Sai phạm trong nghiên cứu khoa học cũng là tham nhũng
Cập nhật: 05/05/2022
[VOV2] - Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, những hiện tượng tồi tệ trong nghiên cứu khoa học cũng chính là tham nhũng vì lấy tiền của nhà nước nhưng lại không làm hoặc làm cho qua chuyện. Do vậy cần phải xử lý nghiêm!
Kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa được công bố cho thấy, giai đoạn 2015-2019, Viện Hàn lâm Khoa học-Xã hội Việt Nam (KHXHVN) để xảy ra nhiều sai phạm, khuyết điểm gây lãng phí ngân sách Nhà nước trong nhiều lĩnh vực.
Đáng chú ý nhất là Viện Hàn lâm KHXH VN đã ban hành các quy chế quản lý khoa học nhưng nội dung có nhiều điểm bất cập, không hợp lý, dẫn đến các đơn vị cấp dưới không tiếp thu kịp thời, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Quy trình thực hiện nhiều đề tài không đúng quy định của luật Khoa học và Công nghệ.
Cụ thể, có 3 đề tài, nhiệm vụ không có đóng góp về khoa học cho xã hội; 37 đề tài, nhiệm vụ cấp bộ do Văn phòng chủ trì chưa được tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở trước khi nghiệm thu cấp bộ; 18 đề tài, nhiệm vụ cấp bộ nhưng không nghiệm thu cấp bộ; 29 đề tài, nhiệm vụ trùng thời gian; 30 hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ không đúng thành phần…
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ tình trạng nghiệm thu nhiều đề tài khoa học cấp cơ sở bất thường trong cùng một ngày tại một số đơn vị thuộc Viện Hàn lâm KHXH VN.
Trong đó, tại Viện Nghiên cứu châu Âu, chỉ với một hội đồng khoa học đã nghiệm thu 18 đề tài trong ngày 6/12/2016, 18 đề tài trong ngày 12/12/2017, 16 đề tài vào ngày 5/12/2018 và 15 đề tài vào ngày 25/11/2019. Tại Viện Ngôn ngữ học, chỉ với 2 hội đồng khoa học đã nghiệm thu 13 đề tài vào ngày 17/12/2018 và 22 đề tài trong ngày 19/11/2019. Viện Sử học đã nghiệm thu 7 đề tài trong vòng 1 buổi chiều 13/1/2019 và 11 đề tài trong ngày 15/11/2019 chỉ với 2 hội đồng.
Trao đổi với phóng viên VOV2, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, không thể nào chỉ một hội đồng khoa học mà có thể nghiệm thu được 15-18 đề tài trong cùng một ngày được.
“Nếu làm đúng trách nhiệm khoa học, một hội đồng chỉ có thể nghiệm thu, đánh giá 1 đề tài trong một ngày. Bởi việc đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học đòi hỏi phải có kiến thức, suy nghĩ, lập luận, phản biện… không thể nào ào ào một ngày nghiệm thu mười mấy đề tài được”, ông Đặng Hùng Võ nói.
Giáo sư Đặng Hùng Võ
Đọc toàn bộ nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm, khuyết điểm trong quản lý, thực hiện các nhiệm vụ, đề tài khoa học; Đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ... của Viện Hàn lâm KHXH VN giai đoạn 2015-2019, cá nhân GS Đặng Hùng Võ không bất ngờ bởi theo ông, tình trạng xuê xoa trong thực hiện các nhiệm vụ, đề tài khoa học, đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ đang tồn tại ở nhiều viện nghiên cứu, nhiều cơ sở đào tạo đại học chứ không riêng gì ở Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
“Trong nghiên cứu khoa học, đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ hiện nay dường như không quan tâm nhiều đến chất lượng; Không quan tâm mấy đến danh vị được đào tạo ra, có tính thực tiễn gì? Có sự đóng góp vào nền khoa học công nghệ của đất nước ra sao? Những điều này dường như bị bỏ quên mà chỉ chạy theo số lượng, đảm bảo chỉ tiêu đào tạo đã được phân bổ. Những bất cập này đáng ra phải được bóc tách từ lâu. Vì sao đến nay mới đụng chạm đến? Và liệu có làm tiếp các cơ sở đào tạo khác hay không?”
Trước những bất cập, sai phạm tại Viện Hàn lâm Khoa học-Xã hội Việt Nam đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, phải xử lý thật nghiêm giống như Đảng, Nhà nước đang xử lý những sai phạm tại các lĩnh vực khác.
“Những hiện tượng tồi tệ trong nghiên cứu khoa học cũng mang yếu tố tham nhũng. Vì anh lấy tiền rồi nhưng không làm, anh làm cho qua chuyện, tẩy xóa đi…”
Bàn rộng hơn về thực hiện các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học, đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh tuyệt đối không được chạy theo số lượng mà phải đặt chất lượng lên hàng đầu.
“Điều quan trọng nữa là phải đưa được nghiên cứu khoa học vào cuộc sống. Trong bước tiến của thế giới, khoa học công nghệ đang từ thượng tầng kiến trúc thì hiện nay đang đóng vai hạ tầng cơ sở. Tôi cho rằng chúng ta chưa ý thức được điều này. Hiện nay tất cả những nhà khởi nghiệp, các công ty lớn trên thế giới đều bắt đầu bằng một ý tưởng khởi nghiệp khoa học công nghệ chứ không phải như trước đây chúng ta nắm được then chốt để ngành này, ngành kia từ đấy vượt lên”, ông Đặng Hùng Võ nói.
Thanh tra Chính phủ kết luận, trong 5 năm qua, Viện Hàn lâm KHXH VN đã tổ chức thực hiện được 3.000 đề tài nhiệm vụ, trong đó có 500 đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước. Mỗi năm đơn vị này đào tạo được trên 200 tiến sĩ, trên 1.000 thạc sĩ các ngành, chuyên ngành.
Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2017, công tác đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ của Học viện Khoa học xã hội (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) còn nhiều hạn chế, khuyết điểm về tuyển sinh sai quy trình, chương trình đào tạo và quản lý đào tạo.
Quy trình đào tạo thạc sĩ của học viện này thiếu quy định chi tiết về đối tượng, điều kiện dự thi, bảo vệ luận văn, thâm niên công tác; thiếu quy định về trình độ ngoại ngữ trước khi bảo vệ luận văn. Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sỹ thiếu quy định về kinh nghiệm quản lý và thâm niên công tác theo yêu cầu của từng ngành đào tạo, không quy định cụ thể về thời gian làm việc chuyên môn.
Chương trình đào tạo thạc sỹ của Học viện Khoa học xã hội thiếu nội dung về chuẩn đầu ra của từng chuyên ngành. Có trường hợp giảng viên hướng dẫn vượt số học viên cùng thời gian, học viên đăng ký ngành này nhưng được cấp bằng của ngành khác.
Một số trường hợp giảng viên bị phát hiện không đủ điều kiện tham gia hội đồng chấm luận văn thạc sỹ; sổ cấp phát văn bằng còn tẩy xóa, sửa chữa, thiếu thông tin về nghiên cứu sinh.
Từ khóa: Viện Hàn lâm khoa học xã hội, Học viện khoa học xã hội, sai phạm, nghiên cứu khoa học, đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, kỷ luật, vov2, đề tài khoa học
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2