Quy hoạch tổng thể quốc gia phải tính toán chứ không nên ôm đồm

Cập nhật: 07/01/2023

VOV.VN - Đây là quan điểm chung của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sáng nay (7/1).

Quy hoạch cần dự báo mức độ chính xác cao nhất để không gặp phải các hệ lụy về sau

Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, đề nghị cơ quan soạn thảo khi xây dựng quy hoạch tổng thể không để một số nội dung xa rời thực tiễn, cần nghiên cứu, bổ sung thêm những định hướng quan trọng tại các nghị quyết của Bộ Chính trị trong thời gian gần đây. Đặc biệt là các nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của 6 vùng kinh tế trọng điểm và các nghị quyết phát triển các thành phố lớn đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, Quy hoạch cần dự báo mức độ chính xác cao nhất để không gặp phải các hệ lụy về sau, bởi khi dự báo tương đối chính xác chúng ta sẽ có những khung số liệu nền tảng, xây dựng các kịch bản tăng trưởng phù hợp tương ứng với các định hướng phát triển đi kèm với các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế chính sách, được đề xuất mang tính khả thi cao.

Dẫn chứng bằng việc quy hoạch các vùng kinh tế động lực, đại biểu Tuấn cho rằng nếu không dự báo tốt về mức độ di dân đến vùng kinh tế, hoặc chính sách phát triển các vùng kinh tế, đô thị vệ tinh sẽ gặp phải những khó khăn về mật đô dân cư đông cục bộ, gây tắc nghẽn, ngập úng đô thị trong tương lai. “Đây là bài học và vấn đề nhức nhối chúng ta đang gặp phải tại các đô thị lớn trên cả nước”, đại biểu đoàn Trà Vinh nhấn mạnh.

Một trong những yêu cầu quan trọng nữa khi xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề cập đó là cần đề xuất chính sách liên kết vùng một cách thực chất. Đại biểu cũng cho rằng hạn chế hiện nay là không gian phát triển đô thị bị chia cắt theo địa giới hành chính, liên kết vùng hạn chế, một số địa phương phát triển không dựa vào lợi thế của mình. Việc này do thiếu cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển liên kết vùng; còn tình trạng cục bộ địa phương; cơ chế điều phối vùng chưa có thẩm quyền đủ mạnh. Trong khi liên kết vùng là một trong những định hướng quan trọng được các nghị quyết của Bộ Chính trị nhấn mạnh trọng thời gian gần đây, chúng ta đã xác định rõ hạn chế, yếu kém trong liên kết vùng thời gian gần đây.

“Trong quy hoạch cần nêu rõ hơn cơ chế điều phối, chính sách phát triển liên kết vùng làm định hướng, căn cứ cho các quy hoạch khác, đảm bảo phát triển ổn định, bền vững. Cần định hướng phát triển các khu kinh tế ven biển, đây là phần quan trọng của phát triển kinh tế biển của Việt Nam”, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị.

Cùng với đó, đại biểu đoàn Trà Vinh cũng đề nghị làm rõ định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030, đối với 8 khu kinh tế ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư giai đoạn 2016-2020, bao gồm Khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam); Đình Vũ (Hải Phòng); Nghi Sơn (Thanh Hóa); Phú Quốc (Kiên Giang); Vũng Áng (Hà Tĩnh); Nam Phú Yên (Phú Yên); Vân Đồn (Quảng Ninh) và Định An (Trà Vinh). Thực tế hiện nay cho thấy việc triển khai các khu kinh tế này còn rất chậm, đầu tư kết cấu hạ tầng còn hạn chế; cơ chế cho các khu kinh tế chưa vượt trội, hiệu quả đầu tư chưa cao.

Đặc biệt, theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, cần nêu rõ định hướng phát triển đối với khu kinh tế ven biển; bổ sung cơ chế chính sách phát triển khu kinh tế ven biển nhanh, bền vững hơn.

Chưa xác định được sản phẩm du lịch chính, nổi trội của mỗi vùng 

Nhất trí với những nội dung cơ bản trong báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia và cho rằng việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia, công việc khó khăn, phức tạp và đã được chuẩn bị triển khai thận trọng, tích cực, đúng quy trình, bám sát những quy định của Luật Quy hoạch và các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương quy hoạch tổng thể quốc gia chưa xác định được sản phẩm du lịch chính, nổi trội của mỗi vùng.

Để phát triển ngành du lịch trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, Quy hoạch tổng thể cần khắc phục được hạn chế, yếu kém là rào cản cho sự phát triển. Tuy nhiên, trong Quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn có sự dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm khi xác định các sản phẩm du lịch chính của mỗi không gian phát triển du lịch theo vùng. Trong 6 vùng không gian phát triển những sản phẩm du lịch chính được liệt kê gần như giống nhau.

Đại biểu cho rằng, đây là sự liệt kê, tổng hợp tất cả những sản phẩm du lịch hiện đang có của các vùng, chứ không phải là bản quy hoạch tổng thể và chưa xác định được đâu là sản phẩm du lịch chính nổi trội, đặc sắc của mỗi vùng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, khi xác định được sản phẩm du lịch chính chúng ta mới có thể có phương hướng, kế hoạch tập trung để đầu tư phát triển, nếu cứ dàn trải, đầy đủ, đại biểu lo ngại sẽ rơi vào đầu tư manh mún, không có trọng tâm, trọng điểm, thiếu hiệu quả.

Ngoài, ra đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các khái niệm về sản phẩm du lịch, vẫn còn sự lẫn lộn trong khái niệm những sản phẩm được liệt kê như nghỉ cuối tuần, thư giãn cuối tuần, du lịch cuối tuần… không thực sự là khái niệm sản phẩm du lịch, không cùng loại với các sản phẩm du lịch khác như du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm.

Cần chú trọng đến 4 vùng kinh tế trọng lực

Đóng góp ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH TP.HCM đánh giá cao Bản quy hoạch đã định hướng đến việc phát triển kinh tế Việt Nam theo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số...

Đại biểu Trần Anh Tuấn kiến nghị, cần chú trọng đến 4 vùng kinh tế trọng lực. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM cần quan tâm hơn đến đường sắt đô thị... Bởi hiện nay việc phát triển đường sắt đô thị ở hai thành phố trên đang có hướng phát triển, vì thế các đô thị của những vùng động lực này cũng phải tính toán tới sự phát triển của các đường sắt đô thị, kết nối với hạt nhân đang phát triển là Hà Nội và TP.HCM. 

Ngoài ra, về hành lang kinh tế cần phải phát triển kinh tế theo trục Bắc - Nam, với hai hành lang quan trọng là Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh ở phía Bắc và ở phía Nam là TP.HCM, Bà Rịa- Vũng Tàu phải gắn với kinh tế cửa khẩu.

“Theo đó, phải tính toán thêm về kinh tế mậu biên và cửa khẩu. Vì kết nối kinh tế mậu biên và khu vực dọc biên giới, kinh tế biên giới cũng khá quan trọng, có sự giao thoa giữa giữa Việt Nam và các nước lân cận”, đại biểu Trần Anh Tuấn góp ý./.

Từ khóa: quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Quốc hội thảo luận về quy hoạch tổng thể quốc gia, thảo luận về quy hoạch tổng thể quốc gia tại kỳ họp bất thường lần 2

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập