chỉ trao việc đảm bảo an ninh nguồn nước cho một doanh nghiệp thì sẽ có khả năng xảy ra những cuộc khủng hoảng nước sạch tiếp theo, chứ không chỉ dừng ở một sự cố như vừa qua. Nước chảy từ con suối, qua một cái hồ rộng lớn chảy qua nhiều huyện, tiếp giáp với khu vực quản lý của nhiều doanh nghiệp khác nhau để vào khu xử lý nước của doanh nghiệp. Không ai kiểm soát. Và khi sự cố xảy ra, doanh nghiệp cũng chưa từng có phương án ứng cứu.

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Chuyên gia quản trị công, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, vai trò của chính quyền rất lớn trong cung cấp dịch vụ công. Vì vậy, cho dù dịch vụ cung cấp nước sạch đã được xã hội hóa thì chính quyền vẫn phải có trách nhiệm kiểm tra quy trình cung cấp dịch vụ đảm bảo chất lượng.

Tư nhân có những thế mạnh, nhưng tư nhân vì theo lợi nhuận nên có thể bỏ qua những cái khác để có được lợi nhuận. Nếu không có cạnh tranh về chất lượng thì rủi ro của chuyện chất lượng không bảo đảm sẽ rất nhiều, thì chất lượng sẽ bị bỏ xuống hàng dưới và sự cố nước sông Đà có thể lặp lại vô tận. Và đó cũng là lý do nếu tư nhân vào thì phải có sự quản lý của nhà nước, phải áp đặt các chuẩn mực về quy chế pháp lý của dịch vụ công, phải kiểm tra chất lượng”.

“Trong họa có phúc” một số chuyên gia đã nhìn nhận như vậy khi nói về sự cố nước sạch sông Đà vừa qua. “Họa” thì ai cũng rõ, nhưng may mắn là giúp các cơ quan quản lý nhà nước nhìn ra được những lỗ hổng lớn: từ việc xử lý khủng hoảng, an ninh nguồn nước đến việc gắn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp lớn hơn trong cung cấp dịch vụ cho xã hội./.

Từ khóa: nước sạch sông Đà, Viwasupco, nước sạch nhiễm bẩn, đổ trộm dầu vào nguồn nước

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập