“Sản xuất gây độc hại, bán ra tiền tỷ mà phạt mấy chục triệu thì không thấm"
Cập nhật: 12/09/2024
Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng đội ngũ cán bộ công an cơ sở vừa hồng vừa chuyên
Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu chuyến thăm chính thức CH Séc
VOV.VN - Cho ý kiến về dự án Luật Hóa chất, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tăng cường chế tài xử phạt nghiêm minh, đảm bảo sự răn đe. “Một cơ sở sản xuất gây độc hại, phạt 10 triệu, 20 triệu, hay 50 triệu thì không ăn thua. Họ bán ra hàng tỷ, chỉ phạt 50 triệu thì không thấm vào đâu cả”, ông nói.
Sáng nay 12/9, tại Phiên họp 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 16 năm thi hành, việc thực thi Luật Hóa chất đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thi hành luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Các quy định đối với dự án hóa chất chủ yếu tập trung vào các yêu cầu đảm bảo an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường, chưa đề cập đến các yêu cầu về công nghệ, định hướng phát triển ngành.
Bên cạnh đó, việc thi hành pháp luật về quản lý hóa chất đôi khi còn chưa nghiêm. Nhiều hóa chất nguy hiểm bị sử dụng sai mục đích gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Mục đích sửa đổi luật nhằm hài hòa hệ thống pháp luật về quản lý hóa chất với quy định của các nước trên thế giới, góp phần tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, các tập đoàn hóa chất lớn với công nghệ, hệ thống quản lý hiện đại. Việc sửa đổi cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trong giao thương quốc tế, đầu tư sản xuất các sản phẩm hóa chất thiết yếu.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy nhấn mạnh, hóa chất đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như trong phát triển các ngành sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Với mức độ phổ biến rộng khắp nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường, hóa chất cần được quy định và quản lý chặt chẽ.
Việc sửa đổi Luật Hóa chất đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động hóa chất, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước và cam kết quốc tế mà nước ta là thành viên; khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Hóa chất hiện hành.
Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thông tin, đánh giá tác động chính sách đầy đủ hơn đối với các nội dung chính sách, bổ sung số liệu dẫn chứng cụ thể trong Báo cáo; bổ sung đánh giá toàn diện về các nguồn lực thực hiện để đảm bảo tính khả thi trong trong thực tế.
Đề cập hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm hàng hóa, theo ông Lê Quang Huy, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị làm rõ nội dung quản lý này; làm rõ chức năng của cơ quan liên quan như các Bộ: Công Thương, Y tế, NN&PTNT về quản lý hóa chất trong sản phẩm chứa hóa chất.
Cho ý kiến vào dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc sửa đổi luật này phải thể chế hóa chủ trương, triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước, tại Kết luận số 36 của Bộ Chính trị; Kết luận số 81 của Bộ chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên môi trường.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tăng cường chế tài xử phạt nghiêm minh, đảm bảo sự răn đe. “Một cơ sở sản xuất gây độc hại, phạt 10 triệu, 20 triệu, hay 50 triệu thì không ăn thua. Họ bán ra hàng tỷ, chỉ phạt 50 triệu thì không thấm vào đâu cả”, ông Trần Thanh Mẫn nói.
Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Công Thương xem lại Luật Điện lực sửa đổi, ngồi lại với cơ quan thẩm tra xem xét cụ thể. Theo quy trình, luật phải thông qua tại 2 kỳ họp, nhưng Chính phủ muốn thông qua tại 1 kỳ họp. Theo ông, Luật Điện lực sửa rất nhiều chứ không phải một số điều, nên phải xem xét, vì có nhiều điểm sửa đổi cũng nhạy cảm, nên phải thận trọng.
Chủ tịch Quốc hội nói thêm, đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã xem xét 1 luật sửa 9 luật, gần đây nhất là 1 luật sửa 4 luật - sửa lại có hiệu lực từ 1/8/2024 thay vì 1/1/2025. Các bộ, ngành nói đảm bảo trong tháng 7 các nghị định, thông tư, địa phương hướng dẫn đầy đủ. Tuy nhiên theo ông, tới nay, Luật Đất đai còn 2 nghị định, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản còn 1 – 2 thông tư nữa. Theo báo cáo cách đây ít ngày, mới có 12/63 địa phương có hướng dẫn.
“Quốc hội rất sốt ruột, làm sao luật có rồi chúng ta phải có nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh phải xem xét, những gì đã hứa trước quốc dân đồng bào thì phải thực hiện thật nghiêm.
Từ khóa: độc hại, luật hóa chất, quốc hội, ủy ban thường vụ quốc hội, chủ tịch quốc hội, sản xuất gây độc hại
Thể loại: Nội chính
Tác giả: ngọc thành/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN