Sản phụ mắc COVID-19, phải chạy ECMO hồi phục và xuất viện

Cập nhật: 22/09/2021

VOV.VN - Đây là trường hợp sản phụ mắc COVID-19 nặng, điều trị bằng kỹ thuật ECMO đầu tiên của Đồng Nai. Bệnh nhân đã được các y bác sĩ giành lại sự sống một cách ngoạn mục và được xuất viện vào đúng dịp Trung thu.

“Cân não” cứu bệnh nhân khỏi tử thần 

Sản phụ N.T.V (19 tuổi) mắc COVID-19 khi đang mang thai ở tuần thứ 31. Bệnh nhân đã được chuyển đến Trung tâm trong tình trạng suy hô hấp nặng, viêm phổi do virus SARS-CoV-2, với chỉ số Spo2 chỉ dưới 90%, tính mạng của 2 mẹ con đều bị đe doạ nghiêm trọng, có lúc tưởng chừng như không thể qua khỏi. 

Đây là trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 nguy kịch đầu tiên được điều trị bằng các kỹ thuật cao như thở máy, lọc máu liên tục, can thiệp ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) tại tỉnh Đồng Nai. 

Ngay sau khi hội chẩn nhiều chuyên khoa, một phòng mổ tạm thời đã ngay lập tức được thành lập, đặt luôn trong khu điều trị của Trung tâm với sự tham gia của kíp mổ, kíp gây mê, kíp hồi sức nhi, kíp hồi sức tích cực... Cả e-kip luôn sẵn sàng xử trí khi có diễn biến xấu cho người mẹ và thai nhi, đồng thời có thể mổ lấy thai khi có chỉ định.

Toàn bộ quá trình điều trị trên người bệnh là các quy trình y khoa phức tạp, tổng hoà những kỹ thuật chuyên môn cao nhất và những quyết định “cân não” trong việc tăng dần mức độ can thiệp.

Các bác sĩ đã phải quyết định mổ bắt con để cứu sống mẹ. Cuộc phẫu thuật bắt con trên nền bệnh nhân mắc COVID-19 được diễn ra dưới sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều chuyên khoa, mục tiêu là đảm bảo an toàn cho em bé (nặng 1.7 kg) và duy trì các chỉ số sinh tồn của người mẹ.

Bước khởi đầu để làm chủ kỹ thuật ECMO ở Đồng Nai

Việc theo dõi người mẹ sau mổ gặp rất nhiều khó khăn, nhiều diễn biến xấu nên các y bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương đã thực hiện kỹ thuật đặt máy chạy tim phổi nhân tạo ECMO kết hợp lọc máu cho người mẹ.

Trong suốt quá trình điều trị sau mổ, các y bác sĩ luôn phải theo dõi sát sao, điều chỉnh đông máu hàng giờ để tránh xảy ra nguy cơ chảy máu và đông máu cùng lúc, chỉ cần một sơ sót nhỏ cũng có thể đe doạ tính mạng người bệnh.

ThS.BS Vũ Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Ba ngày đầu sau đặt máy ECMO, tình trạng người bệnh được kiểm soát, các thông số đều khá ổn định. Khi cả e-kip dần yên tâm hơn, tới ngày thứ 5 ống thông của người bệnh xuất hiện dịch máu, cả nhóm luôn phải theo dõi sát sao tình trạng mất máu, kiểm soát đông máu và cuối cùng tình trạng chảy máu đã được kiểm soát”.

Tuy nhiên, sang ngày thứ 8, các chỉ số của người bệnh đang được kiểm soát tốt, thì khó khăn mới ập đến, người bệnh có dấu hiệu tràn khí màng phổi bên phải. Bệnh nhân được đặt ống dẫn lưu khí khoang màng phổi và sau 2 ngày, phổi người bệnh đã nở tốt và rút được ống dẫn lưu.

Sau 17 ngày điều trị, người bệnh đã chuyển biến tích cực, tình trạng viêm nhiễm giảm, rối loạn đông máu và viêm phổi được cải thiện, người bệnh tỉnh táo trở lại. Tiếp sau đó, nhóm điều trị đã cai được máy ECMO cho người bệnh, rút ống nội khí quản và chuyển thở HFNC, thở oxy gọng kết hợp tập phục hồi chức năng hô hấp. 

Hiện tại sau 45 ngày điều trị, tình trạng người bệnh ổn định, không khó thở, có thể tự thở khí trời, đi lại nhẹ nhàng trong phòng cũng như tự sinh hoạt cá nhân và đủ điều kiện ra viện, chăm sóc phục hồi tại nhà.

ThS.BS Vũ Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm vui mừng chia sẻ: “Niềm vui, động lực lớn nhất đối với tập thể y bác sĩ, điều dưỡng Trung tâm Hồi sức tích cực chính là người bệnh được cứu chữa, khỏi bệnh và khỏe mạnh. Chúng tôi hy vọng việc cứu sống thai phụ mắc COVID-19 thành công bằng kỹ thuật ECMO đầu tiên này là bước khởi đầu để các thầy thuốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất tại tỉnh Đồng Nai có thể làm chủ kỹ thuật trong những ca bệnh tiếp theo”./.

Từ khóa: sản phụ mắc covid, mổ bắt con, cứu sản phụ hở ecmo, sản phụ điều trị, ECMO, Trung thu

Thể loại: Y tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập