Rà soát danh sách nộp thuế của người nổi tiếng livestream bán hàng
Cập nhật: 21 giờ trước
Việt Nam cần linh hoạt khi xuất khẩu sang Mỹ
Nông dân Đắk Lắk được mùa, được giá, dự báo sức mua tăng mạnh dịp Tết
VOV.VN - Ngay đầu năm 2025, sẽ có một số cá nhân, người nổi tiếng có hoạt động kinh doanh hoặc liên kết với nhãn hàng trên nền tảng thương mại điện tử sẽ vào "tầm ngắm" thanh tra thuế.
Đây là thông tin được đại diện Tổng cục thuế đưa ra tại họp báo thường kỳ quý IV/2024 của Bộ Tài chính tổ chức chiều nay (7/1).
Tại cuộc họp, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn đã có thông tin liên quan việc thu thuế người nổi tiếng phát sinh thu nhập từ các sàn thương mại điện tử. Cụ thể, theo quy định pháp luật, tất cả tổ chức, cá nhân không phân biệt nổi tiếng hay không nổi tiếng nếu có phát sinh thì đều phải thực hiện nghĩa vụ tự khai, chịu trách nhiệm theo quy định về thuế và ngân sách nhà nước. Cơ quan thuế sẽ có trách nhiệm hỗ trợ các giải pháp nhằm đảm bảo công bằng.
"Riêng với một số người nổi tiếng, hoặc có ảnh hưởng tham gia livestream, tiếp thị liên kết với bên bán hàng... thì chúng tôi đã có những giải pháp chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường tăng cường quản lý", Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho biết.
Trong đó, bao gồm công tác hỗ trợ, xây dựng cổng thương mại điện tử dành cho cá nhân trong nước, các tài liệu hướng dẫn kèm theo, cũng như thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu từ chia sẻ của các bộ, ngành cũng như sàn thương mại điện tử để đảm bảo cơ sở dữ liệu của người nộp thuế đó.
Thời gian qua, ngành Thuế tập trung triển khai ở Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương phát triển mạnh về dịch vụ giải trí, văn hóa nghệ thuật, kinh doanh và có nhiều người nổi tiếng tham gia hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử.
Cục Thuế TP.HCM đã thực hiện Kế hoạch số 59, trên cơ sở đó đã đưa một số cá nhân nổi tiếng, có hoạt động thương mại điện tử và đã đưa vào danh sách kiểm tra, thực hiện ngay đầu năm 2025.
Tại Hà Nội, Cục thuế Hà Nội đã tuyên truyền, hỗ trợ các cá nhân tham gia bán hàng trên thương mại điện tử tự giác kê khai, nộp thuế và tổ chức các buổi mời gặp để hỗ trợ hướng dẫn chính sách.
Tổng cục Thuế xác định tổng doanh thu thương mại điện tử trên địa bàn thành phố trong năm 2024 là 900 tỷ đồng và số đã nộp khoảng 13 tỷ đồng. Các danh sách người có doanh số lớn đã được cơ quan thuế Hà Nội đưa vào thực hiện phân loại tiêu chí rủi ro để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra.
Thống kê trên cả nước, tổng số cá nhân hoạt động theo hình thức thương mại điện tử là 76.400, trong đó trường hợp đã xử lý vi phạm là hơn 30.000 cá nhân. Tổng số truy thu xử phạt là 1.323 tỷ đồng. Đây là hoạt động không chỉ mới ở Việt Nam mà cả trên thế giới, ngành thuế đã có bước đầu thực hiện công tác quản lý, đặc biệt tham mưu Chính phủ ban hành Chỉ thị 18, chỉ thị các bộ, ngành kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu.
"Ở các sàn lớn như: Grab, Sen đỏ, Lazada, Shopee, TikTok… chúng tôi đã trích xuất được tất cả các số liệu về thuế để đối chiếu, xử lý vi phạm (nếu có)", ông Mai Sơn thông tin.
Tại họp báo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cũng đã đưa ra một số biện pháp, nâng cao hiệu quả chức năng quản lý nợ đối với khoản nợ chính sách Nhà nước. Theo số liệu báo cáo, có tới 81.000 cá nhân là cá nhân kinh doanh, chủ kinh doanh có số nợ thuế từ 50 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có số tiền nợ thuế từ 500 triệu đồng trở lên. 40.000 cá nhân là cá nhân kinh doanh, chủ kinh doanh với số tiền nợ thuế từ 100 triệu đồng trở lên, doanh nghiệp có số tiền nợ thuế từ 1 tỉ đồng trở lên.
Về cơ sở xây dựng ngưỡng tạm hoãn xuất cảnh với người nộp thuế, ông Mai Sơn cho biết, trước đó chưa có quy định cụ thể về ngưỡng tạm hoãn xuất cảnh. Qua thực tế sử dụng một số công cụ hỗ trợ, trong đó có biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với người nợ thuế, ngành Thuế nhận thấy một số hiệu ứng như thu nợ tốt hơn, ứng dụng eTax Mobile được sử dụng nhiều hơn.
Tuy nhiên, việc chưa có ngưỡng cụ thể đã gây không ít phản hổi chưa tích cực liên quan đến người nợ thuế, cá nhân liên quan đến các khoản nợ nhỏ. Tình trạng này diễn ra cả khi ngành Thuế đã đẩy mạnh giải pháp như thông báo, tích cực phối hợp với cơ quan liên quan, trong đó cả theo hình thức liên thông với cơ quan xuất nhập cảnh sao để giải quyết thủ tục nhanh nhất.
Do đó, cơ quan thuế đã báo cáo Bộ Tài chính, trong đó có nội dung áp dụng hình thức tạm hoãn xuất cảnh theo ngưỡng.
Theo ông Mai Sơn, cơ sở để cơ quan thuế đề xuất dựa trên đánh giá, thu nhập bình quân đầu người một số số nước phát triển và trong khu vực. Cụ thể, Mỹ năm 2023 đạt khoảng 80.000 USD, còn Việt Nam đạt khoảng 4.284 USD. Khu vực, Malaysia áp dụng ngưỡng khoảng 2.000 USD/cá nhân. Đối với doanh nghiệp, Đài Loan trên 1,5 tỷ đồng (2 triệu Đài tệ).
"Do đó, ngưỡng nợ thuế 50 triệu đồng, tương đương khoảng 2.100 USD, được đánh giá là phù hợp với mức thu nhập bình quân tại Việt Nam. So sánh GDP thu nhập bình quân và các ngưỡng khác, chúng tôi đặt ra 500 triệu đồng để áp dụng được", ông Mai Sơn thông tin.
Từ khóa: thuế, thuế, quản lý thuế, bán hàng livestream, thanh tra thuế
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: cẩm tú/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN