“Quyết tâm hết dịch mới về”

Cập nhật: 10/06/2021

[VOV2] - Đó là chia sẻ của Đàm Thị Mai Ly và Nguyễn Hữu Đức Anh – sinh viên năm thứ 5, khoa Y học dự phòng, trường Đại học Y Hà Nội. Cả hai đều đang tham gia đội tình nguyện đến Bắc Ninh chống dịch Covid-19.

Trong đợt bùng phát dịch lần này, trường Đại học Y Hà Nội có khoảng 161 cán bộ, sinh viên tình nguyện đến tâm dịch Bắc Ninh tham gia vào lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19. Chuyến đi được chia làm 3 đợt: ngày 20/5, 27/5 và 1/6. Hành trang mà họ mang theo ngoài vật tư y tế, nhu yếu phẩm cần thiết hỗ trợ phục vụ công tác phòng chống dịch còn có ý chí, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho mọi người.

Tự hào vì được tham gia vào cuộc chiến chống dịch Covid-19

Gần nửa đêm, sau khi lấy 4.000 mẫu xét nghiệm Covid-19 trong cộng đồng, Đàm Thị Mai Ly – cô sinh viên năm thứ 5 của khoa Y học dự phòng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cùng với nhóm cán bộ của trạm y tế xã Vân Dương, thành phố Bắc Ninh mới kết thúc ca làm việc trong ngày. Thở phào nhẹ nhõm sau khi đã trút bỏ bộ đồ bảo hộ cấp 4, Mai Ly chia sẻ: khó khăn nhất khi tham gia đợt dịch này không phải là lấy mẫu xét nghiệm, truy vết bệnh nhân mà là mặc bộ đồ bảo hộ này trong nhiều tiếng đồng hồ mà không được đụng vào bất cứ thứ gì ở bên ngoài, không được uống nước và không được đi vệ sinh. Sự khó chịu nhân lên gấp nhiều lần vào những hôm thời tiết nắng nóng 39-40°C phải làm việc vào buổi trưa, nắng chiếu thẳng vào người “Như trưa hôm qua, được báo ở xóm Chu Mẫu, phường Vân Dương có ca F0, nhóm phải đi lấy mẫu làm xét nghiệm ngay cho 40 người vào lúc 11-12h trưa, thời tiết nắng nóng khiến cơ thể khó chịu nhưng vì nhiệm vụ nên không ai nề hà ” – Mai Ly kể.

Chìa đôi bàn tay nhăn nheo, trắng bợt như vừa ngâm nước, gương mặt còn đỏ ửng, hằn lên vết đeo khẩu trang, Mai Ly chia sẻ, đó là hậu quả của việc mặc bộ đồ bảo hộ trong 4 tiếng đồng hồ liên tục trong thời tiết khắc nghiệt của mùa hè.

Cuối tháng 5, nhà trường phát động phong trào sinh viên tình nguyện đi vào tâm dịch Bắc Ninh, với tinh thần sục sôi của tuổi trẻ, xếp bút nghiên, Mai Ly đăng ký tham gia luôn. Chỉ có một ngày tập huấn các kiến thức hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, truy vết các trường hợp Covid-19, ngày 01/6, Mai Ly cùng đoàn 50 người lên đường đi Bắc Ninh. Nữ sinh trường Đại học Y Hà Nội kể: “Đến thành phố Bắc Ninh thì ngay buổi tối hôm đó có thông báo cần 80 bạn tình nguyện tham gia chống dịch luôn, may mắn, em có trong danh sách đó. Chúng em chỉ có 15 phút chuẩn bị đồ đạc rồi ra xe, bắt tay ngay vào việc lúc 6h00 tối, lấy hơn 1.000 mẫu ở khu vực đó xong về nghĩ ngơi đã gần 12h đêm, sáng sớm hôm sau, em tiếp tục được phân công xuống trạm y tế Vân Dương luôn và cũng chỉ có 15 phút để chuẩn bị đồ đạc thôi”.

Công việc của Mai Ly bất kể ngày hay đêm, cứ khi nào có thông báo ở đâu đó cần lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 là em cùng đồng đội lên đường ngay, vì vậy tinh thần lúc nào cũng ở trạng thái sẵn sàng “chiến đấu”.

Thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt, đã có bác sĩ, sinh viên bị kiệt sức, ngất xỉu. Khó khăn là thế nhưng điều đó không thể cản trở tinh thần quyết tâm và nghị lực kiên cường của Mai Ly và đồng đội. “Không có ý nghĩ chùn bước, khi đến Bắc Ninh thì còn có động lực mạnh mẽ hơn. Bởi vì khi vào tâm dịch, em thấy nhân viên y tế đang hằng ngày vất vả, cả người dân cũng khổ sở vì dịch bệnh, khiến chúng em nghĩ rằng là phải làm gì đó có ý nghĩa để góp công sức mình giúp đỡ mọi người”

Trong cuộc trò chuyện, Mai Ly còn không ngừng nhắc “Thanh xuân được có mấy lần, còn tuổi trẻ thì em sẽ còn cống hiến hết mình, do vậy những lo lắng trước ngày lên đường đã không còn hiện hữu, thay vào đó là sự tự hào”.

Quyết tâm hết dịch mới về

Trong đoàn của Mai Ly còn có Nguyễn Hữu Đức Anh – lớp trưởng của lớp sinh viên năm thứ 5, khoa Y học dự phòng. Đức Anh là người đầu tiên của lớp biết về cuộc vận động thanh niên tình nguyện vào tâm dịch của nhà trường, cảm giác lúc đó đối với chàng trai trẻ là sự phấn khích cùng với những lo lắng đan xen. “Lúc đầu cũng lo vì sinh viên còn thiếu kinh nghiệm, nhà trường lại thông báo gấp, chỉ 2 ngày trước khi lên đường. Nhưng sau khi được đào tạo, tập huấn thì các bạn đều yên tâm vào tâm dịch hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh” – Đức Anh chia sẻ.

Đức Anh lên đường vào điểm nóng Bắc Ninh. Phường Khắc Niệm – nơi em công tác được phong tỏa ngay sau khi đoàn tình nguyện vừa đến. Những ngày cao điểm, phường có tới 19 ca, việc lấy mẫu sàng lọc nhằm phát hiện sớm lên đến hàng nghìn ca mỗi ngày. Hàng ngày, Đức Anh đều làm việc từ 6h sáng hôm trước đến 2h sáng hôm sau, chỉ có chút thời gian nghỉ ngơi vào buổi trưa.

Những tình huống không có trong sách vở, những giờ làm việc "căng như dây đàn" và tiềm ẩn không ít nguy cơ… nhưng thành quả mà Đức Anh có được thì lại vô cùng lớn, đó là những bài học kinh nghiệm, trau dồi nghiệp vụ về y học dự phòng mà em và các bạn đã học trên giảng đường. Quan trọng hơn đó là rèn luyện sự tự tin, bản lĩnh vững vàng của một bác sĩ trong tương lai. “Chúng em là sinh viên y học dự phòng nên nếu cần chống dịch thì sẵn sàng ra tuyến đầu chống dịch. Cảm giác giúp được nhiều người nên rất vui, không nản lòng. Với lại người dân địa phương cũng quan tâm, hỗ trợ đồ ăn, hoa quả, nước uống, đôi khi là nước ép thì rất xúc động” – Nguyễn Hữu Đức Anh chia sẻ.

Theo quy định, mỗi một đợt đi 15 ngày, Đức Anh cũng đã trải qua gần 2 tuần “nằm gai nếm mật” nhưng em nhận định: Nếu dịch vẫn còn thì em sẵn sàng ở lại cùng người dân chống dịch, quyết tâm dịch hết mới về.

Thời gian qua, mạng xã hội truyền cho nhau hình ảnh về những sinh viên tình nguyện nơi tuyến đầu chống dịch như Nguyễn Hữu Đức Anh và Đàm Thị Mai Ly… Hình ảnh buồn có, vui có, hài hước có…  khiến mọi người vừa thương vừa cảm phục. Thương vì các em phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, nhiều khó khăn, cảm phục vì các em biết sống tích cực, biến những giờ phút căng thẳng thành niềm vui để công việc đạt hiệu quả hơn. Sự chung tay của các sinh viên tình nguyện ngành y đã tiếp thêm sức mạnh góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh./.

Từ khóa: Nguyễn Hữu Đức Anh, Đàm Thị Mai Ly, sinh viên, Đại học Y Hà Nội, tình nguyện, tâm dịch, Bắc Ninh

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập