Sáng tạo không ngừng, doanh nhân Bình Dương kiến tạo tương lai
Cập nhật: 11/10/2024
Phiên chứng khoán chiều qua: Thị trường tăng nhẹ, giao dịch quanh mốc 1230 điểm (26/11/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh y, dược vi phạm (26/11/2024)
VOV.VN - Bình Dương không chỉ là một địa phương công nghiệp mà còn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Thành quả này có được là nhờ sự năng động, sáng tạo của cộng đồng doanh nhân. Tại lễ kỷ niệm Ngày doanh nhân sáng 11/10, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã ghi nhận những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nhân trong quá trình xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Bình Dương là một trong những địa phương thu hút đầu tư lớn nhất cả nước với hơn 50.000 doanh nghiệp trong nước và hơn 4.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Số lượng doanh nghiệp và vốn đầu tư vào tỉnh liên tục tăng trong những năm gần đây, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển nhanh chóng.
Nhờ sự năng động, đổi mới và không ngừng thích ứng với tình hình mới của cộng đồng doanh nghiệp, Bình Dương đã đạt được những thành tựu đáng kể. Điều này thể hiện rõ nét qua việc thu ngân sách luôn nằm trong top đầu cả nước và thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước.
Một ví dụ điển hình là Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc, với 24 năm hoạt động tại Bình Dương, đã không ngừng đầu tư công nghệ hiện đại và cải thiện môi trường làm việc. Nhờ áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và đầu tư hệ thống xử lý nước thải, công ty đã góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới công nghệ để đáp ứng nhu cầu của thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
"Đối với các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư với máy móc lạc hậu buộc phải thay đổi để phù hợp, đủ tiêu chuẩn về chất lượng cung cấp cho thị trường và cho nhu cầu xuất khẩu. Do đó, một số trường hợp phải chuyển đổi, mua sắm máy móc, thiết bị phù hợp hơn, tiết kiệm điện, chất lượng sản phẩm tốt hơn. Hiện nay, chúng tôi đang cải tạo, đầu tư mới công nghệ sản xuất ngành thép", ông Nghĩa nói.
Trường Trung cấp nghề nghiệp vụ Bình Dương đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cho địa phương, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp và chính quyền đã tạo ra một môi trường đào tạo và làm việc ngày càng tốt hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Bình Dương.
Ông Lê Ngọc Thức, Chủ tịch HĐQT trường Trung cấp nghề nghiệp vụ Bình Dương cho biết, tỉnh rất quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực nên đã có những chính sách hỗ trợ cho nhà trường. Về phía nhà trường cũng chủ động đổi mới đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, thị trường.
"Trường phải đưa đội ngũ giáo viên đi tập huấn với những đơn vị có trang bị tiên tiến để về đào tạo học viên, đáp ứng nguồn lao động cho doanh nghiệp để phục vụ sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ mới. Hiện nay, máy móc, thiết bị của doanh nghiệp là thế hệ tiên tiến, đòi hỏi trường phải đầu tư trang thiết bị phù hợp. Mở rộng các ngành nghề tiềm năng mà doanh nghiệp đang cần", ông Thức cho biết.
Bên cạnh việc đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp, doanh nhân Bình Dương còn tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng, góp phần cho sự phát triển bền vững.
Bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp ở Bình Dương cũng còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, như thủ tục hành chính còn rườm rà, thiếu thông tin về quy hoạch, khó khăn trong việc tiếp cận vốn... Do đó, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh mong muốn Bình Dương tiếp tục có những chính sách hỗ trợ để yên tâm mở rộng sản xuất.
Đối với việc di dời nhà xưởng ngoài khu công nghiệp vào các khu công nghiệp, cần nhanh chóng có danh sách, quy định chế độ hỗ trợ cụ thể để doanh nghiệp yên tâm di dời hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương cho biết, khoảng 80% trong số 500 doanh nghiệp là thành viên của hiệp hội có thể phải di dời để đáp ứng các quy hoạch mới. Việc tập trung doanh nghiệp vào các khu công nghiệp sẽ giúp tạo chuỗi giá trị hoàn chỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành gỗ tỉnh Bình Dương.
"Hiện nay nếu nằm rời rạc ngoài khu, cụm công nghiệp thì liên kết chuỗi có lẽ không được tốt lắm, hy vọng khi vào khu cụm công nghiệp sẽ liên kết chuỗi chặt chẽ, ổn định hơn. Vấn đề mà này chúng tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh sớm có kế hoạch, chỉ đạo để chúng tôi có thể làm được".
Trước nỗi lo của doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, để tiếp tục phát triển bền vững, tỉnh sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và tiếp cận thị trường. Đồng thời tăng cường đối thoại để lắng nghe ý kiến, giải quyết khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Đối với việc di dời vào khu, cụm công nghiệp cũng có lộ trình để doanh nghiệp chuẩn bị.
Để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất và cung ứng nhân lực, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: "Chúng ta đã tìm mối liên kết giữa các trường đại học với doanh nghiệp để đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp. Đây cũng là cách làm riêng của tỉnh Bình Dương để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nhân lực. Chúng ta từng bước mở rộng các khu công nghiệp hiện có và khu công nghiệp mới để sẵn sàng để nhà đầu tư đăng ký và làm thủ tục nhanh hơn”.
Dịp này, 80 doanh nghiệp và 66 doanh nhân tiêu biểu được UBND tỉnh Bình Dương tuyên dương vì đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Cùng ngày, Đại hội Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương đã ra mắt Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2024-2029 gồm 60 thành viên, ông Mai Hữu Tín tái cử Chủ tịch Liên đoàn.
Từ khóa: Bình Dương , Bình Dương, doanh nghiệp, doanh nhân, phát triển, thu hút đầu tư,phát triển công nghiệp ,khu công nghiệp ,đào tạo nghề
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: thiên lý/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN