Quyền được thất bại và cẩm nang chống "sốc" thi trượt

Cập nhật: 04/09/2021

[VOV2] - Thi trượt không có gì khủng khiếp như vậy nhưng nếu bạn tự tưới tắm cảm giác tiêu cực, cảm giác đó sẽ dần trở thành bóng ma che khuất mặt trời trong mình. Vì vậy đừng để cho mình chìm đắm trong tiêu cực, nỗi buồn quá lâu.

Thi trượt “đau” thế nào?

Lúc này khi điểm thi tốt nghiệp THPT 2021, đợt 1 đã được công bố, đa số sĩ tử thấp thỏm ngóng chờ điểm chuẩn thì cũng có không ít bạn đã biết chắc rằng mình trượt ngành, trường mình yêu thích hoặc thậm chí khả năng chẳng đỗ được trường nào.

Phải buồn bã ư? Phải tuyệt vọng ư? Phải tự an ủi mình rằng mọi chuyện sẽ ổn ư?  Vậy, thi trượt thì làm gì?

Theo chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành, thất bại khó chấp nhận với tất cả mọi người nhưng tuổi teen thì khó chấp nhận hơn vì đây là độ tuổi các bạn muốn khẳng định bản thân, các bạn có sĩ diện cao hơn so các lứa tuổi khác trong suốt giai đoạn phát triển, chấp nhận thất bại không dễ dàng chút nào.

Sốc, thất vọng về hình tượng của mình là tâm lý chung khi nhận tin sét đánh thi trượt. Với những bạn có bề dày học tập tốt, nhận được nhiều sự kỳ vọng trước đó có thầy cô, bạn bè, người thân thì lại càng dễ bị sốc hơn.

Thời của tôi, một số bạn bè thi trượt ĐH sau đó đã tự mình rút ra khỏi các mối quan hệ với bạn bè, đóng cửa chỉ ở trong nhà vì không chịu được cảm giác mình là kẻ thất bại trong khi các bạn khác thành công. Nhất là bạn học tốt nhưng lại thi trượt trong khi những bạn có quá trình học kém hơn thì lại thi đỗ.

Bên cạnh sự thật là thi trượt thì teen cũng đối diện với nhiều nỗi sợ hãi, sợ bị chê học dốt, xấu hổ bạn bè, sợ người ta xì xầm về mình. Đặc biệt, cảm giác ‘tội đồ” còn xuất phát từ những kỳ vọng thái quá của phụ huynh mong con được đỗ đạt, vào được trường đại học, ngành học mà cha mẹ mong muốn để trở thành “ông nọ bà kia”.

Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 ít ngày, dư luận chấn động bởi nghi án vụ hai mẹ con tử vong ở Bà Rịa- Vũng Tàu liên quan đến mâu thuẫn, áp lực học hành, sự kỳ vọng.

Trước đó, cộng đồng mạng cũng được phen chấn động trước câu chuyện người mẹ bắt con quỳ trong khuôn viên của một trường dân lập trên phố Trần Quốc Hoàn, Cầu Giấy khi con gái trượt lớp 10 công lập ở Hà Nội.

Mặc cho cô con gái rũ rượi quỳ gối, những người lớn xung quanh đến can ngăn, người mẹ hét lớn “Để yên cho tôi dạy con. 7 năm học sinh giỏi mà giờ đến trường tư người ta cũng không thèm nhận. Hôm nay, tao phải đánh cho mày chết thì thôi”….

Có lẽ thi trượt chỉ là vấn đề của hiện tại nhưng hành động lúc này của người mẹ sẽ chẳng bao giờ có thể xóa nhòa trong ký ức của cô con gái sau này, cho dù cô rất hiểu và thông cảm cho cảm xúc của mẹ.

Đừng biến thi trượt trở thành chuyện khủng khiếp với con trẻ!

Theo chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành, học sinh bây giờ quá mệt mỏi với chuyện ganh đua, thi cử. Nếu coi thi cử chỉ đơn giản là một buổi kiểm tra, đánh giá năng lực học tập, phân loại năng lực học tập, biết khả năng hiện tại ra sao để phấn đấu thì mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Chính người làm giáo dục, các vị phụ huynh cũng đừng ganh đua quá, thi thố quá để các em cảm thấy hành trình học tập là hành trình đầy niềm vui, say mê.

Teen cần biết rằng thi trượt không phải chuyện gì quá ghê gớm. Những bạn trẻ vấp càng sớm sau này thành công càng dễ, những bạn chưa thất bại nhiều sẽ phải trả những cái giá rất đắt để học được những bài học mà ai cũng phải học.

Thất bại khó chấp nhận nhưng thất bại là lúc con người ta được học nhiều nhất, nhận ra yếu kém của mình.Ví dụ bạn học tủ, đi thi "lệch tủ" thì bạn biết được kiến thức của mình hổng phần này. Thất bại là khi chúng ta học được nhiều thứ. Còn khi thành công vui quá không nhận ra được điều gì.

Vì vậy, teen có quyền thi trượt, học dốt, tất nhiên đừng thi trượt, đừng học dốt cả đời. Sau mỗi lần đó rút ra bài học để tiến bộ hơn sau những chặng đường, có nhiều bài học quý hơn sau mỗi lần thất bại.

Đừng biến chuyện học dốt, thất bại thành chuyện khủng khiếp với trẻ vì chúng ta có 9 loại hình trí thông minh, không phải trẻ nào cũng giỏi theo cách giống nhau. Con không có trí thông minh logic, không có trí thông minh xã hội thì lại có trí thông minh vận động. Nếu “bắt cá leo cây” thì sẽ luôn đánh giá sai.

"Mọi nẻo đường đều dẫn tới thành Rome" nhưng mỗi người lại có những đường đi khác nhau, với những năng lực khác nhau. Nhiều người xuất trúng đương đại đỗ ĐH nhưng lại bỏ ngang tự đọc sách, tự học vẫn thành công như Bill Gates, Steve Jobs…Tất nhiên không đòi hỏi các con xuất trúng trúng nhưng nhiều bạn đã thành công bằng cách  rèn luyện khả năng tự học, phát triển kỹ năng thông qua môi trường làm việc học tập. Nhà trường không phải là con đường duy nhất để các bạn hạnh phúc và thành công.

Lúc biết tin con thi trượt, bố mẹ cần dành cho con cơ hội bình tĩnh lại đồng cảm với con, trò chuyện với con để con nhận ra trong thất bại lần này con nhận ra bài học gì và con làm gì để làm tốt hơn trong lần sau.

Bố mẹ hãy cho con được lựa chọn mới, quyết định mới phương pháp mới để vẫn có thể thực hiện mục tiêu sau cùng của con mà không nhất thiết đi theo kế hoạch này.

Ví dụ muốn sang Mỹ có thể đặt chuyến bay sang New York, nhưng nếu lỡ chuyến bay đó thi vẫn có thể đặt chuyến bay khác từ sân bay Paris-Charles-de-Gaulle của Pháp bay sang Mỹ, biết đâu trên hành trình đó lại có thêm nhiều niềm vui. Luôn có nhiều hành trình để đi đến đích cuối và các con đừng lo đó là cách duy nhất và là cách đánh giá năng lực học tập, đó chỉ là bài kiểm tra, tất nhiên đó là bài kiểm tra quan trọng nhưng không phải duy nhất đánh giá các con.

Cẩm nang chống sốc

Để vượt quá cú sốc thi trượt thì teen cần được trang bị cẩm nang hiểu đúng về thi cử, hiểu đúng về thất bại để tận dụng cơ hội đó để tiến bộ hơn sau đó. Chứ không để mình cảm thấy  kém cỏi, tự cho phép mình yếu đuối, bị vùi dập từ những lời chỉ trích của người khác, vô hình chung thành bản án cho mình trong suốt thời gian dài.

Chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành cho rằng, cha mẹ nên có thêm hoạt động để con sớm cân bằng tâm lý như cho con đi chơi, đi du lịch (đương nhiên không phải thời gian dịch Covid-19 này). Đặc biệt, tâm sự với con nhiều hơn để con trải lòng, đừng để con cảm thấy con là kẻ tội đồ, kém cỏi, thất bại.

Bạn cũng có thể chọn lựa những cách giúp mình giảm bớt sự tập trung vào kết quả thi cử, mang lại sức khỏe tinh thần, Chẳng hạn, tham gia vào một hoạt động học nghệ thuật như học vẽ, học đàn, học võ, những hoạt động tập thể...

Các con có thể đọc sách về phát triển bản thân, tìm hiểu câu chuyện về những người đã đối mặt thất bại lớn, thử thách lớn trong cuộc đời. Những cuốn sách đó sẽ truyền cảm hứng để bạn thấy rằng ai cũng có thể làm được. Teen cũng sẽ tìm thấy những người bạn trong sách mà ở đó các bạn sẽ không bị phán xét, đánh giá và tìm thấy sự đồng cảm.

Teen có thể cân bằng tâm lý bằng cách xem phim hài, xem phim thám hiểm làm cho trí tưởng tượng, sáng tạo phong phú hơn. Tuyệt đối tránh xa game online hay những bộ phim dài tập đánh vào tâm lý tiêu cực…

Hãy cứ khóc nhưng biết giới hạn

Nếu cảm thấy quá buồn, quá sốc, không có cách nào giải tỏa ngoài khóc thì bạn hãy cứ khóc thật to, hét thật lớn. Ví dụ, ngày đầu tiên nhận được kết quả thi trượt bạn có thể khóc cả tiếng đồng hồ nhưng nếu cảm thấy đỡ thì dừng lại, đừng để nỗi buồn lê thê, đừng nuôi cảm xúc tiêu cực lớn lên.

Thi trượt không có gì khủng khiếp như vậy nhưng nếu bạn tự tưới tắm cảm giác tiêu cực, cảm giác đó sẽ dần trở thành bóng ma che khuất mặt trời trong mình, đừng để cho mình chìm đắm trong tiêu cực, nỗi buồn quá lâu.

Cuối cùng, chuyên gia tâm lý Trần Kim Thành cho rằng, vai trò của phụ huynh rất to lớn. Phụ huynh đừng trầm trọng hóa chuyện thi trượt của các con. Một đứa trẻ muốn biết đi phải ngã vài lần, con tập đi trên hành trình học tập, ngã vài lần mới cứng cáp đôi chân.

Từ khóa: thi trượt, quyền thất bại, quyền thi trượt, sốc, tốt nghiệp, Đại học, làm gì khi thi trượt, chì chiết, vov2

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập