Quyền Đại sứ New Zealand: Xây dựng mối quan hệ bền chặt Việt Nam - New Zealand
Cập nhật: 06/03/2024
Theo Thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Australia, thăm chính thức Australia, New Zealand từ ngày 5-11/3/2024.
Nhân dịp này, Quyền Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Wendy Hinton đã trả lời phỏng vấn phóng viên về ý nghĩa chuyến thăm và quan hệ song phương Việt Nam - New Zealand.
PV: Bà có thể chia sẻ về ý nghĩa chuyến thăm chính thức New Zealand sắp tới của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính? Bà kỳ vọng gì về chuyến thăm này?
Bà Wendy Hinton: Như các bạn đã biết, New Zealand có Chính phủ mới từ tháng 10 năm ngoái. Vì thế, đây là sự kiện rất có ý nghĩa đối với Chính phủ của Thủ tướng Luxon - bởi đây là chuyến thăm đầu tiên của một người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tới New Zealand kể từ thời điểm đó.
Trong chuyến thăm, dự kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các cuộc gặp lần đầu tiên không chỉ với Thủ tướng Christopher Luxon mà còn với Chủ tịch Quốc hội, Toàn quyền và các quan chức cấp cao khác của New Zealand. Các cuộc gặp này sẽ khẳng định hơn nữa tầm quan trọng của mối quan hệ Việt Nam - New Zealand.
Nhìn lại năm 2021, New Zealand và Việt Nam đã ký kết Kế hoạch Hành động Đối tác Chiến lược. Và chuyến thăm lần này sẽ là cơ hội để hai bên rà soát lại kế hoạch này, nghiên cứu các thành quả đạt được để phát huy hơn nữa các lĩnh vực tiềm năng trong thời gian tới. Năm 2024 là năm cuối của kế hoạch này, vì vậy, hai bên sẽ xem xét liệu có kéo dài và mở rộng thêm kế hoạch hay không.
Đáng chú ý, năm 2025 sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ quan hệ ngoại giao giữa New Zealand và Việt Nam. Vì vậy, đây là dịp để hai bên cùng thảo luận những nội dung, hoạt động cho năm kỷ niệm quan trọng này. Nhìn chung, chuyến thăm là cơ hội tốt để lãnh đạo hai nước trao đổi về sự kết nối trong mọi lĩnh vực, nhằm xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa hai bên.
Một số lĩnh vực mà hai bên đã hợp tác hiệu quả như nông nghiệp và phát triển kinh tế, đồng thời có thể phát triển hơn nữa các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực như ứng phó biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, chuyển đổi số và công nghệ nông nghiệp…
Trong chuyến thăm lần này, sẽ có một phái đoàn doanh nghiệp lớn tháp tùng Thủ tướng của các bạn. Điều đó sẽ mang lại cơ hội tuyệt vời để hai bên thúc đẩy hợp tác kinh tế cũng như sớm đạt mục tiêu thương mại hai chiều 2 tỷ USD vào cuối năm nay.
PV: Vậy theo bà, hai nước sẽ có những cơ hội nào để thúc đẩy quan hệ song phương sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đâu là những lĩnh vực hợp tác ưu tiên thời gian tới?
Bà Wendy Hinton: Chuyến thăm sẽ tạo cơ hội để hai nước tăng cường hợp tác trong hàng loạt lĩnh vực như: thương mại, tài chính, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục, quốc phòng và an ninh. Trong đó đáng chú ý là một kế hoạch hành động hợp tác chiến lược mới.
Cụ thể hơn, hai bên có thể ký kết ba thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực hợp tác gồm: giáo dục, thương mại và kinh tế. Đồng thời Thủ tướng New Zealand sẽ đưa ra hai thông báo quan trọng về một số hợp tác khác giữa Việt Nam và New Zealand.
PV: Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 19/6/1975, quan hệ song phương gần nửa thế kỷ qua có những thành tựu nổi bật nào? Thành tựu nào mà bà cảm thấy tự hào nhất?
Bà Wendy Hinton: Đầu tiên phải nhắc tới là việc Việt Nam và New Zealand nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược vào năm 2020. Đối với cả hai nước, tôi nghĩ đây là một cột mốc quan trọng, thể hiện cam kết của lãnh đạo hai bên trong việc thúc đẩy mối quan hệ song phương.
Điều rất quan trọng đối với cả hai nước là hợp tác thương mại song phương đang thực sự phát triển tốt đẹp. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 15 của New Zealand. Hiện chúng ta đang nỗ lực rất nhiều để đạt được mục tiêu thương mại hai chiều 2 tỷ USD vào cuối năm nay như tôi đã đề cập. Theo một số dữ liệu mới, chúng tôi vừa nhận được từ Cơ quan Thống kê New Zealand, thương mại hai chiều giữa hai đang tiến triển rất khả quan. Nhìn lại, thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 1,67 tỷ USD tính đến tháng 12/2023, vì vậy có thể nói, mục tiêu không còn quá xa vời.
Và đối với cả hai nước, tôi nghĩ nông nghiệp là một lĩnh vực điểm nhấn. Là trụ cột chính trong chương trình hợp tác phát triển của New Zealand với Việt Nam, chúng tôi đang tập trung vào việc hỗ trợ các bạn khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu, đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững và tăng sinh kế. Hiện chúng ta đã có thỏa thuận hợp tác nông nghiệp tập trung vào các ưu tiên như giảm phát thải khí nhà kính, an toàn thực phẩm, sức khỏe động thực vật và phát triển nông thôn.
Giáo dục là một lĩnh vực mà tôi muốn đề cập như một điểm nhấn cho mối quan hệ giữa hai nước. Chúng ta đã có mối liên kết thực sự vững chắc giữa các cơ sở giáo dục ở New Zealand và Việt Nam ở mọi cấp, có nhiều chương trình nghiên cứu và đào tạo chung; đồng thời sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa theo thỏa thuận hợp tác giáo dục mới sắp được ký kết tại Wellington.
Quốc phòng và an ninh là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước. Thời gian qua, hai bên đã có những bước tiến lớn trong một số lĩnh vực như: gìn giữ hòa bình, chống tội phạm xuyên quốc gia như buôn người, đào tạo và phát triển năng lực… Tôi nghĩ chuyến thăm của hai tàu Hải quân Hoàng gia New Zealand tới Việt Nam năm ngoái là một điểm nhấn đặc biệt.
Tôi muốn nói rằng, chương trình hợp tác phát triển giữa hai nước đang có sự chuyển đổi hiệu quả sang lĩnh vực năng lượng sạch, khả năng chống chịu biến đổi khí hậu trong nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cũng như quản lý thiên tai, quản lý rủi ro trong an toàn đập, đặc biệt là tại khu vực sông Mekong.
PV: Bà đánh giá thế nào về vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên toàn cầu? Hai nước dự định sẽ hợp tác như thế nào trên các diễn đàn đa phương?
Bà Wendy Hinton: New Zealand đánh giá Việt Nam là một nhân tố quan trọng trong khu vực và trên toàn cầu. Theo chúng tôi, Việt Nam đã tham gia các khuôn khổ khu vực và quốc tế một cách xây dựng và trách nhiệm, chẳng hạn như hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Các bạn đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc năm 2022.
Chúng ta đã thấy, năm 2023, Việt Nam là điểm đến của hàng loạt các vị lãnh đạo cấp cao các nước; thể hiện là một đối tác ổn định và hướng ngoại. Các nhà lãnh đạo nhiều nước lớn như Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Đức Steinmeier đều đã thăm và đánh giá Việt Nam đang ngày càng có tầm vóc và uy tín trên trường quốc tế, bởi thế họ đến với Việt Nam nhằm phát triển mối quan hệ tốt đẹp, chặt chẽ hơn.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, New Zealand và Việt Nam đã hợp tác hiệu quả trong khuôn khổ các tổ chức và cơ chế đa phương như APEC, các cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm cũng như các sáng kiến hội nhập kinh tế. Hai bên cùng chia sẻ cam kết đối với chủ nghĩa đa phương và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Nhìn lại, New Zealand và Việt Nam đều là thành viên của một số hiệp định thương mại khu vực như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại ASEAN - Astralia - New Zealand (AANZFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các hiệp định này đều được đánh giá là cơ chế tự do, cởi mở và minh bạch dựa trên quy tắc nhằm hỗ trợ hệ thống thương mại toàn cầu. Vì thế, chúng tôi rất ủng hộ và hoan nghênh sự hợp tác của Việt Nam trong các cơ chế này.
Việt Nam là quốc gia nắm vai trò điều phối mối quan hệ đối thoại ASEAN-New Zealand giai đoạn 2024-2027. Điều đó thực sự mang lại cơ hội tuyệt vời để hai nước củng cố và thúc đẩy hợp tác song phương hơn nữa trong các vấn đề khu vực.
PV: Trân trọng cảm ơn Quyền Đại sứ Wendy Hinton!
Từ khóa: New Zealand, Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính, quan hệ Việt Nam - New Zealand
Thể loại: Nội chính
Tác giả: theo việt đức/ttxvn
Nguồn tin: VOVVN