Quy hoạch theo vùng, giải pháp căn cơ cho TPHCM
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN -Kẹt xe, ngập nước... đang trở thành vấn đề nhức nhối của TPHCM. Nếu không có lời giải cho bài toán quy hoạch đô thị,TP sẽ không thể phát triển bền vững.
Trước hết, có thể khẳng định nguyên nhân tạo nên những bức xúc về ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường… của TPHCM bắt nguồn từ quá trình đô thị hóa mất kiểm soát, nhất là sự gia tăng của dân số vượt tầm dự báo. Song song với đó, yếu tố phân bố dân cư của TPHCM đang ở tình trạng: “đất chật thì người đông, đất rộng thì dân cư thưa thớt”, cũng dẫn tới việc khu vực nội đô quá tải.
Đơn cử, Quận 4 nằm ở khu vực trung tâm thành phố có diện tích chưa đến 5 km2, nhưng có đến hơn 200.000 dân sinh sống, trong khi diện tích của huyện Cần Giờ với 704 km2 (hơn Quận 4 khoảng 140 lần) nhưng dân số chỉ có 70.000 người. Sự phân bố dân cư không đều còn thể hiện qua việc, hai huyện Củ Chi và Cần Giờ chiếm 54% tổng diện tích của thành phố, nhưng dân số chỉ chiếm khoảng 10%. Sự chênh nhau về diện tích, dân số, phát triển kinh tế… giữa các vùng đang được cho là nguyên nhân tạo ra nhiều bất cập trong quy hoạch của TPHCM.
Kẹt xe, ngập nước... đang trở thành vấn đề nhức nhối của TPHCM (Ảnh minh hoạ: KT) |
Giãn dân ở các vùng trung tâm ra các vùng ven là bài toán được các nhà quy hoạch của TPHCM tính tới với việc xây dựng các đô thị vệ tinh, phát triển kinh tế ở vùng ven. Để làm được điều này thì phải luôn gắn với xây dựng hạ tầng và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Muốn vậy, TPHCM phải để hạ tầng giao thông đi trước một bước nhằm kết nối khu vực nội thành với các vùng ngoại thành, từ đó mới có thể giãn sự tập trung dân số ở khu vực trung tâm.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Võ Văn Sen, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM đề xuất việc xem xét công tác quản lý đô thị nói chung và quản lý giao thông của TPHCM không chỉ dừng ở phạm vi của thành phố mà cần xem xét mối tương quan với các tỉnh, thành phố lân cận: “Hệ thống giao thông và việc kết nối giữa các vùng, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm. Từ đó, chúng ta góp phần giải quyết điểm yếu về kinh tế vùng còn nặng tính hình thức. Giao thông cũng là chất xúc tác để khắc phục bớt điểm yếu này”.
Bên cạnh đó, cũng theo các chuyên gia, để giải bài toán quy hoạch của TPHCM thì mục tiêu xuyên suốt là thực hiện quy hoạch vùng. Đây là lối thoát căn cơ để giải quyết vấn nạn kẹt xe, ngập nước và ô nhiễm môi trường mà thành phố đang gánh chịu hiện nay. Về quy hoạch tổng thể, thành phố phải có quy hoạch đô thị khu vực trung tâm và khu vực vệ tinh theo hướng phát triển chùm đô thị đa cực. Từ đó, sẽ giúp giãn dân ở khu vực trung tâm, tạo điều kiện giảm áp lực về kẹt xe, quá tải kết cấu hạ tầng, đồng thời tạo khả năng kết nối giao thông thuận tiện giữa đô thị hạt nhân và đô thị vệ tinh.
“Chúng tôi đề xuất cách làm có tính tương tác cao, chia sẻ giữa các ngành; tập trung vào phân tích số liệu, dự báo cũng như yêu cầu của thành phố định hướng kinh tế - xã hội. Chúng tôi cố gắng thực hiện theo mô hình quy hoạch tích hợp và quy hoạch hành động trong đồ án này”, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM nói.
Về vấn đề tầm nhìn quy hoạch của thành phố, theo Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, sẽ có một cơ chế phối hợp để các vùng cùng phát triển mạnh lên, thu nhập cao hơn từ đó giúp giảm áp lực người dân đổ về thành phố. Tầm nhìn của quy hoạch vùng TPHCM phải chọn những ngành công nghiệp dịch vụ cần lao động công nghệ cao, có tiêu chí vốn đầu tư, từ đó mới giảm áp lực tăng dân số tự nhiên.
“Chúng ta buộc phải làm chức năng vùng là chuyển giao công nghệ và tri thức cho các vùng. Cho nên quy hoạch của thành phố phải gắn với quy hoạch xung quanh, làm chức năng hỗ trợ các địa phương xung quanh cùng phát triển”, ông Nhân nhấn mạnh.
Tóm lại, chìa khóa để TPHCM phát triển bền vững là phải gắn quy hoạch riêng với cả vùng. Từ đó, các bộ ngành Trung ương và cơ quan quản lý của thành phố cần phải thống nhất chủ trương, đưa ra đường hướng cụ thể, triển khai bài bản và đồng bộ. Thành phố cần nghiên cứu kỹ cơ chế, thay đổi tư duy quản lý, tập trung đầu tư mạnh mẽ, có định hướng cụ thể và dài hạn./.
Từ khóa: quy hoạch đô thị, kẹt xe, ngập nước, TPHCM, đô thị hoá,
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN