Rộn ràng phum sóc chuẩn bị cho hội đua ghe ngo của đồng bào Khmer
Cập nhật: 17 giờ trước
Thời trang ấn tượng của Kỳ Duyên tại Miss Universe 2024
Miss Universe 2024 và những điều lần đầu xuất hiện trong lịch sử
VOV.VN - Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 9-15/11 và được tổ chức theo quy mô cấp khu vực.
Một trong những hoạt động chính của lễ hội là hội đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer. Hội đua năm nay sẽ diễn ra trong 2 ngày 14-15/11, thu hút khoảng 60 đội ghe ngo trong khu vực tham gia tranh tài tại dòng sông Maspero, thành phố Sóc Trăng. Để chuẩn bị tham gia lễ hội, trước hội đua diễn ra, các chùa tổ chức sửa chữa, sơn phết, lên hoa văn cho ghe ngo, vận động phật tử, trai tráng trong bổn sóc tham gia tập luyện bơi đua với mong muốn mang về thành tích cao cho ngôi chùa và phum sóc.
Những ngày qua, không khí tại khuôn viên chùa Đơm Om Pưl (Xẻo Me), thị xã Vĩnh Châu khá nhộn nhịp, hào hứng, bởi sư sãi, ban quản trị chùa đang chuẩn bị các công việc để tham gia Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024.
Ông Thạch Hiền, thành viên Ban quản trị chùa Đơm Om Pưl, chia sẻ, năm nay, chùa có đóng ghe ngo mới để tham gia lễ hội, trị giá cũng trên 600 triệu đồng, đến nay việc đóng và lên hoa văn cho ghe ngo đã hoàn thành. Ngoài ra, ban quản trị chùa cũng vận động thanh niên, trai tráng có sức khỏe tốt để tham gia tập luyện. Hằng ngày, có khoảng 120 vận động viên đến tập bơi đua. Ông Hiền nhấn mạnh, bà con trong bổn sóc rất phấn khởi và mong đợi đến ngày hội để cùng tham gia.
“Năm 2024 này thì sư sãi và ban quản trị nhà chùa có sự thống nhất đóng ghe ngo mới để tham dự, các bước chuẩn bị tiếp theo thì mình chọn vận động viên có thể lực tốt tham gia. Năm nay là lễ hội lớn, tổ chức cấp khu vực nên rất đông đảo bà con đến tham gia tập luyện, đến nay có 120 người” - ông Hiền chia sẻ.
Với đồng bào Khmer ở Sóc Trăng, bà con chủ yếu sinh sống ở các phum sóc vùng nông thôn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp là chính, một số ít làm công nhân lao động tại các công ty, xí nghiệp…
Sau một ngày lo công việc đồng áng, gia đình, đến buổi chiều, anh Kim Đậu lại tranh thủ đến chùa Pich MengKol tọa lạc tại phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu để cùng mọi người tập bơi đua ghe ngo. Anh Đậu là tay bơi chủ chốt của ghe ngo chùa Pich MengKol với nhiều năm đại diện cho nhà chùa tham gia thi đấu ở các giải đua ghe ngo. Anh Đậu cho biết, đồng bào phật tử ở đây rất đoàn kết, ai nấy đều luôn nỗ lực làm sao tập luyện được tốt nhất.
“Anh em vận động viên ai cũng đến tập được hết, tại vì mình đam mê, anh em nào tập được thì chọn đi thi đấu. Chung tôi luôn cố gắng tập để đạt được giải cao”, anh Đậu cho hay.
Tại các chùa của đồng bào Khmer, những tiếng còi tập bơi ghe ngo có lúc nhịp nhàng, có lúc mãnh liệt càng làm cho phum sóc thêm háo hức hướng về lễ hội. Dưới ao trong chùa Pich MengKol, chiều đến là có hơn 100 vận động viên cùng nhau tập luyện những động tác, kỹ thuật bơi, với mục đích nhằm nâng cao thể lực chuyên môn trong thi đấu. Những thanh niên trai tráng khỏe mạnh này với những cánh tay cuồn cuộn sức lực đang cầm chiếc dầm bơi theo nhịp còi của huấn luyện viên thể hiện sự quyết tâm cao để hướng tới mang vinh quang về cho chùa ở lễ hội.
Ông Hiệu Ngọc Hoan, một huấn luyện viên chỉ đạo công tác tập luyện thi đấu đua ghe Ngo chùa Pich MengKol, thị xã Vĩnh Châu, cho biết: “Vận động viên của chùa có từ 170-180 người đến tập mỗi ngày. Đặc biệt là vận động viên không chỉ ở chùa Pich MengKol không đâu mà đến từ rất là nhiều địa phương lân cận. Anh em đam mê không ngại đường xa tranh thủ cứ đến 16h30 là tập trung tại chùa bắt đầu luyện tập”.
Ông Trần Trí Vân, Phó chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, trong những năm qua, dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các chính sách dân tộc được tỉnh Sóc Trăng nói chung và thị xã Vĩnh Châu nói riêng triển khai đồng bộ, có hiệu quả, giúp cho cuộc sống bà con Khmer ngày một ấm no, khá giả hơn. Đến với lễ hội sắp tới, thị xã Vĩnh Châu có 4 đội ghe ngo của các chùa tham gia, chính quyền, địa phương và nhà chùa, Ban quản trị chùa, bà con bổn sóc đều rất vui mừng phấn khởi, hăng hái thi đua tập luyện đua ghe ngo, đồng thời chuẩn bị các tiết mục văn hóa văn nghệ, chuẩn bị triển lãm, trưng bày các sản phẩm địa phương OCOP… tham gia lễ hội.
“Đối với môn đua ghe ngo nội dung Nam thì thị xã Vĩnh Châu có 4 ghe tham gia thi đấu, gồm chùa Đơm Om Pưl, chùa Serey Kandal và chùa Pich MengKol. Để tạo điều kiện tốt nhất cho các đội ghe, Uỷ ban nhân dân thị xã cũng đã giao nhiệm vụ cho các ngành, các địa phương trong việc tuyển chọn lực lượng vận động viên, hỗ trợ về kỹ thuật tập luyện. Song song đó, ngoài nguồn ngân sách thì chúng tôi còn vận động mạnh thường quân, nhà tài trợ để hỗ trợ các ghe đi thi đấu”, ông Trần Trí Vân thông tin.
Sóc Trăng là tỉnh có truyền thống lâu đời tổ chức giải đua ghe ngo và có đội ghe đông nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài tổ chức giải cấp tỉnh hằng năm, giải còn được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho phép tổ chức cấp khu vực (2 năm một lần). Hội đua ghe ngo không chỉ là hoạt động thể thao, thể hiện tính cộng đồng mà còn có ý nghĩa văn hóa, tâm linh đặc biệt đối với đồng bào Dân tộc Khmer. Chuẩn bị tham gia mùa giải năm 2024 này, không khí những ngày qua ở các phum sóc, các chùa Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nhịp dầm tập luyện của các đội đã vào mùa, tiếp tục gìn giữ, phát huy Lễ hội truyền thống đặc sắc này.
Từ khóa: ghe Ngo, ghe ngo, ĐBSCL, sóc trăng, rộn ràng, Khmer
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả: thạch hồng/vov-đbscl
Nguồn tin: VOVVN