Quy hoạch tổng thể quốc gia, phát triển không gian biển chưa được phác hoạ rõ nét

Cập nhật: 21/12/2022

VOV.VN - Phát triển không gian biển chưa được phác hoạ rõ nét, nhất là vận tải biển và dịch vụ hàng hải, trong khi nước ta có tiềm năng, thế mạnh cần được quan tâm.

Đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh điều này khi cho ý kiến về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chiều 21/12.

Cần phác họa rõ nét

Nêu ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, đây là vấn đề khó, mới, chưa có tiền lệ nhưng Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đã rất nỗ lực, hồ sơ thể hiện sự công phu, đủ điều kiện trình Quốc hội. “Chúng ta cũng không thể cầu toàn được” – ông nói

Tuy nhiên, ông cũng phân tích, phát triển không gian biển chưa được phác hoạ rõ nét, nhất là vận tải biển và dịch vụ hàng hải, trong khi nước ta có tiềm năng, thế mạnh cần được quan tâm.

Dẫn dự thảo nghị quyết quy định danh mục dự án quan trọng quốc gia và danh mục ưu tiên, ông Bùi Văn Cường đề nghị làm rõ cơ sở lựa chọn đưa vào danh mục. Hơn nữa, bên cạnh dự án còn có chương trình thì đó là chương trình gì, có phải chương trình mục tiêu quốc gia hay không?. Danh mục chỉ mang tính dự kiến nên cần làm rõ trình tự, cách thức điều chỉnh bổ sung danh mục khi cần thiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh đề án hết sức quan trọng và nghị quyết của Quốc hội yêu cầu phải hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia trong năm 2022 nên đây chính là nội dung quyết định việc Quốc hội tiến hành kỳ họp bất thường lần 2 để xem xét, quyết định. Quá trình chuẩn bị đã lâu và lãnh đạo Quốc hội tham gia rất sớm chứ không phải đợi Chính phủ gửi sang mới làm.

Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích, quy hoạch tổng thể quốc gia mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng bao gồm những gì, còn nội dung chi tiết nằm ở các quy hoạch khác như quy hoạch đất đai, biển, vùng, ngành, tỉnh... Những quy hoạch này đang làm và có sự kết nối với nhau.

“Quy hoạch tổng thể định hướng, tạo hành lang để các quy hoạch khác phải theo, có kết nối, cộng hưởng, phát huy. Quy hoạch này cũng là giới hạn không gian để quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh... không được phá vỡ” – ông Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Lưu ý quy hoạch phải có “động”, “mở” để có thể điều chỉnh, bổ sung trong quá trình phát triển, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ phân cấp, phân quyền trong điều chỉnh quy hoạch, “không nên sửa tên một dự án cụ thể cũng phải trình Quốc hội”.

Chú trọng kết nối hành lang kinh tế của khu vực và quốc tế

Góp ý vào dự thảo nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết có cơ sở chính trị, pháp lý rõ ràng để xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia; đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và cơ quan chủ trì thẩm tra, hồ sơ chuẩn bị công phu, trên cơ sở ý kiến hôm nay rà soát trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 2.

Đề cập hành lang kinh tế, ông Vương Đình Huệ cho rằng, trước đây quá chú trọng phát triển theo hướng Bắc - Nam. Do đó, nếu không chú trọng thiết kết theo hướng Đông - Tây thì nhiều cơ sở hạ tầng, nhất là các cảng biển hiệu quả sẽ giảm đi rất nhiều.

Hơn nữa, quy hoạch cần chú trọng kết nối các hành lang kinh tế của Việt Nam với các hành lang kinh tế của khu vực và quốc tế vì hiện chưa thật nổi bật. Từng hành lang kinh tế không có nghĩa phải đầu tư đồng bộ, toàn diện ngay mà nên có những đoạn, tuyến quan trọng, cần phải ưu tiên nguồn lực phát triển trước vì đầu tư cả hành lang cần nguồn lực rất lớn.

Báo cáo giải trình thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, đây là đề án rất khó, chưa làm bao giờ nên chưa hình dung hết và phức tạp khi phạm vi rộng. Do đó, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp để hoàn thiện.

Ông cũng cho biết, vấn đề khó nhất, có nhiều ý kiến quan tâm là phạm vi và ranh giới quy hoạch dừng ở mức độ nào. “Nhiều ý kiến cho rằng, quy hoạch còn mờ, thiếu, chưa rõ nhưng nếu chi tiết quá lại trùng vào quy hoạch ngành, tỉnh, vùng thì lại không đúng; mà chung quá lại ở dạng nghị quyết, chiến lược. Quy hoạch tổng thể nằm giữa chiến lược, nghị quyết với quy hoạch chi tiết nên việc xây dựng sẽ cố gắng đảm bảo điều này” – ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, vấn đề mới hiện nay chủ yếu tập trung tạo ra các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng để làm sao tổ chức không gian, tạo động lực mới cho phát triển cân đối, hài hoà, bền vững...

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý để hoàn thiện đề án trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1/2023.

“Cần quán triệt quy hoạch tổng thể không chồng lấn quy hoạch cấp dưới, song vẫn thể hiện mối quan hệ, có mức độ chi tiết phù hợp để làm căn cứ cho quy hoạch khác, tạo sự phát triển bền vững” – ông Nguyễn Đức Hải nói./.

Từ khóa: Quy hoạch tổng thể quốc gia, không gian phát triển biển, quy hoạch hành lang kinh tế, quy hoạch vùng động lực kinh tế, quy hoạch cực tăng trưởng kinh tế

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập