Sắc màu tuổi thơ trên sân khấu cộng đồng
Cập nhật: 27/01/2020
Thành phố biển Phan Thiết rộn ràng sắc xuân
Lễ dựng nêu gắn kết cộng đồng đầu tiên được tổ chức tại Bình Dương
VOV.VN -Từ ước mơ nuôi dưỡng tình yêu văn hóa quê hương, MC Anh Luân triển khai dự án sân khấu cộng đồng mang trẻ em gần hơn với văn hoá truyền thống.
Từ sân khấu cộng đồng…
Gần 15 năm tham gia công tác giáo dục trẻ em và thực hiện nhiều chương trình nghệ thuật thiếu nhi tại TP. HCM, anh Nguyễn Anh Luân thấu hiểu những thiệt thòi mà học trò thành thị đang nếm trải. Cuộc sống bận rộn với nhịp điệu hối hả đang kéo xa nhiều gia đình ra khỏi không gian văn hóa truyền thống, điều rất cần để dưỡng nuôi tâm hồn trẻ. Lạ lẫm với văn hóa dân gian hay đơn giản là nếp sống, thú vui tao nhã của người xưa, nhiều bạn nhỏ loay hoay, thậm chí không thích thú khi được tiếp cận với những hoạt động mang tính truyền thống.
MC Anh Luân chọn cách truyền cảm hứng cho thiếu nhi để ươm mầm văn hoá Việt qua các hoạt động cộng đồng. |
Muốn trẻ hiểu để yêu hơn văn hóa Việt, MC Anh Luân đã nỗ lực tổ chức các sân chơi nghệ thuật cộng đồng dành riêng cho thiếu nhi. Đó là một sân khấu phi lợi nhuận, nơi giúp trẻ hiểu thế nào là tính nhân văn, sự sẻ chia, đùm bọc trong các tác phẩm văn học “vang bóng một thời” hay các nhân vật lịch sử nổi tiếng như Đinh Bộ Lĩnh, Trần Quốc Toản… Đó là một hội làng, nơi dựng lại hàng loạt trò chơi dân gian quen thuộc ngày xưa như bịt mắt đập heo, kéo co, ném lon, lò cò và giới thiệu về cải lương, hát đối, trang phục truyền thống ba miền. Hay đơn giản là góc chợ quê, nơi bạn nhỏ thoải mái tìm hiểu về ẩm thực vùng miền ngày xưa. Và ở đó, âm nhạc dân tộc được thể hiện theo cách rất riêng, mộc mạc và gần gũi đến lạ kỳ.
MC Anh Luân chia sẻ: “Khi bắt tay vào xây dựng sân khấu cộng đồng và thực hiện tác phẩm kịch nghệ đầu tiên để các con thử sức, tôi và các cộng sự có tham vọng không chỉ giới thiệu đến cho mọi người một tác phẩm mang dáng dấp trẻ thơ mà còn gợi lại tuổi thơ của người lớn. Đắn đo mãi rồi chúng tôi quyết định chọn “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài nhưng không lấy hoàn toàn bản gốc mà có chỉnh sửa phù hợp với giai đoạn hiện nay. Ở sân khấu này, diễn viên là các em nhỏ và mỗi hoạt động đều lấy văn hóa Việt Nam làm gốc. Các em sẽ được tìm hiểu về văn hóa thông qua hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp. Việc khắc họa màu sắc tuổi thơ ngày xưa trên sân khấu này sẽ được cộng hưởng với các loại hình nghệ thuật quen thuộc như tuồng cổ, cải lương, câu hò, điệu lý hay ca dao, tục ngữ… những điều mà các bạn nhỏ hiện tại ít biết”.
Thông qua việc tổ chức các hoạt động nghệ thuật, văn hóa cộng đồng, anh Luân sàng lọc những mầm non có năng khiếu và tạo sân chơi cho các em biểu diễn. Số tiền khiêm tốn thu về từ các hoạt động sân khấu được anh và các cộng sự gói ghém, nâng niu rồi sẻ chia với những em nhỏ khó khăn trong cộng đồng. MC Anh Luân trải lòng: “Bước thứ hai chúng tôi sẽ mang sân khấu đến với các mái ấm, nhà mở tại TP. HCM để phục vụ các em. Trong quá trình này, chúng tôi sẽ chọn những bạn nhỏ yêu nghệ thuật đào tạo miễn phí và tạo điều kiện để các em biểu diễn trên sân khấu của mình”.
Nghe thôi đủ thấy ấm lòng nhưng đó vẫn chưa phải đích đến của sân khấu cộng đồng này. MC Anh Luân cho biết, sẽ đưa sân khấu nghĩa tình đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng cao, nơi phần đa trẻ em chưa có điều kiện tiếp cận với văn hóa nghệ thuật. Ở đó anh dự định sẽ xây dựng một hệ sinh thái gồm có nghệ thuật, văn hóa, kỹ năng sống và dạy tiếng Anh dành cho tất cả các con. Trong khi đợi mọi thứ thành hình, vào các dịp lễ quan trọng như Tết Trung thu, dịp gần Tết Nguyên đán, anh hay rủ rê đồng nghiệp về các huyện, tỉnh nghèo biểu diễn miễn phí và giao lưu với trẻ em, người dân thiếu thốn nơi đây.
… đến trường học văn hóa
Khi các ước mơ hướng đến cộng đồng đang thành hình, MC Anh Luân tiếp tục với những ấp ủ mang tính “ươm mầm” của mình. Anh muốn tạo một trường học liên cấp dạy thuần về Việt Nam với tên gọi Trường Việt Nam học để trẻ em hiểu rõ về đất nước mình và tự hào khi có nền văn hóa đậm đà bản sắc. Đây cũng sẽ là nơi học sinh quốc tế có thể tìm đến để hiểu hơn về văn hóa, con người Việt Nam.
Khi đến Ninh Thuận, lúc lên tận Lâm Đồng, chỉ cần nhìn thấy nụ cười giòn tan của những đứa trẻ đầu khét nắng hay tiếng vỗ tay của bà con vùng khó khăn, bao mệt nhọc như tan biến hết. Lúc đó chỉ còn lại hạnh phúc và niềm tin rằng văn hoá xưa sẽ được lan toả, giữ gìn theo năm tháng. |
Văn hóa Việt sẽ được dạy từ những điều nhỏ nhất như tình thương yêu trong gia đình, cách đối nhân xử thế hay cách nhận biết từng con đường, góc phố, các phong tục tập quán quen thuộc. Nghệ thuật sẽ là cách truyền tải tốt nhất thông điệp giáo dục văn hóa. “Có cơ hội đi nhiều nước, điều làm tôi trăn trở nhất là khi bước ra nước ngoài nếu không mặc áo dài thì rất ít ai biết mình là người Việt Nam. Tôi muốn giải quyết câu chuyện này. Phát triển là quy luật không ngăn cản được nhưng nếu có cách giáo dục phù hợp sẽ giúp các em nhỏ hiểu rõ về cái được gọi là bản sắc văn hóa. Bởi nếu không có cốt cách thì rất dễ bị hòa tan khi hội nhập. Tôi sẽ bắt đầu từ những cái trong khả năng, từng bước thực hiện ước mơ đó”, MC Anh Luân say sưa nói.
Một ngôi trường lớn phải bắt đầu từ những lớp học nhỏ. Thấu hiểu điều này, ngay khi hình thành ước mơ, MC Anh Luân đã bắt đầu thiết kế các lớp học văn hóa cộng đồng.Trong đó, ấn tượng nhất là khóa học mang tên “Nòi giống Lạc Hồng”. Không chỉ được đưa tới các bảo tàng, di tích để tìm hiểu sâu về văn hóa Việt Nam, văn hóa miền Nam, các em nhỏ sẽ được nghe những câu chuyện được chọn lọc kỹ nhằm có cái nhìn bao quát hơn về nơi mình sinh sống. Học phần đó Anh Luân đặt tên là “Tôi yêu quê hương tôi”.
Khi đã có nền về văn hóa, lịch sử, anh sẽ cho trẻ “Học ăn, học nói, học gói, học mở” và học những nếp hay của người xưa. “Tôi yêu tiếng nước tôi” là học phần cuối trong khóa học này nhằm giúp các em hiểu rõ và tự hào về tiếng quê hương. Nếu hứng thú, các bạn nhỏ có thể tham gia khóa học “Sài Gòn phiêu lưu ký”. Lớp học không giấy bút, bục giảng mà thay vào đó các thầy trò sẽ lên xe lam đến thăm các di tích, công trình kiến trúc quan trọng tại TP.HCM để mắt thấy, tai nghe những điều thú vị nhất.
Ở mỗi chuyến đi, anh đều khuyến khích học sinh và phụ huynh mặc trang phục truyền thống cũng như chuẩn bị sẵn những câu chuyện hay về văn hóa nếu muốn chia sẻ với mọi người.
Cùng với đó sẽ có thêm nhiều sân chơi, hoạt động nghệ thuật cộng đồng vào các dịp quan trọng như Tết Trung thu, Tết Nguyên đán… để kết nối mọi người và lan tỏa nét đẹp văn hóa Việt. “Tôi hình dung rồi, thầy trò tôi sẽ kết thúc các khóa học bằng buổi báo cáo đậm màu văn hóa xưa. Các con sẽ mặc áo dài năm tà, trình bày ý tưởng và cả tình yêu văn hóa mà các con cảm nhận được trong từng học phần. Tôi tin nếu làm tốt đây sẽ là cách truyền cảm hứng hiệu quả”, MC Anh Luân cho biết thêm.
Truyền cảm hứng cho thiếu nhi là cách mà MC Anh Luân chọn để ươm mầm văn hóa Việt thông qua các hoạt động nghệ thuật cộng đồng. Không rầm rộ hay quá quy mô, anh và các cộng sự lặng lẽ đến nơi cần giúp để cho đi những gì mình đang có. Dù còn nhiều khó khăn nhưng tình yêu văn hóa truyền thống khiến đôi chân ấy đi không mỏi, vòng tay ấy luôn mở rộng bởi anh tin khi gieo niềm tin đúng chỗ, ngày có quả ngọt sẽ không quá xa vời./.
Từ khóa: sân khấu cộng đồng, MC Anh Luân, văn hoá truyền thống, trẻ em, tuồng cổ
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN