VOV.VN - Một tuần sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump giành được nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng, những định hình đường lối chính sách nhiệm kỳ tổng thống mới của ông bắt đầu hé lộ.
Ông Donald Trump đã tuyên bố bổ nhiệm gần 10 nhân vật vào các vị trí cấp cao. Đây được coi là bước đầu tiên để hoàn thiện đội ngũ nhân viên tại Nhà Trắng và các bộ phận quan trọng trong chính phủ. Tổng thống đắc cử cũng đưa ra những bình luận với giới truyền thông và trên mạng xã hội, nêu bật ưu tiên của ông khi nhậm chức vào tháng 1/2025, đặc biệt tập trung vào chính sách nhập cư và đối ngoại.
Sau nhiệm kỳ đầu tiên với nhiều tranh cãi, ông Trump đang đặt nền móng cho chính quyền tiếp theo với một kế hoạch được xác định rõ ràng hơn và các nhân sự mà ông lực chọn đang sẵn sàng thực hiện kế hoạch đó.
Chính quyền cứng rắn trong vấn đề nhập cư
Việc lựa chọn một số nhân vật có quan điểm cứng rắn trong vấn đề nhập cư cho thấy ông Trump dường như đang giữ vững cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử là trục xuất hàng triệu người di cư bất hợp pháp đang sinh sống tại Mỹ.
Tổng thống đắc cử Trump đã bổ nhiệm cố vấn cũ Stephen Miller làm phó chánh văn phòng chính sách. Với vị trí này, ông Miller có khả năng định hình các kế hoạch trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp, cũng như cắt giảm số lượng người nhập cư hợp pháp. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, ông Miller đã tham gia xây xựng một số chính sách nhập cư được cho là nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay.
Ông Trump cũng thông báo sẽ chọn cựu giám đốc cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Tom Homan làm người “trấn thủ” biên giới Mỹ, phụ trách trục xuất người nhập cư trái phép vào Mỹ. Tổng thống đắc cử thông báo, quan chức này sẽ phụ trách biên giới phía Nam, phía Bắc, an ninh hàng hải và hàng không của Mỹ, cũng như "chịu trách nhiệm trục xuất những người bất hợp pháp về đất nước của họ".
Thomas Homan, từng giữ vị trí quyền giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, đã ủng hộ chính sách chia tách các gia đình không có giấy tờ đầy đủ tại biên giới Mỹ-Mexico.
Những người chỉ trích đã cảnh báo, kế hoạch trục xuất hàng loạt của ông Trump có thể tốn kinh phí hơn 300 tỷ USD. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với NBC News tuần trước, Tổng thống đắc cử cho biết chi phí không phải là vấn đề lớn khi tội phạm xuyên quốc gia đang hoạt động tràn lan.
Tập trung chính sách cứng rắn với Trung Quốc
Nhiều người theo chủ nghĩa bảo thủ tại Mỹ cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với vai trò dẫn đầu của Mỹ trên toàn cầu, cả về kinh tế và quân sự. Tổng thống đắc cử Trump dù thận trọng hơn khi đưa ra những lời chỉ trích Trung Quốc nhưng ông lại lựa chọn những người có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh vào nhóm chính sách đối ngoại của ông.
Tổng thống đắc cử đã chọn Nghị sĩ Florida Mike Waltz, cựu đại tá quân đội làm cố vấn an ninh quốc gia - một vị trí chính sách đối ngoại quan trọng trong Nhà Trắng. Ông Waltz đã nói rằng Mỹ đang trong "thời kỳ chiến tranh lạnh" với Trung Quốc.
Ông Trump cũng chọn Nghị sĩ Elise Stefanik làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Hồi tháng 10, bà Elise Stefanik cáo buộc Trung Quốc "cố gắng can thiệp bầu cử Mỹ” khi cho rằng tin tặc do nước này hậu thuẫn đã cố gắng thu thập thông tin từ điện thoại của cựu tổng thống.
Đối với vai trò ngoại trưởng Mỹ, Tổng thống đắc cử đã chọn Thượng nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hòa – một người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Năm 2020, ông Rubio bị chính phủ Trung Quốc trừng phạt sau khi ông thúc đẩy các biện pháp trừng phạt quốc gia này với cáo buộc Bắc Kinh đàn áp người biểu tình tại Hong Kong.
Quan hệ Mỹ-Trung thường xuyên gặp khó khăn trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, do tranh chấp thương mại và đại dịch Covid-19. Theo giới phân tích, nhiều khả năng chính quyền mới của ông Trump sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách cứng rắn với Bắc Kinh.
VOV.VN - Theo một số nguồn tin, nhân vật nổi bật nhất và được cho là có tầm ảnh hưởng rất lớn tới quyết định bổ nhiệm nhân sự trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump là tỷ phú Elon Musk.
Trọng dụng những người trung thành
Theo giới phân tích, Tổng thống đắc cử Donald Trump có xu hướng trọng dụng những người trung thành với ông khi lựa chọn nhân sự cho nội các mới. Năm 2016, khi mới bước chân vào chính trường, ông chủ yếu bổ nhiệm các thành viên của đảng Cộng hòa giữ những vị trí quan trọng. Nhưng lần này, ông có rất nhiều ứng cử viên tiềm năng hơn, đặc biệt là những người ủng hộ và trung thành với ông suốt thời gian qua.
Ngày 12/11, Tổng thống đắc cử đã bổ nhiệm Thống đốc Nam Dakota, ông Kristi Noem làm Bộ trưởng An ninh Nội địa và người dẫn chương trình Fox News Pete Hegseth, cựu binh từng tham chiến tại Iraq và Afghanistan - làm bộ trưởng quốc phòng, lãnh đạo 1,3 triệu quân nhân tại ngũ của Mỹ. Cả hai nhân vật này đều là những người bảo vệ ông Trump quyết liệt ngay từ ban đầu.
Ưu tiên quyền lực của tổng thống hơn Quốc hội
Trong cuộc bầu cử lần này, đảng Cộng hòa đã nắm quyền kiểm soát Thượng viện và có khả năng đánh bại đảng Dân chủ để kiểm soát Hạ viện, với tỷ lệ phiếu bầu sít sao. Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có động thái mạnh khi yêu cầu các nghị sĩ Cộng hòa cho phép ông bổ nhiệm các quan chức chủ chốt mà không cần thông qua bỏ phiếu tại Thượng viện.
Trong thông báo trên mạng xã hội ngày 10/11, ông Trump tuyên bố bất kỳ thượng nghị sĩ Cộng hòa nào muốn giữ vị trí lãnh đạo tại Thượng viện phải đồng ý với việc bổ nhiệm trong kỳ nghỉ. Điều này có thể cho phép ông lấp đầy các vị trí hành chính cấp cao mà không cần sự chấp thuận của Thượng viện khi Quốc hội chưa nhóm họp, đồng thời giúp củng cố quyền lực của tổng thống và hạn chế quyền lực còn lại của đảng Dân chủ trong việc cản trở chính quyền mới của ông. Theo giới phân tích, tuyên bố trên cho thấy ông quan tâm đến việc thực thi quyền lực tổng thống hơn là làm việc với nhánh lập pháp.
Vai trò mới của tỷ phú Elon Musk
Theo một số nguồn tin, nhân vật nổi bật nhất và được cho là có tầm ảnh hưởng rất lớn tới quyết định bổ nhiệm nhân sự trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump là tỷ phú Elon Musk. Tỷ phú công nghệ này đã xuất hiện tại khu nghỉ dưỡng ở Palm Beach, Florida hầu như mỗi ngày kể từ khi ông Trump thắng cử vào tuần trước, đôi khi dùng bữa tối và đi chơi golf cùng gia đình ông. Theo các phương tiện truyền thông, ông Elon Musk đã tư vấn cho tổng thống đắc cử về việc lựa chọn ứng viên cho nội các mới, thậm chí đã tham gia cuộc trò chuyện giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Zelensky vào tuần trước.
Vào ngày 12/11, ông Trump tuyên bố sẽ đề cử ông Elon Musk và doanh nhân công nghệ, từng là cựu ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Vivek Ramaswamy cùng làm việc trong một cơ quan có nhiệm vụ xác định các khoản cắt giảm ngân sách mới. Ông Elon Musk thường xuyên bày tỏ quan điểm chính trị của mình trên nền tảng truyền thông xã hội X, trong đó có cả việc ủng hộ nỗ lực của Thượng nghị sĩ Florida Rick Scott trở thành lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện.
Từ khóa: Trump, Donald Trump, bổ nhiệm nhân sự, chính sách của chính quyền Trump, chính quyền Trump 2.0, nhập cư, chính sách với Trung Quốc, Elon Musk, nhân sự trong nội các ông Trump, nhiệm kỳ tổng thống