Quy hoạch Đồng Nai để thúc đẩy tăng trưởng đột phá
Cập nhật: 03/03/2024
VOV.VN - Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai là địa phương phát triển công nghiệp từ rất sớm. Tuy nhiên, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của tỉnh có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân là các điều kiện từng là lợi thế trước đây đang dần cạn kiệt. Để lấy lại “phong độ”, Đồng Nai cần có quy hoạch bài bản cho thời kỳ tiếp theo.
Từng là địa phương có khu công nghiệp sớm nhất cả nước, đến nay Đồng Nai có 31 khu công nghiệp đang hoạt động. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của tỉnh giảm so với các năm trước, ở mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Theo ông Phạm Văn Cường – Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai, quỹ đất khu công nghiệp hiện đã lấp đầy khoảng 86%. Phần diện tích còn lại khoảng 300 ha nhưng nằm rải rác, khó đáp ứng được yêu cầu quỹ đất lớn của doanh nghiệp.
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đề án Chuyển đổi công năng khu công nghiệp lâu đời nhất (Khu công nghiệp Biên Hoà 1) thành trung tâm hành chính và khu đô thị thương mại.
Đây có thể xem là cú hích lớn giúp thay đổi bộ mặt đô thị, tạo sức hút đầu tư và thể hiện tầm nhìn dịch chuyển dần từ phụ thuộc vào công nghiệp sang phát triển thương mại – dịch vụ. Đồng thời, thu hút công nghiệp cũng có sự thay đổi.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết: “Đồng Nai đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường, do đó các dự án phải được sàng lọc về môi trường không để như trước đây. Xu hướng đầu tư mới sắp tới cũng sẽ thay đổi, lực lượng lao động được chọn lọc cũng phải có chất lượng”.
Ông Võ Tấn Đức - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, tỉnh đang hội tụ nhiều lợi thế phát triển mà không phải địa phương nào cũng có được. Đây là cơ hội và tiềm năng để tỉnh có thể bố trí không gian phát triển kinh tế - xã hội mang tính ổn định và bền vững.
Đối với công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tỉnh Đồng Nai xác định địa phương này là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam và là một trong 10 thành phố đáng sống nhất châu Á. Theo đó, đến năm 2030, tỉnh dự kiến sẽ có 17 đô thị, Long Khánh và Nhơn Trạch lên thành phố.
Về vấn đề phát triển đô thị, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, cần hướng đến 3 mục tiêu gồm: nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị; giá trị kinh tế, kết nối giao thương cao hơn và tạo sự kết nối với toàn cầu.
Đồng thời, phát triển các đô thị trên địa bàn tỉnh cũng phải chăm lo, tạo bản sắc riêng của Đồng Nai. Đưa các đô thị trở thành động lực phát triển cho cả tỉnh. Về quan điểm phát triển đô thị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, phải lấy con người làm trung tâm.
“Phải tư duy vùng đất này phục vụ cho nhân dân ở đây, không có mục tiêu nào khác. Những khu đất đẹp nhất, hãy suy nghĩ làm gì để phục vụ cho nhân dân tốt nhất. Hạ tầng xã hội, hạ tầng đô thị đầy đủ chưa, người dân đã được đáp ứng đầy đủ để có cuộc sống tốt nhất chưa, như vậy mới là đô thị tốt” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nói.
Đồng Nai đang bước vào một thời kỳ phát triển mới, do đó đòi hỏi một quy hoạch với tầm nhìn mới, hiện đại, dài hơi và chất lượng cao. Đây không còn là thời kỳ chỉ tập trung vào công nghiệp lạc hậu mà phải là công nghệ cao, kết hợp dịch vụ thương mại để phù hợp với xu thế chung.
Từ khóa: Đồng Nai, Quy hoạch,phát triển kinh tế, tăng trưởng,quy hoạch đồng nai
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: duy phương/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN