Ra mắt Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris ấn bản tiếng Pháp: những tư liệu lịch sử quý từ người trong cuộc
Cập nhật: 19/12/2020
(VOV5) - Đại sứ đã nhắc đến sự đóng góp rất tích cực, hiệu quả rất lớn của cộng đồng người Việt ở Pháp và nhân dân tiến bộ Pháp cũng như nhân dân tiến bộ của các nước Tây Âu và trên toàn thế giới.
NXB Thế Giới đã giới thiệu ấn bản tiếng Pháp của cuốn sách Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris , dịp kỷ niệm 45 năm thống nhất đất nước, do bà Nguyễn Đắc Như Mai, một Việt kiều ở Pháp và là một nhà sử học, chuyển ngữ. Buổi tọa đàm giới thiệu về những giá trị của cuốn sách cũng như tác giả của nó vừa được Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace, Nhà xuất bản Thế Giới và Hội Hữu nghị Việt Pháp (AAFV) tổ chức tại Hà Nội.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
“Nói đến Võ Văn Sung là nói đến một nhà ngoại giao từng gắn bó phần lớn cuộc đời ngoại giao của mình với địa bàn Paris và Tây Bắc Âu. Cuốn sách tập trung miêu tả những hoạt động ngoại giao dồn dập tại nơi này trong một giai đoạn tương đối ngắn, từ sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tháng 1/1973, đến khi nước nhà thống nhất.
Là người tham gia trực tiếp vào cuộc đấu tranh ngoại giao của ta tại Hội nghị Paris, rồi giai đoạn đấu tranh thi hành hiệp định, có thể nói nhà ngoại giao Võ Văn Sung là một trong số ít những người có may mắn được đi suốt cuộc đụng đầu lịch sử giữa nền ngoại giao Việt Nam non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của Hoa Kỳ ngay trên đất Paris, một trong những trung tâm văn minh lớn của phương Tây.”
Bản tiếng Pháp của cuốn sách “Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris” ra mắt ngày 17/12 tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+) |
Ông Trần Đoàn Lâm , giám đốc Nhà xuất bản Thế Giới chia sẻ: "NXB Thế giới có nhiệm vụ làm thông tin đối ngoại và là cầu nối để thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và nhân dân các nước, trong đó có Pháp. Quan hệ giữa Việt Nam với nước Pháp là một quan hệ vô cùng đặc biệt. Đại sứ Võ Văn Sung chính là một nhân chứng lịch sử trong một giai đoạn rất hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Võ Văn Sung đã ở Paris khi đàm phán Paris bắt đầu từ năm 1968, cho đến sau này những năm sau giải phóng thìông Võ Văn Sung cũng là đại sứ đầu tiên của nước CHXHCN Việt Nam tại Pháp. Cuốn hồi ký này là tư liệu lịch sử rất sống động, không những có giá trị ý nghĩa về mặt khoa học, giáo dục,nó còn có ý nghĩa như là mộttài liệu có thể sử dụng được để chúng ta rút ra những bài học trong mặt trận đối ngoại, rút ra những bài học trong sự phối hợp giữa chính trị, ngoại giao và quân sựđể đạt được thắng lợi trong cuộc kháng chiến vừa qua.
Đồng thời có một nội dung rất lớn là đại sứ đã nhắc đến sự đóng góp rất tích cực, hiệu quả rất lớn của cộng đồng người Việt ở Pháp và nhân dân tiến bộ Pháp cũng như nhân dân tiến bộ của các nước Tây Âu và trên toàn thế giới, nhất là chính sách của chính phủ tiến bộ Pháp, trong đóđặc biệt là của tướng ĐờGôn. Tác giả đã rút ra những bài học kinh nghiệm rất lớn đối với ngành ngoại giao Việt Nam, trên cơ sở phương châm và những nguyên tắc màChủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết giành cho đối ngoại."
Các khách mời tại buổi tọa đàm về cuốn sách Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris của nhà ngoại giao kỳ cựu Võ Văn Sung, ấn bản tiếng Pháp do dịch giả Nguyễn Đắc Như Mai chuyển ngữ. - Ảnh: Thu Hồng. |
Nhà ngoại giao lão thành Võ Văn Sung khi ấy còn trẻ, đã tham gia vào các cuộc hội đàm bí mật giữa trưởng phái đoàn Việt Nam, ông Lê Đức Thọ và Ngoại trưởng Mỹ Kissinger giai đoạn từ 1971 đến 1973 với tư cách là đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và là một trong năm thành viên của phái đoàn Việt Nam tại lễ ký kết Hiệp định Paris ngày 27 tháng Giêng 1973. Do vậy, cuốn sách chứa đựng nhiều nội dung mang tính tư liệu chưa từng được công bố.
Tiến sĩ Võ Văn Thuận, nguyên Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật hạt nhân, con trưởng của đại sứ Võ Văn Sung kể lại, từ năm 2004 đến 2007 anh được cha giao cho nhiệm vụ làm thư ký biên tập những cuốn sách do ông viết, và cuốn đầu tiên chính là cuốn Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris, vì tác giả muốn đưa ra đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày 30/4, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng: "Năm 1968 từ Pháp về lần đầu tiên ông được giao nhiệm vụ ởVụ 2, làm những việc tối mật hồi đó để chuẩn bị cho cuộc đàm phán Paris, sau khi hai bên Mỹ và Việt Nam bắt đầu tiếp xúc và bắt đầu đồng ý ngồi lại với nhau ở Paris. Đấy là giiai đoạn cực kỳ nhiều kỷ niệm đối với tác giả, trong ba năm từ 1968 đến 1970 ông gần như phải thức trắng đêm vì ông là vụ phó đồng thời là người lãnh đạo một tổ gọi là tổ “bước đi” để chuẩn bị các bước diễn tiến tiếp theo trong cuộc đàm phán Paris đó, quan trọng nhất là cuộc đàm phán bí mật. Mốc thứ hai mà ông rất tâm đắc là giai đoạn tham gia cuộc đàm phán bí mật giữa cụ Lê Đức Thọ và GS Kissinger từ năm 1971-1973, Sau đó là chuẩn bị và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh như trong quyển sách mô tả."
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y Tế Việt Nam chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp Việt (AAFV) đã viết Lời tựa cho ấn bản tiếng Pháp của cuốn sách xuất bản tại NXB Thế Giới tháng 8/ 2020 vừa qua, khẳng định: "Cuốn sách này đã minh họa tương đối chi tiết và cụ thể trên mặt trận ngoại giao, đặc biệt thời điểm lúc bấy giờ Võ Văn Sung được tham gia chính thức đại diện phía Việt Nam trong cuộc đàm phán giữacố vấn Lê Đức Thọ và phía Mỹ."
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên khẳng định, nhà ngoại giao kỳ cựu Võ Văn Sung là người đầu tiên tham gia vào việc nghiên cứu và phát triển quan hệ giữa Việt Nam với Pháp và các nước Tây Bắc Âu. - Ảnh: Thu Hồng. |
Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Dy Niên là người đã viết Lời tựa cho ấn bản tiếng Việt đầu tiên của cuốn sách xuất bản năm 2005 của NXB Quân đội Nhân dân. Là người đã gần gũi nhiều năm với đại sứ Võ Văn Sung, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên kể lại, trong ngành ngoại giao, Võ Văn Sung đã có những đóng góp rất lớn. Bởi Việt Nam khi đó, mối bang giao chính với quốc tế mới là các nước xã hội chủ nghĩa. Ngay từ khi mới được giao nhiệm vụ làm Tổng đại diện Việt Nam tại Paris rồi đại sứ đầu tiên của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa tại Pháp – một cường quốc phương Tây, với tính tình dễ hòa hợp, sôi nổi, với sự thông minh mẫn tiệp và tình yêu với Tổ quốc, đại sứ Võ Văn Sung đã làm được những điều không tưởng đóng góp vào sự nghiệp lớn lao của dân tộc.
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên thuật lại: " Ông Võ Văn Sung là người đầu tiên tham gia vào việc nghiên cứu và phát triển quan hệ giữa Việt Nam với Pháp và các nước Tây Bắc Âu. Chỉ một thời gian ngắn, ông đã làm rất tốt. Ông quan hệ với Bộ Ngoại giao Pháp, với Chính phủ Pháp rất tốt, rất năng động, mở rộng mối quan hệ đó. Đặc biệt vớikiều bào, với cộng đồng người Việt ở Pháp, ông đã bắc cầu được nhữngnhân tố tích cực,vàông đã làm cho phong trào sôi động lên để hưởng ứng, ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam.
Tronglĩnh vực đối ngoại, ông Võ Văn Sung là con người xuất sắc. Làm việc gì, sau khi làm ông cũng đúc kết thành bài học, thành kinh nghiệm. Nên ởBộ ngoại giao, nhất làthế hệ trẻ xem ông Sung như một người thầy.Những điều ông để lại, ông viết thành sách như cuốn này. Nhưng cái ông để lại rất nhiều, là những tư liệu nghiên cứu ông đã đúc kết cùng với anh em ở Vụ mà ông phụ trách. Đó là những bài học rất thiết thực, nên người ta xem ông gần như là một người thầy, một người anh."
Ông Trần Đoàn Lâm , giám đốc Nhà xuất bản Thế Giới cho biết thêm, cuốn sách có những tư liệu hết sức đáng quý về phong trào yêu nước của người Việt Nam tại Pháp, cũng như những đóng góp của Hội người Việt Nam tại Pháp đối với đất nước: "Có một câu chuyện hay là khi đó bác Tố Hữu đi sang thăm Phápsau giải phóng, thì đại sứ Võ Văn Sung đã cùng với một số người lãnh đạo cốt cán của phong trào Việt kiều bàn cách nào để đổi tên Hội Liên hiệp Việt kiều trở thành Hội người Việt Nam tại Pháp. Khi trình bày ý tưởng ấy, nhà thơ Tố Hữu đã rất hoan nghênh và nói theo giọng Huế rằng, như thế là rất đúng, bởi lẽ15 năm lưu lạc thân Kiều như thế cũng khổ lắm rồi, bỏ chữ Kiều đi và bây giờ gọi làHội người Việt Nam tại Pháp, thay chữ Kiều. Và hơn nữa, có nhiều người rất muốn biết xin quốc tịch Việt Nam và giữ quốc tịch Việt Nam như thế nào trong khi sống ở Pháp,thì nhà thơ Tố Hữu cũng trả lời rằng: "tịch" là gì là cái chiếu, chiếu đã trải rồi thì cuốn lại được,ngoài ra quốc tịch thì cũng không quan trọngbằng Quốc hồn,phải giữ được Quốc hồn. Bà con Việt kiều trong suốt thời gian đàm phán ký Hiệp định Paris cho đến sau này năm 1976 thành lập Hội những người Việt Nam tại Pháp, đã đóng góp rất lớn, giúp đỡ cho phái đoàn của cả hai bên Việt Nam dân chủ Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Pháp"
Nhà vật lý hạt cơ bản nổi tiếng Giáo sư Pierre Darriulat, nguyên giám đốc khoa học Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu, là người đã giúp hiệu đính ấn bản tiếng Pháp của cuốn sách do dịch giả Nguyễn Đắc Như Mai chuyển ngữ, trong buổi tọa đàm đã đánh giá rất cao sự đóng góp của đại sứ Võ Văn Sung cũng như chia sẻ nhiều điều về phong trào Việt kiều và phong trào của những người bạn Pháp đối với sự nghiệp thống nhất Việt Nam mà cuốn sách đã kể tới.
Ngoài việc phản ánh cuộc đấu tranh ngoại giao thời đó, thì những câu chuyện sinh động, chứa chan tình cảm mặn nồng về những người Việt Nam sống xa quê hương nhưng vẫn hướng về Tổ quốc, về những người bạn quốc tế thủy chung và tiến bộ, hết lòng ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, khiến cuốn sách càng như một tài liệu tham khảo có giá trị, với nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu về đối ngoại, vận động chính giới và Việt kiều trong một giai đoạn lịch sử trọng đại của dân tộc.
Từ khóa:
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5