Quy trình lệch pha, doanh nghiệp “đau đầu” vì thủ tục hành chính

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN -Không ít trường hợp doanh nghiệp phải chờ cả năm mới có đủ ý kiến phản hồi của các cơ quan nhà nước.

“Việc doanh nghiệp phải chờ đợi vài ba tháng mới có được một văn bản trả lời từ một Bộ, Ngành là điều không hiếm. Thậm chí, không ít trường hợp phải chờ cả năm mới có đủ ý kiến phản hồi của các cơ quan nhà nước”, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn FLC nhận xét trong Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ vừa diễn ra taị Hưng Yên do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định vùng KTTĐ Bắc Bộ là vùng chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và là vùng kinh tế lớn thứ 2 của cả nước (chiếm 32% GDP, 33% thu ngân sách Nhà nước, 30% xuất khẩu cả nước).

Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn như: chưa phát huy hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, sức cạnh tranh còn hạn chế, liên kết vùng còn hình thức và chưa đi vào thực chất, xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch chưa được chú trọng…

Thủ tướng chỉ ra, trong cùng một vùng kinh tế trọng điểm nhưng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh cũng như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giữa các địa phương chưa đồng đều, thậm chí có sự chênh lệch lớn. Nếu PCI của Quảng Ninh đứng thứ 1 trong khi Hưng Yên lại đứng thứ 58 trên tổng 63 tỉnh, thành phố cả nước.

“Tôi đề nghị quý vị hiến kế làm thế nào, cần có cơ chế gì để giải quyết bài toán điều phối vùng hiệu quả, nhất là những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng”, Thủ tướng nói.

 quy trinh lech pha, doanh nghiep "dau dau" vi thu tuc hanh chinh  hinh 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ


Điểm nghẽn “quy trình”

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốcTập đoàn FLC thẳng thắn chỉ rõ các địa phương tại vùng KTTĐ Bắc Bộ có mục tiêu cạnh tranh thu hút đầu tư mạnh mẽ, nhưng từ mong muốn đến thực hiện có khoảng cách.

Một trong những nguyên nhân quan trọng, theo bà Dung, đến từ yếu tố quy trình: từ quy trình thực hiện đến quy trình phối hợp.

Trong đó, nút thắt ở quy trình thực hiện là đang xảy ra tình trạng mỗi địa phương hiểu một cách khác nhau khi hướng dẫn thủ tục cho nhà đầu tư, thậm chí ngay cả trong một địa phương cũng có cách hiểu thiếu nhất quán.

“Quy định trong Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và Luật nhà ở đang có những điểm lệch pha dẫn đến những cách hiểu và cách áp dụng khác nhau. Hậu quả là nhiều địa phương phải "xếp hàng lên Bộ" xin ý kiến, mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư của địa phương, đến cơ hội đầu tư của Doanh nghiệp”, Tổng giám đốc FLC cho biết.

Yếu tố thứ hai là quy trình phối hợp. Theo bà Dung, vấn đề cải cách hành chính đang rất được quan tâm nhưng vấn đề cải cách quy trình nội bộ trong chính các cơ quan nhà nước lại chưa được đề cập nhiều, từ quy trình phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong một địa phương; giữa các vụ của một Bộ chuyên ngành; giữa các Bộ với nhau và giữa các địa phương với các Bộ/ngành Trung ương.

Chính điều này khiến doanh nghiệp phải chờ đợi vài ba tháng mới có được một văn bản trả lời từ một Bộ, Ngành hay thậm chí, không ít trường hợp phải chờ cả năm mới có đủ ý kiến phản hồi của các cơ quan nhà nước.

“Chúng tôi nhận thấy việc triển khai các thủ tục đầu tư ở vùng Nam Trung Bộ trở vào được thống nhất và nhanh gọn hơn so với khu vực Bắc Bộ, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng”, bà Dung cho hay.

Bên cạnh đó, Tổng giám đốc FLC nhận xét chi phí thực hiện thủ tục hành chính tại vùng KTTTĐ Bắc Bộ cũng đang khá cao so với mặt bằng cả nước. Đơn cử như nhóm thủ tục xây dựng ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đang cao gấp hơn 2 lần trung bình toàn quốc. Riêng khâu chuẩn bị thủ tục hồ sơ khu vực phía Bắc, bao gồm cả chi phí chính thức và tư vấn không chính thức chiếm 86% tổng chi phí thực hiện thủ tục. Tỷ lệ này trung bình cả nước là 67%, miền Nam 24% và miền Trung 61%.

Góp ý cho vấn đề thủ tục, bà Dung kiến nghị khi một địa phương có vướng mắc xin ý kiến thì các Bộ/ngành cần chủ động ra văn bản hướng dẫn chung để các địa phương khác khi gặp trường hợp tương tự có căn cứ thực hiện. Thay vì như hiện nay, cùng một vấn đề nhưng nhiều địa phương cùng làm văn bản hỏi Bộ mà không dám áp dụng theo như văn bản mà Bộ chuyên ngành đã trả lời cho địa phương khác.

 quy trinh lech pha, doanh nghiep "dau dau" vi thu tuc hanh chinh  hinh 2
Bà Hương Trần Kiều Dung, TGĐ FLC nói về những “điểm nghẽn” quy trình trong cải cách hành chính


Bài toán nhân lực

Bàn về các giải pháp liên kết phát triển Vùng KTTĐ Bắc Bộ, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm cho rằng cần xây dựng quy hoạch tổng thể với tầm nhìn dài hạn, tích hợp đa ngành.

Còn theo Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, vùng kinh tế nào cũng cần có một trung tâm đầu tầu. Chúng ta cần phải có một quy hoạch riêng cho Hà Nội, không chỉ là trung tâm kinh tế của vùng Bắc Bộ mà phải là trung tâm kinh tế của cả nước.

Ông Mại cho rằng nên tập trung sâu hơn vào những vấn đề của vùng như đầu tư liên vùng, du lịch liên vùng, môi trường liên vùng…, chứ không nên tập trung vào vấn đề của từng địa phương. Có một nhược điểm rất lớn về đầu tư, đó là hiện tại vẫn chưa tìm thấy vóc dáng của vùng trong KCN.

Địa phương nào cũng có khu công nghiệp nhưng khu công nghiệp nào cũng "na ná" như nhau. Cần phải có khu công nghiệp chuyên biệt để phát triển tại các địa phương như dệt may, công nghệ thông tin… vừa đảm bảo tiếp cận được chuỗi cung ứng toàn cầu vừa đảm bảo việc phân công hiệu quả giữa các địa phương trong vùng, ông Mại nói.

Đề cập đến nguồn nhân lực, ông Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cần phải coi con người là vấn đề quan trọng bậc nhất nếu muốn phát huy vai trò đầu tàu của vùng KTTĐ.

“Tôi muốn đề cập ở đây là lao động có trình độ cao, muốn làm được như thế chúng ta phải có hệ giải pháp để tạo hệ sinh thái đầy đủ về điều kiện sống, không gian sáng tạo, về chia sẻ thông tin, liên kết cụm ngành, trường, các cơ sở thực tiễn… để thu hút nhân tài, thu hút nhân lực chất lượng cao” ông Tuấn nói.

Đồng quan điểm, bà Hương Trần Kiều Dung nhấn mạnh, để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư cũng như hướng tới việc phát triển bền vững của vùng KTTĐ Bắc Bộ thì vấn đề nhân lực luôn là yếu tố then chốt đặc biệt là trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang “bùng nổ”.

Góp phần vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực đó, hiện nay, Tập đoàn FLC đã được sự đồng ý về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Đại học FLC có trụ sở tại Hạ Long, Quảng Ninh với mục tiêu đào tạo theo mô hình thực nghiệm đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt trong ba lĩnh vực là hàng không, du lịch, công nghệ cao.

Tổng giám đốc FLC kỳ vọng với sự quan tâm và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương thì việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo, xã hội hóa công tác đào tạo sẽ ngày càng được đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu phát triển của Vùng KTTĐ Bắc Bộ cũng như Đất nước./.

Từ khóa: Thủ tướng, vùng kinh tế trọng điểm bắc bộ, FLC, đại học FLC,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập