Sách dạy nhiếp ảnh nhiều lỗi vẫn được giải

Cập nhật: 25/09/2019

Có ý kiến cho rằng nên tước hẳn giải thưởng dành cho cuốn sách "Cuốn Căn bản Kỹ thuật Nhiếp ảnh" của tác giả Bùi Minh Sơn.

Được biết sau khi phát hiện nhiều lỗi sai trong sách, nhà nhiếp ảnh Tam Thái đã phản ánh vấn đề này với chủ tịch Hội. Sau hai tháng, không được phản hồi, ông đành đưa ra công luận. Theo Tam Thái, sách dày 114 trang, phần lớn nội dung bài viết có thể tìm thấy trên mạng, nhưng lại để sót nhiều lỗi sai về lịch sử, thuật ngữ chuyên ngành và kể cả chính tả. Điều đáng nói là sách có nhiều lỗi ngay từ lần xuất bản đầu tiên 5 năm trước, nay tái bản vẫn không sửa.
Sách viết nhiếp ảnh “được du nhập vào Việt Nam bởi quan sứ thần Đặng Huy Trứ (1903)”, nhưng kỳ thực Đặng Huy Trứ mất năm 1847. Tạp chí của Hội NSNA còn ghi rõ: “Ngày 14/3/1869, sau lần được Triều đình nhà Nguyễn cử sang Quảng Đông lần thứ 2, Đặng Huy Trứ đã tìm hiểu, học hỏi về kỹ thuật nhiếp ảnh, nhờ người mua dụng cụ nghề ảnh và mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường tại phố Thanh Hà, Hà Nội. Đây là hiệu ảnh đầu tiên, mở ra một ngành nghề mới ở Việt Nam”. Tam Thái cũng phản đối khi sách nói phim nhựa được hãng Kodak phát minh năm 1988, trong khi từ đầu những năm 1920 ở Sài Gòn đã có cửa hiệu tráng phim Kodak.
sach day nhiep anh nhieu loi van duoc giai hinh 1
Bùi Minh Sơn giải thích “nhiếp” trong “nhiếp ảnh” nghĩa là “thay thế”. Ý nói nhiếp ảnh ban đầu được hiểu là cách thay thể hiện thực bằng ảnh. Nhưng theo Tam Thái, “nhiếp” ở đây là “bắt lấy”, “thu lại”- thể hiện phương pháp của nhiếp ảnh dùng ánh sáng thu lấy hình ảnh hiện thực.
Sách còn nhiều lỗi sai về thuật ngữ nước ngoài, chẳng hạn “exposure value” (giá trị phơi sáng) bị biến thành “exposur volume”, hay “white balance” (cân bằng trắng) thành “with balance”, “program” (chương trình) thành “progame”… Hoặc tác giả đưa ra khái niệm như “rantant” mà theo Tam Thái không có cả trong tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Những lỗi sai chính tả tiếng Việt cũng được chỉ ra khá dày đặc. Ví dụ chỉ trong một câu thôi, từ “đam mê” được viết thành “đăm mê”, “khoảnh khắc” thành “khoảng khắc”, “cảm xúc” thành “cản xúc”, “thiên nhiên” thì mất chữ “nhiên”…
Chưa kể không khó để bắt gặp trong sách những câu “khác thường” về cấu trúc ngữ pháp, cùng cách dùng từ tối nghĩa, khó hiểu. Đơn cử câu ở trang 18, ngoài cung cấp thông tin sai, còn biến trạng ngữ thành chủ ngữ: “Từ khi phim nhựa được phát minh (1988) được xem như cuộc cách mạng thứ nhất của ngành sản xuất máy ảnh và nhiếp ảnh đã phục vụ cho xã hội cụ thể hơn và sâu rộng hơn”.
Tam Thái bức xúc: “Tôi đọc khá nhiều sách, nhưng chưa bao giờ gặp phải một quyển sách biên soạn và biên tập cẩu thả như quyển này… Xuất bản sách giáo khoa dạy nghề là việc làm cần thiết và đáng quý. Nhưng nếu biên soạn cẩu thả như quyển sách này, thà không còn hơn có”. Tam Thái đề nghị Hội NSNA Việt Nam thu hồi lại giải thưởng và NXB Hồng Đức cũng cần thu hồi sách để biên tập lại trước khi phát hành rộng rãi.
Hội NSNA Việt Nam sau đó đã lập Tổ công tác do Phó Chủ tịch Hội Lê Xuân Thăng làm tổ trưởng lắng nghe ý kiến các bên, thẩm định và đề xuất cách giải quyết. Hội đồng xem xét thành tích “xóa mù nhiếp ảnh” của cuốn sách và khẳng định đây là sách dạy về kỹ thuật, chứ không phải sách lý luận, phê bình và những lỗi trên không trầm trọng đến mức phải rút giải thưởng.
Nhất trí với ý kiến của Hội đồng, BCH Hội NSNA Việt Nam hạ giải thưởng của sách từ B xuống C. Hội cũng yêu cầu tác giả Bùi Minh Sơn nghiêm túc hiệu đính và sửa lỗi đối với sách đang phát hành và tái bản. Được biết tác giả cuốn sách đang là Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật của Hội NSNA Việt Nam.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trương Hoàng Thêm cho rằng, cách xử lý này của Hội vẫn chưa thỏa đáng. Theo ông không nên trao giải cho cuốn sách như thế ngay từ đầu. Ông nói: “Dạng sách phổ biến kiến thức như thế này tất nhiên cũng cần khuyến khích để anh em nhiếp ảnh phổ thông có thông tin cập nhật để chơi ảnh cho tốt.
Trách nhiệm Hội làm cái này cũng được nhưng cũng phải đặt nó đúng nơi đúng chỗ. Đặc biệt để giáo dục phổ thông mà sai như thế thì quá nguy hiểm.” Có thông tin cho rằng cuốn sách của Bùi Minh Sơn bán rất chạy, được nhiều người lùng mua, thậm chí photo lại truyền tay nhau để học chụp ảnh.
Một nhà nhiếp ảnh kỳ cựu nói: “Sách của Bùi Minh Sơn làm chưa kỹ hoặc có thể gọi là cầu thả, tính trách nhiệm chưa cao, nhưng ở một khía cạnh nào đó có tính phổ cập, cần cho nhiếp ảnh phong trào. Từ trước, các loại sách phổ biến kỹ thuật cơ bản không phải không có nhưng chưa có mảng ảnh kỹ thuật số. Những thứ này người trong nghề biết cả rồi, nhưng cuốn sách phải nói công bằng có tác dụng với người mới vào nghề. Còn một số tiếng Tây dịch sai, bạn đọc lại không quan tâm(?)”.
Cũng theo nhà nhiếp ảnh này, làm sách mất nhiều thời gian, công sức nên ít người làm. Có thể vì thế mà Hội cũng muốn khuyến khích qua việc trao giải.
Câu hỏi đặt ra, nếu công trình chỉ là sách giáo khoa phổ biến kỹ thuật chụp ảnh cho đại chúng, liệu có nhất thiết phải đưa vào trao giải ở hạng mục công trình sách lý luận phê bình?! Phải chăng sách về nhiếp ảnh quá thiếu để phải “vơ bèo vạt tép”, hay những người thẩm định giải có phần còn nể nang, dễ dãi?!
Còn nhớ năm 2015, nhà nhiếp ảnh Trần Mạnh Thường có tác phẩm đoạt giải Nhiếp ảnh Xuất sắc hạng B cuối cùng đã phải thừa nhận công trình của mình là dịch chứ không phải tự viết. Giải thưởng dành cho tác giả này sau đó bị thu hồi./.

Từ khóa: Sách dạy nhiếp ảnh nhiều lỗi vẫn được giải, Căn bản Kỹ thuật Nhiếp ảnh, Căn bản Kỹ thuật Nhiếp ảnh bùi minh sơn

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập