Rau rớt giá thê thảm, nông dân Quảng Nam bỏ mặc ngoài đồng
Cập nhật: 06/03/2021
Hiện thực hoá mục tiêu 3.000 cao tốc Bắc – Nam: hành trình khát vọng (20/01/2025)
Bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp Tết Ất Tỵ 2025 (21/01/2025)
VOV.VN - Sau Tết, người dân trồng rau tại tỉnh Quảng Nam lại điêu đứng vì giá rau giảm mạnh. Họ phải đứng giữa hai lựa chọn: một là nhổ bỏ cho gia súc ăn hoặc là để mặc ngoài đồng vì không đủ tiền trả công lao động.
Những ngày này ông Lương Văn Dũng (ở thôn Lang Châu Bắc, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) buồn không ra đồng hái rau bán vì các loại rau rớt giá mạnh. Gia đình ông Dũng bỏ ra gần 20 triệu đồng để mua giống, làm đất chăm bón 1 mẫu rau bầu, bí và khổ qua mà mới thu về được 7 triệu đồng. Theo ông Dũng, trong Tết khổ qua có giá 40.000 đồng/kg nay giảm còn 4.000 đồng/kg, giá bầu từ 7.000 – 10.000 đồng/kg giờ chỉ còn 2.000 đồng/kg, người trồng không có lãi, tính ra mỗi sào thiệt hại hàng triệu đồng. Giá rau xuống thấp như hiện nay thì ông Dũng đành cắt về cho bò ăn chứ để ngoài đồng mãi cũng chả ích lợi gì.
"Bây giờ ế ẩm, bán không được. Người nông dân sản xuất ra nhiều nhưng không có nguồn tiêu thụ. Cũng không có một doanh nghiệp nào về bao tiêu sản phẩm cho người dân nên hoa màu làm ra bán không được. Người dân chúng tôi hiện nay lấy thu bù chi nhưng không hoà vốn được”, ông Dũng nói.
Tương tự, gần 3 sào bầu và rau dền của gia đình ông Lê Trung Ánh (ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) cũng không có người tới mua. Ông Ánh tiếc của, tranh thủ hái từng chút mang ra chợ bán, được đồng nào hay đồng nấy: “Bữa nay do dịch bệnh Covid-19 mà công trình không có nên tôi quay về quê trồng rau màu kiếm sống. Nhưng cuối cùng làm ra giá cả lại bấp bênh, rẻ quá nên người nông dân như chúng tôi rất khó khăn”.
Vụ Đông Xuân này, nông dân huyện Duy Xuyên gieo trồng khoảng 1.600ha rau củ quả các loại, tập trung nhiều nhất ở các xã Duy Phước, Duy Châu, Duy Trinh và thị trấn Nam Phước. Theo người dân, do nguồn cung vượt cầu, trong khi thị trường tiêu thụ chững lại có phần giảm xuống nên rau rớt giá mạnh. Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, từ khi có dịch Covid-19, người dân bắt đầu thói quen tự sản xuất rau sạch tại nhà, giảm thiểu chi tiêu. Dẫn đến rau xanh rớt giá nhưng vẫn không bán được.
"Hiện nay, mùa xuân thời tiết rất thuận lợi cho các loại rau màu phát triển, người dân ai cũng trồng được hết, do vậy nhu cầu trao đổi mua bán ở trong địa bàn không có nhiều, nên giá rau rất thấp. Một số sản phẩm như ngọn bí, đậu tây hoặc dưa leo không bán được, người dân bỏ ngoài đồng luôn”, ông Nguyễn Thế Đức cho biết.
Không chỉ ở huyện Duy Xuyên, nông dân trồng rau ở huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn... tỉnh Quảng Nam năm nay đều chung cảnh rau bán ra thị trường với giá thấp mà vẫn không ai mua. Việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, trong khi đó, giá phân bón, vật tư, hạt giống thì không ngừng tăng. Ông Lê Minh Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân không nên trồng rau ồ ạt, đồng thời thực hiện liên kết tìm thị trường tiêu thụ rau ổn định.
"Các địa phương nên cố gắng hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị để tiêu thụ để có những hợp đồng tiêu thụ. Tức là, từ khi sản xuất đã phải gắn với việc tiêu thụ để đảm báo giá tối thiểu cho người nông dân. Vì bây giờ người nông dân vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ nên giá cả phải theo thị trường”, ông Lê Minh Hưng cho biết thêm./.
Từ khóa: rau màu, thương lái, tiêu thụ nông sản, dịch Covid-19, Quảng Nam
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN