Sản xuất cà phê ở Kon Tum phải thích ứng được với biến đổi khí hậu
Cập nhật: 07/02/2020
Hàng loạt cơ sở sản xuất trong CCN làng nghề Mẫn Xá bị lập biên bản vi phạm
Các ngân hàng thương mại giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng (13/10/2024)
VOV.VN - Sau một niên vụ cà phê thất bát, những ngày này nông dân ở tỉnh Kon Tum đang vất vả với việc tưới nước cho cây cà phê khi hạn hán khô cạn.
Thực tế cho thấy biến đổi khí hậu đang có tác động tiêu cực đến việc canh tác cây cà phê nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung ở địa phương này. Phải thích ứng được với biến đổi khí hậu để duy trì sản xuất đang là yêu cầu cấp bách với nông dân và ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum.
Những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và tác động không nhỏ đến sản xuất của người trồng cà phê ở huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Là vùng chuyên canh cà phê, chiếm gần một nửa trong tổng diện tích hơn 21.000 ha cà phê của tỉnh, nông dân huyện Đăk Hà rất thấm thía với sự biến đổi của khí hậu gây thiệt hại cho cây trồng.
Ông Nguyễn Xuân Hải, nhà ở thôn 5, xã Hà Mòn, cho biết: “Mấy năm gần đây do trời nắng, khô hạn nhiều lượng nước các đập nước không đảm bảo cho nên năng suất cà phê cũng hạn chế. Thời gian tưới phải kéo dài vì không đảm bảo được nên năng suất cà phê không đạt năng suất cao.”
Sản xuất cà phê ở Kon Tum phải thích ứng được với biến đổi khí hậu. |
Niên vụ 2019 vừa qua, năng suất cà phê ở huyện Đăk Hà giảm đáng kể. Có những hộ dân mới vụ trước mỗi cây cà phê cho thu hoạch khoảng 20 kg quả nay giảm gần một nửa.
Anh Trần Quốc Tuấn, nhà ở thôn 2, xã Đăk Ngọc cho biết, kinh tế gia đình trông cả vào cây cà phê. Vụ vừa rồi cà phê mất mùa, giá thu mua lại thấp khiến gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tiêu cực, gây thiệt hại lớn cho người trồng cà phê. Muốn “trụ” được với cây trồng này cần có nhiều giải pháp.
“Các năm gần đây càng về sau năng suất cà càng không đạt do thời tiết. Như những năm trước thì phân biệt rõ ràng 6 tháng mùa mưa và 6 tháng mùa khô. Thời gian mình canh tác, kế hoạch của mình cũng rõ ràng hơn. Gần đây thì nắng mưa thất thường, mùa khô, mùa thu hoạch đôi lúc lại bão, mưa gió cản trở đến việc thu hoạch làm năng suất quả cũng không cao. Bà con cố gắng khắc phục thời tiết, trồng xen canh những cây ngắn ngày để cải thiện đời sống kinh tế” - anh Tuấn nói.
Trước biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt, mùa khô Tây Nguyên kéo dài dẫn đến nước tưới cho diện tích cây cà phê ngày càng khan hiếm, ông Trần Văn Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, việc áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước được xem là yêu cầu cấp bách để duy trì phát triển ngành nông nghiệp bền vững, nhất là với các cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cây cà phê.
Cùng với cây cà phê, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp nói chung của địa phương và gây thiệt hại lớn về kinh tế của người dân. Thống kê trong gần 5 năm qua cho thấy, hạn hán ảnh hưởng tới khoảng 4.500 ha cây trồng, gây thiệt hại trên 190 tỷ đồng. Cùng với đó, mưa lũ cũng đã cuốn trôi và làm hư hại trên 1.800 ha cây trồng, ước thiệt hại trên 100 tỷ đồng.
Thích ứng được với biến đổi khí hậu để duy trì, phát triển cây cà phê nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung đang là yêu cầu cấp bách đối với ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum./.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 6 tỷ USD vào năm 2030?
Từ khóa: cà phê, sản xuất cà phê, niên vụ thất bát, hạn hán, Kon Tum
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN