Sao chép ý tưởng là điều tối kỵ trong lao động sáng tạo của giới nhiếp ảnh
Cập nhật: 15/08/2021
After devastating flash floods, villagers get new homes in resettlement area
Những hình ảnh ấn tượng tại đêm chung kết Hoa hậu Đồng bằng sông Cửu Long 2024
VOV.VN - Quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh hiện đang là một trong những vấn đề được quan tâm không chỉ trong giới luật học mà còn ảnh hưởng đến giới công nghệ, truyền thông…
Và đỉnh điểm là vấn đề bản quyền tác giả, lâu nay đã trở thành nỗi bức xúc của nhiều ngành, nhiều giới và nhiều tác giả của lĩnh vực văn học - nghệ thuật. Nhiếp ảnh cũng không nằm ngoài dòng chảy chung đó.
Quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh là hết sức cần thiết
Tác phẩm nhiếp ảnh được hiểu là tác phẩm thể hiện hình ảnh của thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra hay có thể được tạo ra bằng bất cứ phương pháp kỹ thuật nào (thông qua phương pháp hóa học, kỹ thuật số hoặc phương pháp khác).
Trong những năm qua ở Việt Nam, chính sách bảo hộ quyền tác giả, trong đó có chính sách bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh tại Việt Nam đã phát huy hiệu quả tích cực. Sự ra đời của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan tới ba đối tượng của Sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền tác giả đã tương thích với các điều ước quốc tế, tương thích với các chuẩn mực bảo hộ của các nước trên thế giới. Bộ luật dân sự, bộ luật hình sự và nhiều luật chuyên ngành khác cũng có các quy định liên quan tới quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh, tùy theo tính chất và phạm vi điều chỉnh của mỗi luật. Nhiều nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành nhằm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật về quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh.
Như vậy, các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh đã được ban hành tương đối đồng bộ, có hệ thống, đủ để điều chỉnh các quan hệ xã hội về quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh trong nước và tạo môi trường pháp lý cho hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng trong việc phát huy năng lực sáng tạo, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư để phát triển đất nước.
Bà Trần Thị Thu Đông - Chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho biết, "Chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh là vô cùng quan trọng và cần thiết. Quyền tác giả được phát sinh ngay từ khi tác phẩm được định hình, không cần phải đăng ký. Việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không phải là cơ sở xác lập quyền tác giả, tác phẩm có đăng ký hay không đều được hưởng sự bảo hộ như nhau. Tuy nhiên, việc đăng ký quyền tác giả thực sự có ý nghĩa trong việc chứng minh quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh, nhất là trong trường hợp có tranh chấp xảy ra".
Cụ thể, một trong những biện pháp tự bảo vệ của chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh là đưa các thông tin chỉ dẫn về văn bằng bảo hộ. Nếu như thông tin về văn bằng bảo hộ được đính kèm hoặc được thể hiện trên tác phẩm, các tổ chức, cá nhân khác có thể sẽ không dám thực hiện hành vi xâm phạm với tác phẩm nghệ thuật.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại. Nếu tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả không đăng ký quyền tác giả thì khi có tranh chấp xảy ra, các chủ thể này phải tự mình cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền tác giả của mình đối với tác phẩm nhiếp ảnh.
Việc chứng minh quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh là vô cùng khó khăn vì tính chất mở của tác phẩm nhiếp ảnh. Như vậy, giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh là một chứng cứ có giá trị đặc biệt quan trọng trong trường hợp các biện pháp giải quyết tranh chấp như khởi kiện ra tòa án, khởi kiện trọng tài hoặc hòa giải được áp dụng. Bên cạnh những giá trị của Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nên nộp đơn đăng ký cho tác phẩm nhiếp ảnh của mình vì chi phí đăng ký quyền tác giả không quá lớn, việc đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm nhiếp ảnh không mất quá nhiều thời gian và địa điểm thực hiện thủ tục này cũng tương đối thuận tiện.
"Trong lao động sáng tạo của người nghệ sĩ, ý tưởng là quan trọng nhất nên việc copy, đạo nhái ý tưởng là điều tối kỵ trong lao động sáng tạo của người nghệ sĩ nói chung và giới nhiếp ảnh nói riêng" - bà Trần Thị Thu Đông nhấn mạnh.
Nâng cao năng lực, xử lý hành chính trường hợp vi phạm quyền tác giả
Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có tương đối đầy đủ hệ thống các văn bản pháp luật bảo vệ quyền lợi cho tác giả nói chung và tác giả tác phẩm nhiếp ảnh nói riêng, tuy nhiên hiện tượng các cá nhân, tập thể vô tình hoặc cố ý lợi dụng những kẽ hở trong luật để trục lợi vẫn diễn ra phổ biến, thể hiện ở mức độ vi phạm quyền tác giả tác phẩm nhiếp ảnh ở Việt Nam hiện nay vẫn còn cao. Tác phẩm nhiếp ảnh được xem là một trong những đối tượng dễ bị xâm phạm hơn so với các loại hình tác phẩm khác. Hiện nay, các hành vi xâm phạm đối với tác phẩm nhiếp ảnh diễn ra rất đa dạng cả về hình thức và phương tiện.
Trên thực tế, các vụ việc xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh trong giai đoạn hiện nay được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới như áp dụng công nghệ cao, sử dụng các thiết bị hiện đại để chỉnh sửa, bóp méo, thay đối nội dung tác phẩm nhiếp ảnh khác biệt so với tác phẩm gốc, tạo ra nhiều tác phẩm nhiếp ảnh khác nhau khiến công chúng khó có thể phân biệt đâu là tác phẩm nhiếp ảnh gốc. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của môi trường Internet đã tạo cơ hội cho các chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả tác phẩm nhiếp ảnh trên Internet được dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng và khó có thể kiểm soát. Hiện tượng này đã gây ra nhiều nỗi lo cho các tác giả nhiếp ảnh, người phải bỏ ra rất nhiều chi phí, công sức để tạo ra được các tác phẩm nhiếp ảnh gửi đến công chúng.
Bà Trần Thị Thu Đông cho biết, hiện tượng vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực nhiếp ảnh không chỉ diễn ra riêng lẻ ở một vài nơi, trên một vài tờ báo hay ấn phẩm mà là hiện tượng phổ biến, diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, ảnh đăng báo không đề tên tác giả, ảnh đăng một lần ở ấn phẩm này, sau đó được in lại ở nhiều xuất bản phẩm khác mà không đề tên, dùng ảnh làm nền cho các loại hình khác, trang trí, minh họa, cắt cúp tùy tiện... Không những thế, khi biên tập, xử lý ảnh, một số báo, tạp chí còn dùng các thủ thuật photoshop để tự ý thay đổi bối cảnh, tô vẽ, thêm bớt... Nhiều tác phẩm ảnh bị các nhà xuất bản, các hãng sản xuất băng, đĩa tự ý dùng làm bìa ấn phẩm mà không hề xin phép tác giả, không đề tên tác giả, và... không bao giờ tự nguyện trả “nhuận ảnh”.
Bà Tạ Thị Thu Đông cho rằng, "Tình hình vi phạm bản quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh đang diễn ra ngày càng nhiều và đa dạng. Ngày càng xuất hiện nhiều kỹ thuật, công nghệ có nguy cơ gây tổn hại đến quyền tác giả tác phẩm nhiếp ảnh. Trong khi đó, pháp luật quốc tế và Việt Nam lại chưa có những khung pháp lý tương xứng để điều chỉnh những hành vị xâm phạm trong môi trường này. Đứng trước nhu cầu hội nhập và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, việc bổ sung và hoàn thiện thêm các văn bản hướng dẫn thực hiện hoặc tổ chức thi hành về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số là cần thiết.
Bên cạnh đó, để việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh được hiệu quả, nhà nước cần phải áp dụng các biện pháp nâng cao năng lực kiểm tra, xử lý hành chính của các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quyền tác giả, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của nhân dân và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này"./.
Từ khóa: nhiếp ảnh, nhiếp ảnh Việt Nam, đạo nhái, copy ý tưởng
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN