Quy hoạch thủy lợi lưu vực ĐBSCL cần tính chiến lược đa mục tiêu
Cập nhật: 19/07/2024
VOV.VN - Chiều 19/7, tại Hội thảo Quy hoạch thủy lợi lưu vực ĐBSCL thời kỳ 2022 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, nhiều địa phương cho rằng quá trình quy hoạch cần kết hợp nghiên cứu, triển khai các dự án giải quyết vấn đề cấp bách. Tuy nhiên, những dự án này cần phải tạo được hạ tầng cơ bản mang tính đột phá, làm nền tảng cho những chiến lược lâu dài giải quyết đa mục tiêu trong tương lai.
Lưu vực ĐBSCL nằm ở hạ lưu lưu vực sông Mekong, bao trùm đất liền 13 tỉnh thành với diện tích 39.400 km2 (chiếm 12% diện tích cả nước, 5% diện tích lưu vực và 79% diện tích toàn châu thổ). Dân số tại đây chiếm khoảng 75% dân số sản xuất nông nghiệp. Đây là khu vực có vai trò quan trọng, đóng góp trên 50% sản lượng lương thực quốc gia; chiếm 90% sản lượng gạo xuất khẩu; cung cấp 70% sản lượng trái cây; 40% sản lượng thủy sản đánh bắt và khoảng 75% sản lượng nuôi trồng cả nước.
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, ĐBSCL đang chuyển dịch từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Chính vì vậy thủy lợi cần phải được định hướng phục vụ linh hoạt các mô hình sản xuất có thể thay đổi theo nhu cầu thị trường, thủy lợi phải hỗ trợ được nhiều khâu hơn trong cả quy trình sản xuất nông nghiệp.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù khu vực này được nhận định rất quan trọng, tuy nhiên hệ thống thủy lợi của khu vực này còn yếu và thiếu, tồn tại nhiều thách thức. Thời gian qua sản xuất nông nghiệp đối diện nhiều vấn đề lớn, như: ngập lụt, xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước ngọt. Vì vậy, trong quy hoạch thủy lợi giai đoạn 2022 - 2030 tầm nhìn 2050, cần có tầm nhìn và chuyển tư duy thủy lợi phục vụ sang cung cấp dịch vụ đa mục tiêu; gắn với không gian sống, không gian văn hóa, du lịch; có tính tư duy chiến lược, tầm nhìn dài hạn. Những danh mục đầu tư khi triển khai phải có tính chủ động sát với những vấn đề của địa phương, vùng và liên vùng...
Cụ thể, quy hoạch này cần lưu ý hình thành các hệ thống kiểm soát nguồn nước quy mô lớn, liên vùng; vấn đề chuyển nước ngọt cho vùng ven biển; lưu ý đề xuất chi tiết việc xây dựng các hồ chứa nước;... Về giải pháp, ngoài việc hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng các tuyến đê bao, cần nạo vét kênh và gia cố tuyến kè sạt lở bờ sông, hệ thống cống ngăn mặn cho trồng trọt,... Đặc biệt là những giải pháp về hệ thống có sự ảnh hưởng liên tỉnh, liên vùng, những giải pháp cho nuôi trồng thủy sản cũng cần chi tiết hơn.
Trao đổi tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: quy hoạch này cần đảm bảo phù hợp, có tính chi tiết, kế thừa với những quy hoạch vùng, địa phương trước đó, đồng thời, cần tính toán các phương án thủy lợi của địa phương.
"Những vấn đề cần phải cụ thể hóa mà cần làm ngay, một là nước sạch nông thôn, nước cho sinh hoạt, nước cho sản xuất... thì trong tất cả các quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia đều khẳng định là vùng ĐBSCL phải có hệ thống tích nước không tập trung tạm gọi là hồ chứa có thể là những hồ chứa nhỏ không tập trung phân tán. Phải theo thực tế chứ ĐBSCL không thể làm hồ chứa lớn được. Hiện trong những nghiên cứu kể cả các quy hoạch quốc gia cũng cho biết không thể xây dựng hồ tập trung ở khu vực này", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Từ khóa: thủy lợi, quy hoạch thủy lợi, đồng bằng sông cửu long, quy hoạch đbscl, phát triển kinh tế đbscl
Thể loại: Xã hội
Tác giả: nguyễn quang/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN