“Rất cần thiết phải có cơ chế bảo vệ an toàn cho cán bộ y tế”

Cập nhật: 21/09/2022

VOV.VN - Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh bổ sung quy định về các biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

Hành hung bác sĩ, gây rối tại bệnh viện gây bức xúc

Thảo luận về nội dung này tại phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 21/9, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đồng tình phải có cơ chế bảo vệ cán bộ y tế bằng luật và có biện pháp cụ thể bảo vệ trên thực tế vì thời gian qua có tình trạng hành hung, xâm phạm đội ngũ này.

Tuy vậy, ông Nguyễn Khắc Định đề nghị thiết kế quy định phải đảm bảo thống nhất với các luật khác. Bên cạnh đó, cân nhắc có lực lượng, công cụ thực hiện công tác này chứ “bác sĩ bỗng dưng bị tấn công thì làm sao tự bảo vệ được”; rồi cơ sở khám chữa bệnh được làm những việc gì ban đầu để bảo vệ y, bác sĩ...

Cũng tán thành việc bổ sung quy định để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tại cơ sở khám chữa bệnh vì đây là vấn đề bức xúc, cần giải pháp hiệu quả xử lý, tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng băn khoăn về các biện pháp được thiết kế trong dự thảo luật.

Khoản 3 Điều 109 đang quy định 4 biện pháp: Thứ nhất là, cơ sở khám, chữa bệnh có thể quyết định tịch thu phương tiện, công cụ, vật dụng được sử dụng gây mất an ninh, trật tự. Thứ hai là, tạm giữ người có hành vi gây mất an ninh, trật tự hoặc có nguy cơ gây mất an ninh, trật tự. Thứ ba là, trục xuất người đó ra khỏi cơ sở y tế, nơi họ đang gây mất an ninh, trật tự, trừ trường hợp bản thân người đó đang trong tình trạng cấp cứu. Thứ tư là, phong tỏa khu vực của cơ sở khám, chữa bệnh đang bị mất an ninh, trật tự.

Cho rằng biện pháp tịch thu phương tiện, công cụ, vật dụng và biện pháp tạm giữ người thì vấn đề này liên quan đến pháp lý nên cần làm rõ. “Đây là biện pháp xử lý hành chính hay là biện pháp gì, nếu là biện pháp xử lý hành chính thì phải đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, cần thì rất cần nhưng chúng ta phải xử lý thế nào cho đồng bộ với các luật. Biện pháp tạm giữ và biện pháp tịch thu là đã được quy định ở trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhưng biện pháp này không được trao cho những người quản lý cơ sở khám, chữa bệnh” – ông Hoàng Thanh Tùng lưu ý.

Băn khoăn thẩm quyền cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề

Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng giao thẩm quyền cấp, đình chỉ và thu hồi giấy phép hành nghề cho các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có cả Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng các Bộ Công an, Quốc phòng.

Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn việc giao cho Bộ Công an cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề đối với đối tượng thuộc thẩm quyền và đề nghị tiếp tục giao Bộ trưởng Bộ Y tế như hiện hành, nếu giao Bộ Công an thì cần quy định lộ trình.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chưa thể hiện được việc huy động các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các hội chuyên môn như định hướng tại Nghị quyết 20-NQ/TW.

“Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, các ý kiến góp ý này là xác đáng và sẽ tiếp tục cùng Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu phương án tiếp thu” – bà Nguyễn Thuý Anh nói.

Phát biểu về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đặt vấn đề mối quan hệ về thẩm quyền giữa Bộ trưởng các Bộ trên như thế nào trong xử lý các vấn đề liên quan, liệu chăng thẩm quyền của Bộ Y tế cao hơn trong một số trường hợp vì liên quan đến sức khoẻ của nhân dân và người hành nghề chuyên môn.

Cho rằng quy định việc người hành nghề được đăng ký tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh là phù hợp, tuy nhiên, ông Hoàng Thanh Tùng đặt trường hợp bác sĩ trong lực lượng vũ trang có đăng ký hành nghề ở cơ sở khác và mắc sai sót ở cơ sở đó thì thẩm quyền đình chỉ hành nghề, thu hồi giấy phép thuộc về ai?

Cũng nhấn mạnh đội ngũ cán bộ y tế và nhân dân đang mong chờ luật này để sớm tạo khung pháp lý đầy đủ và an toàn, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm, cái gì đã chín, đã thống nhất rồi có thể quy định để áp dụng; nội dung nào xác định được nguyên tắc chung mà chưa chi tiết được thì giao Chính phủ quy định; còn vấn đề chưa đủ cơ sở quy định trong luật thì tạm gác ra để tiếp tục nghiên cứu. Trên cơ sở đó trình Quốc hội ban hành luật ở Kỳ họp thứ 4./.

Từ khóa: Bảo vệ cán bộ y tế, hành hung cán bộ y tế, Luật khám bệnh, chữa bệnh, Uỷ ban thường vụ quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập