Rối biển báo

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Cùng với sự phát triển nhanh của hệ thống đường bộ ở Việt Nam thì hệ thống biển báo giao thông càng khiến người dân thêm bối rối. Vì sao lại như vậy, và phải làm thế nào với tình trạng loạn biển báo?

Chúng tôi đã từng chia sẻ khá nhiều lần về một vấn đề rất quen thuộc với nhiều người lái xe trên đường, đó không chỉ là một mối quan tâm mà là sự lo ngại, đó là câu chuyện về các biển báo trên hệ thống giao thông của nước ta.

Khi tôi đọc những thông tin từ các cơ quan chức năng của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ, Cục Đường cao tốc và sau khi tìm hiểu các quy định hiện hành về hệ thống biển báo giao thông đường bộ, tôi thật sự thấy có một chuyện đáng ngại.

Trước hết, tôi nghĩ không có nhiều người, kể cả tôi, khi đã dùng tất cả những công cụ có thể đọc các văn bản thì sẽ rất khó phân biệt được đoạn đường nào do Sở Giao thông vận tải địa phương quản lý, đoạn đường nào do Bộ Giao thông vận tải quản lý và thậm chí là có những đoạn đường hai cơ quan đó chưa được quản lý, ví dụ như đoạn đường do nhà thầu đang thi công, chưa được bàn giao. Vấn đề là chúng ta phải tuân thủ tất cả những chỉ dẫn ở trên những con đường như vậy.

Ngoài ra, trên những con đường đó, lại có những quy định khác nhau về biển báo, vạch kẻ đường, trong đó lại có nhiều cơ quan khác nhau chịu trách nhiệm về xây dựng, ban hành quy chuẩn. Bộ Giao thông vận tải có một phần, một số lĩnh vực, một số cơ quan trong bộ sẽ ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiêu chuẩn ngành trong lĩnh vực đường bộ, ví dụ như quy chuẩn về biển báo, vạch kẻ đường; Vụ Khoa học công nghệ của bộ GTVT có chức năng tham mưu về khoa học công nghệ, để soạn thảo thẩm định các quy chuẩn, tiêu chuẩn đó rồi trình cho Bộ Giao thông vận tải ban hành; Bộ Khoa học công nghệ cũng lại có trách nhiệm thẩm định hoạt động xây dựng và ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn không chỉ một mình lĩnh vực vận hành giao thông.

Còn cơ quan quản lý trực tiếp hướng dẫn, giám sát việc lắp đặt hệ thống biển báo cũng không phải chỉ là một cơ quan. Ví dụ Cục Đường bộ, Cục Đường cao tốc Việt Nam chủ trì thi công, lắp đặt, bảo trì hệ thống biển báo, vạch kẻ đường, các công trình an toàn giao thông trên hệ thống quốc lộ, cao tốc.

Nhưng những con đường thuộc UBND cấp tỉnh vẫn chịu sự chỉ đạo chuyên môn của Bộ Giao thông vận tải, nhưng sẽ trực tiếp quản lý, lắp đặt, duy tu, bảo trì, cắm biển báo an toàn chỉ dẫn và công trình an toàn giao thông… Nó sẽ dẫn đến tình trạng đường nào do Trung ương quản lý, Cục Đường bộ quản lý thì Cục Đường bộ cắm biển, còn đường địa phương quản lý thì địa phương cắm biển.

Tôi nghĩ, cần phải có một sự thống nhất, đồng nhất hơn. Chúng ta buộc phải thừa nhận một chuyện, không phải chỉ là hệ thống biển báo giao thông, không phải chỉ các vạch kẻ đường, mà việc vận hành các con đường của chúng ta đang có vấn đề rất lớn về khoa học. Chúng ta không chỉ chưa hoàn thiện hệ thống đường giao thông, mà chúng ta có vấn đề rất lớn về cách vận hành các con đường đó.

bien_bao_2.jpg

Gần đây, báo chí phản ánh có những biển báo mà ở dưới có hàng trăm từ chú thích thì không ai có thể đọc được, chỉ có cách là dừng lại 1 phút thì mới đọc hết được nội dung trên biển báo đó. Tôi còn nhớ, có một biển báo giao thông trên phố Xuân Diệu có nội dung: “Đèn đỏ được phép đi thẳng” – thực sự rất phức tạp và phi lý.

Tôi nghĩ, để các con đường vận hành được an toàn, hiệu quả và để mọi người không bị nhầm lẫn, bối rối, Bộ Giao thông vận tải nên là đầu mối đưa ra giải pháp rõ ràng, rành mạch và căn cơ để rà soát trước khi cắm các biển báo giao thông, trước khi vận hành hệ thống đường giao thông của chúng ta làm sao cho logic, có hệ thống và an toàn.

Từ khóa: biển báo, biển báo, rối biển báo, biển cấm, nghị định 168, đường bộ

Thể loại: Xã hội

Tác giả: phạm quang vinh/vov- giao thông

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập