Sân khấu tư nhân phía Nam: Chông chênh tồn tại
Cập nhật: 25/09/2019
Trong khoảng thời gian gần đây, các sân khấu tư nhân phía Nam đang gặp nhiều khó khăn như lượng khán giả giảm sút, có nguy cơ phải đóng cửa.
Sân khấu tư nhân khu vực phía Nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua, các nghệ sĩ cũng đã rất cố gắng để xây dựng và khẳng định thương hiệu nghệ thuật của mình. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian gần đây, họ cũng gặp phải nhiều khó khăn như lượng khán giả giảm sút, sân khấu có nguy cơ phải đóng cửa.
Vậy nên, làm cách nào để hỗ trợ cho sân khấu tư nhân tồn tại và phát triển, đó là một câu hỏi được đặt ra thường xuyên và cấp thiết nhưng dường như vẫn chưa được những nhà quản lý văn hóa quan tâm đúng mức. Nhà viết kịch - người nhận giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật - tác giả Chu Thơm đã có những chia sẻ về việc sân khấu tư nhân phía Nam đang từng bước cố gắng để tiếp tục trên bước đường chinh phục nghệ thuật sân khấu.
Sân khấu kịch Hồng Vân phải đóng cửa sau 10 năm thành lập. Ảnh: Kênh 14 |
PV: Thưa tác giả Chu Thơm, theo ông, nguyên nhân nào khiến các sân khấu tư nhân phía Nam đang có sự phát triển rất tốt mà trong khoảng thời gian gần đây lại gặp phải những khó khăn khiến nhiều nghệ sĩ lúng túng như vậy?
Nhà viết kịch Chu Thơm: Đó cõ lẽ là quy luật tất yếu của cuộc đời này, Xuân sinh Hạ trưởng Thu thụ Đông tàn, cái gì phát triển rực rỡ rồi cũng sẽ có lúc phải thoái trào. Một thành phố 8 triệu dân ngày xưa chỉ có một sân khấu thôi, sân khấu kịch TP.HCM, sau đó, các sân khấu xã hội hóa mọc lên để cho 8 triệu dân được thưởng thức những "món ăn tinh thần" khác nhau, đó là sân khấu kịch Hồng Vân, sân khấu kịch Sài Gòn của Phước Sang, sân khấu Nụ cười mới, sân khấu 5B của Hội nghệ sĩ sân khấu,...
Tuy nhiên, khi sân khấu đang rơi vào bế tắc, một số nghệ sĩ đã tìm ra cách làm đề tài mới, cách thể hiện mới trên sân khấu. Có một điều đặc biệt, người ta gọi "ông bầu" và "bà bầu" cho thân thiện nhưng thực ra, những diễn viên giỏi cần phải có tài kinh doanh. Tôi còn nhớ, Huỳnh Anh Tuấn đã phải bán nhà để làm sân khấu, họ phải tin vào những công việc mình làm như thế.
Nhà viết kịch Chu Thơm |
Pv: Khi sân khấu rơi vào tình trạng "khủng hoảng", một số nghệ sĩ đã dám đương đầu với những khó khăn, thử thách để tìm ra cách tạo dựng sân khấu, tìm đối tượng riêng cho mình, tạo phong cách và cách thể hiện sân khấu mới để thu hút khán giả. Vậy ở giai đoạn hiện nay, các nghệ sĩ liệu có gặp phải sự cạnh tranh khi đang ở trong tình trạng hơi bi quan về sân khấu không, thưa ông?
Nhà viết kịch Chu Thơm: Bây giờ có thể nói là bi quan. Tôi là một trong những người ở ngoài Bắc từng cộng tác với sân khấu kịch của nghệ sĩ Hồng Vân cùng một số sân khấu khác, tôi thấy có những nghệ sĩ không hưởng lương nhà nước, tự thân vận động, thậm chí, có người vì anh em mà lập ra một gánh hát để các đồng nghiệp của mình có công ăn việc làm. Nhiều nghệ sĩ đã phải tính toán rất chi ly từng cái đinh ốc, từng mét vải, phông màn, từng mét gỗ cho sân khấu, không có chuyện lãng phí để dồn tất cả cho vở diễn.
Người ta cứ nói, ở ngoài Bắc, nhiều khi phải chi rất nhiều cho một vở diễn, thậm chí bị đồn lên đến 1 tỷ nhưng ở đây, nghệ sĩ Hồng Vân đã bỏ ra 200 triệu, thậm chí 100 triệu để làm vở diễn. Vấn đề quan trọng là họ tìm ra được đề tài nào đó và sân khấu xã hội hóa, những ngày Tết lễ là những ngày người ta được diễn nhiều nhất. Có những vở 1 ngày diễn 3 suất, chứng tỏ sức làm việc của nghệ sĩ như thế nào, họ rất tích cực, họ là những người rất đáng khâm phục và đang quý.
Pv: Sân khấu tư nhân đang phải cạnh tranh với các chương trình truyền hình thực tế, các gameshow, các nhóm hài kịch hoạt động trên các tiêu chí khác so với sân khấu kịch chính thống. Là người cộng tác nhiều với sân khấu phía Nam, ông nhận định gì về vấn đề này?
Nhà viết kịch Chu Thơm:Nếu nói đến sự cạnh tranh phải nói đến vấn đề sân khấu xã hội hóa, các đơn vị cạnh tranh với nhau rất lành mạnh. Có thể nói một cách nhẹ nhàng rằng, họ chia lãnh thổ để hoạt động, họ không đến diễn ở trụ sở của nhau, toàn bộ những trụ sở này toàn đi thuê mướn rất khó khăn. Giá cả thuê cao, mặt bằng xuống cấp và có thể bị đòi lại bất cứ lúc nào. Tôi đã từng viết bài, "Có nhà mà không hát, muốn hát mà không có nhà", ở ngoài này xây những nhà hát nguy nga gần chục tỷ nhưng vẫn trong cảnh tối đèn quanh năm, có nhà mà không hát, mà muốn hát lại không có nhà, toàn đi thuê. Thuê mướn xong lúc nào cũng lo lắng đến một ngày nơi cơ sở cho thuê đòi lại, lúc đó, bao nhiêu công sức cũng tiêu tan hết. Mà tiền là của ai, tiền của "ông bầu", tiền là mồ hôi nước mắt của anh em nghệ sỹ, lòng nhiệt tình của các nghệ còn lớn hơn cả tiền.
Tôi đang nói sự cạnh tranh lành mạnh ở đây nghĩa là không bài xích nhau. Tôi phải khẳng định, đối tượng hướng mũi dao vào sân khấu cả công lập lẫn xã hội hóa, đó là truyền hình. Những chương trình truyền hình thực tế vô bổ, chọc cười quá nhiều, quá thô thiển, làm cho khán giả dần dần cảm thấy chán.
Hơn nữa, hiện nay, các diễn viên "chạy sô" nhiều quá, "chạy sô" vì sân khấu cũng dần dần bị nhiễm những chương trình hài nhảm của một số Đài truyền hình. Vì lẽ đó mà bây giờ người ta chỉ cần ở nhà, bật ti vi lên là xem được hài và cười thỏa thích, cho nên đó cũng là lý do khiến rạp sân khấu ngày càng "vắng bóng" khán giả.
Pv: Việc các nghệ sĩ hài đang ngày càng dễ dãi, đôi khi làm hỏng thị hiếu của khán giả, sự cười tục tĩu vô duyên vô hình trung cũng làm mất đi lòng tin của khán giả đối với sân khấu. Vậy theo ông, những người nghệ sĩ sân khấu có nhận thức được rằng họ đang bị các mối "đe dọa" bủa vây để từ đó có định hướng mới nhằm bài trừ những tiết mục hài nhảm đang phủ sóng rộng khắp?
Nhà viết kịch Chu Thơm: Các sân khấu vẫn hoạt động, các nghệ sĩ vẫn dựng những vở kịch hay, vẫn có nhiều khán giả yêu thích và đến xem nhưng nhiều chương trình truyền hình thực tế "tấn công" quá ồ ạt. Phải đau đớn nói rằng, trách nhiệm lớn thuộc về người quản lý các Đài truyền hình, họ làm các chương trình quá xàm, họ chỉ cần gây được tiếng cười mà bất chấp tất cả.
Lẽ ra, những người quản lý các kênh truyền hình lớn phải là những người đứng gác cho nghệ thuật chân chính lên ngôi, họ phải quản lý để không cho những "hạt sạn" ngoi lên nhưng sạn nhiều nhất vẫn chính là truyền hình. Bản thân tôi đã rất nhiều lần trả lời phỏng vấn, đưa ra quan điểm là nên dừng các chương trình truyền hình thực tế nhảm. Một hồi tưởng dừng nhưng sau đó lại tiếp tục, không hiểu họ chạy con đường nào.
Pv: Theo ông, cách giải quyết nào là hợp lý nhất để xử lý "bài toán" sân khấu tư nhân phía Nam ngày càng heo hút, có nguy cơ đóng cửa?
Nhà viết kịch Chu Thơm: Vẫn là vấn đề nhà nước phải tạo điều kiện để sân khấu có địa điểm cố định. Ngoài Bắc người ta hay nói, "an cư lập nghiệp", có an cư mới lập nghiệp được. Như nghệ sĩ Hồng Vân phải thuê địa điểm là nhà văn hóa, phải lo đủ thứ với mức giá quá cao. Ngoài ra, nỗi lo tiếp theo là lo người ta đòi lại trụ sở. Nghệ sĩ Ái Như cũng lập một sân khấu ở đường Lê Qúy Đôn, đó là địa điểm thu hút khán giả nhưng rồi cũng lại bị đòi.
Cách xử lý tiếp theo mà tôi muốn nói đến là phải dẹp những chương trình truyền hình thực tế nhảm đi. Nhưng liệu có dẹp được không mới là vấn đề nan giải.
Pv: Trước những khó khăn, sân khấu tư nhân phía Nam đã và đang có bước đi như thế nào nhằm tạo sự bứt phá trong thời gian tới, thưa ông?
Nhà viết kịch Chu Thơm: Sân khấu tư nhân phía Nam vẫn đang trong giai đoạn cố gắng và cầm cự. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ không thể bám trụ với nghề, nghệ sĩ Hồng Vân đang lo phải bán sân khấu bởi vì mở ra là lỗ. Mặc dù vẫn đau đáu để được làm nghề, đau đáu để tạo công việc cho những người bạn nghề của mình nhưng đành bất lực. Những người nghệ sĩ không có việc gì khác ngoài việc diễn, họ không mong cuộc sống giàu sang, chỉ mong một cuộc sống vừa đủ và được làm nghề, cái nghề mà bản thân yêu thích. Chỉ thế thôi mà cũng khó.
Pv: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Từ khóa: Sân khấu tư nhân phía Nam, Sân khấu tư nhân phía Nam giảm khán giả,
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN