Sản phẩm OCOP làng Chăm tất bật đơn hàng Tết

Cập nhật: 1 ngày trước

VOV.VN - Vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận có nhiều sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần cũng là thời điểm tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ cho dịp Tết, trong đó có sản phẩm gốm Chăm Sơn Hoà ở xã Phan Hiệp và bò một nắng ở xã Phan Hoà, huyện Bắc Bình.

Tất bật hàng Tết

Những ngày này, tại làng gốm Chăm Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, không khí làm việc của các hộ làm gốm rất khẩn trương, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, tạo hình đến khâu nung gốm.

Bà Lương Thị Hòa ở thôn Bình Tiến, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình phấn khởi cho biết, từ lúc chuyển sang làm gốm mỹ nghệ, sản phẩm gốm của gia đình bà được nhiều người ưa chuộng, nhất là du khách.

Bà Hoà cho biết thêm, gốm mỹ nghệ ở đây có nhiều mẫu mả như: rùa long quy, linga yoni, tháp nước Bình Thuận, tháp Chăm, bình hoa, thuyền thúng, con cá… Mỗi sản phẩm gốm của gia đình bà làm ra có kích cỡ vừa và nhỏ, có thể cho vào túi xách, hay ba-lô, rất tiện cho du khách.

"Mỗi năm đi trình diễn 4 lần tại di tích tháp Pô Sah Inư, TP. Phan Thiết trong các dịp như: Tết Nguyên đán, Tết Dương lịch, 30/4 và 2/9. Còn các mặt hàng này là khu resort ở Mũi Né đặt hàng gần 200 cái. Trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, mình đi trình diễn làm gốm tầm 4, 5 ngày ở Mũi Né. Họ đặt hàng mỗi lần tầm 3-4 triệu đồng loại nhỏ (100.000-150.000 đồng/sản phẩm - PV), còn loại vừa này tầm 350.000 đồng/sản phẩm, mỗi lần đi bán gần 30 sản phẩm, được mười mấy triệu đồng", bà Hoà nói.

 

Anh Bá Hữu Nhi, chủ cơ sở sản xuất bò một nắng ở xã Phan Hoà, một xã thuần đồng bào Chăm của huyện Bắc Bình cho biết, trước đây gia đình anh nhận thịt từ lò mổ rồi chở đi bán, thấy vất vả quá nên nghĩ cách làm khác.

Ban đầu chỉ phơi vài kilogam bán cho bà con trong làng nhưng thấy bán được nên tăng dần lên 10 – 20 kg/ngày và vẫn bán hết. Cứ thế, số lượng sản phẩm tăng dần qua từng năm.

Anh Nhi chia sẻ bí quyết, muốn bò một nắng ngon thì khâu đâu tiên chọn thịt phải tươi, sau đó là khâu ướp và phơi. Quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm làm ra phải sạch. Tuỳ theo loại thịt mà giá bán khác nhau, thấp nhất 400.000 đồng/kg và cao nhất 650.000 đồng/kg.

Hiện gia đình anh đã nhận được nhiều đơn đặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Anh Nhi nói: "Vô tháng Chạp này, tầm mồng 10 trở lên mỗi ngày phải xẻ gần một tạ thịt, gần Tết hàng đặt nhiều mình xẻ gần 2 tạ thịt. Ai đặt chỗ nào mình giao chỗ đó. Hiện tại có đơn hàng đặt 90kg, ngày 22/1 giao, mình có thể làm trước 1-2 ngày cũng được. 90 kg bò một nắng thì cần gần 2 tạ thịt tươi".

 Sao OCOP làng Chăm vươn xa  

Điều đáng nói ở đây là sản phẩm bò một nắng của hộ Bá Hữu Nhi ở thôn Bình Minh, xã Phan Hòa và gốm Chăm của hộ Lương Thị Hòa ở thôn Bình Tiến, xã Phan Hiệp vừa đạt sản phẩm OCOP 3 sao.

Theo UBND huyện Bắc Bình, trên cơ sở đánh giá chi tiết, chấm điểm từng nội dung, từng tiêu chí, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện đã công nhận 4 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện năm 2024, trong đó có Bò một nắng Hữu Nhi (hộ Bá Hữu Nhi) và bộ gốm người Chăm Sơn Hòa (hộ Lương Thị Hoà).

Đây là những sản phẩm nông thôn tiêu biểu tại địa phương, được các chủ thể chú trọng nâng cao chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bảo đảm điều kiện, quy định về nguồn gốc. 

Hiện Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện Bắc Bình cũng đã góp ý để các chủ thể chỉnh sửa, bổ sung các nội dung, hạng mục để sớm hoàn thiện hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP.

 Trong năm 2024, các địa phương đã tổ chức đánh giá phân hạng cho 48 sản phẩm OCOP đánh giá lại và hơn 100 sản phẩm tham gia lần đầu. Đến cuối năm 2024, tổng số sản phẩm OCOP còn hiệu lực trên toàn tỉnh Bình Thuận là 242 sản phẩm, trong đó, có 16 sản phẩm OCOP 4 sao, 224 sản phẩm OCOP 3 sao và 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận cho biết, thông qua chương trình OCOP, các sản phẩm đã có nhiều thay đổi về chất lượng, bao bì nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu quy mô sản xuất.

"Chương trình OCOP - mỗi xã một sản phẩm là các sản phẩm lợi thế của vùng miền, địa phương và lồng ghép vào đó văn hóa địa phương, cho nên kèm theo sản phẩm OCOP là câu chuyện sản phẩm. Ngoài thưởng thức sản phẩm còn có thưởng thức văn hóa vùng miền của địa phương. Mình hỗ trợ người dân để làm nổi rõ câu chuyện đó lên, nhưng mà ưu tiên là an toàn vệ sinh thực phẩm, phải đạt tiêu chuẩn", ông Phước nói.

Nếu như trước đây, sản phẩm gốm làng Chăm ở xã Phan Hiệp hay bò một nắng ở xã Phan Hoà, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận chỉ quanh quẩn ở các làng Chăm và bán cho các thương lái, nhưng nay những sản phẩm này đã gắn "sao” OCOP bước ra khỏi làng, chuẩn bị đi vào các đại lý ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh.

Những ngày qua, bãi nung gốm ở làng Chăm Bình Đức vẫn đỏ lửa; những giàn phơi của hộ Bá Hữu Nhi đầy ắp thịt bò, hứa hẹn một cái Tết no ấm đến với các làng Chăm ở Bình Thuận.

Từ khóa: sản phẩm , sản phẩm, làng Chăm, hàng tết

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: đoàn sĩ/vov-tp.hcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan