Quy hoạch báo chí: Cần giám sát chặt chẽ, tránh “bình mới rượu cũ”
Cập nhật: 21/06/2020
VOV.VN - Kỷ niệm 95 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam cũng là thời điểm nước ta đang tái cơ cấu báo chí hay nói cách khác là quy hoạch báo chí.
Đây được xem là cơ hội để báo chí phát triển đúng hướng, chính quy, bài bản, lành mạnh hơn, tránh chồng chéo, lãng phí và góp phần ngăn chặn được những vi phạm trong hoạt động báo chí. Tuy nhiên, sự thay đổi về quy mô hoạt động, tôn chỉ mục đích, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nhiều cơ quan báo chí. Vậy quy hoạch báo chí tác động thế nào đến người làm báo?
Cách đây 5 năm, Hà Thu, nguyên phóng viên tạp chí Hàng Không sang "đầu quân" cho báo Giao thông sau quyết định của Bộ Giao thông vận tải về thực hiện quy hoạch các đơn vị báo chí trong ngành. Không chỉ riêng Hà Thu, phóng viên của 7 cơ quan báo chí thuộc Bộ này đã về hợp nhất tại báo Giao thông và tạp chí Giao thông vận tải.
Trước tình trạng dôi dư nhân lực sau hợp nhất, nhiều người đã tự nghỉ việc, thậm chí bỏ hẳn nghề làm báo. 6 người làm công tác phóng viên của tạp chí Hàng Không về làm việc tại báo Giao thông như Hà Thu đều bỏ việc sau 1 thời gian công tác tại đơn vị hợp nhất, phần nhiều là do áp lực công việc.
Quy hoạch báo chí tác động thế nào đến người làm báo? (Ảnh minh họa: KT) |
“Khi còn công tác tại tạp chí Hàng Không, công việc rất đơn giản, mỗi tuần chỉ 3 ngày là làm xong công việc, nhưng khi chuyển sang báo giao thông mỗi ngày phải viết 2 bài, 4 tin, thực sự áp lực nên tôi nghỉ việc…” - chị Hà Thu nói.
Việc quy hoạch sáp nhập nhiều cơ quan báo chí tác động tới công việc và tâm tư của một bộ phận phóng viên là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được, khi tái cơ cấu các đơn vị báo chí thuộc Bộ Giao thông vận tải đã khắc phục được tình trạng chồng chéo về nội dung, lãng phí về nhân lực, kinh phí. Doanh thu của đơn vị đã tăng khoảng 4 lần so với trước khi hợp nhất.
Sau mô hình tái cơ cấu 7 đơn vị báo chí của Bộ Giao thông vận tải, đầu tháng tư năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Theo đó, đến hết năm nay, mỗi tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, Bộ, cơ quan ngang bộ sẽ chỉ còn 1 cơ quan báo và 1 tạp chí.
Thực hiện việc này, thời gian qua đã có 18 tờ báo của các tổ chức hội đã chuyển thành tạp chí. Theo ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập tạp chí Đời sống và Pháp luật, một tờ báo trở thành tạp chí là một vấn đề lớn, tạo ra một sự thay đổi không nhỏ trong mỗi tòa soạn.
“Chúng tôi phải cải cách lại cơ cấu tòa soạn, điều đó là đương nhiên vì một tòa soạn vận hành hoàn toàn khác một tờ tạp chí; các kỹ năng, đặc biệt là tư duy tiếp cận đề tài, tư duy tác nghiệp từ phóng viên đến biên tập viên, thư ký tòa soạn phải thay đổi toàn bộ” - ông Nguyễn Tiến Thanh cho biết.
Quy hoạch báo chí buộc nhiều đơn vị phải thay đổi tôn chỉ mục đích, tạo ra một áp lực không nhỏ đối với người làm báo. Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, cơ cấu, tổ chức của nhiều cơ quan báo chí đang được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả nhưng điều không mong muốn là tình trạng dôi dư nhân lực đã xảy ra. Cùng với đó, 1 bộ phận người làm báo phải thay đổi môi trường, lĩnh vực công tác, đòi hỏi phải thay đổi để thích ứng, thậm chí đứng trước sự lựa chọn có tiếp tục làm nghề hay không?
“Trước hết, với tình đồng nghiệp, đại diện cho tổ chức xã hội nghề nghiệp, Hội nhà báo Việt Nam, ngay thời gian đầu đã quan tâm vấn đề việc làm mà người làm báo chịu tác động bởi quy hoạch. Vấn đề này, cơ quan có trách nhiệm cần giải quyết thỏa đáng, nhất là về công ăn việc làm cho người làm báo…” - ông Hồ Quang Lợi nêu rõ.
Nhiều cơ quan báo chí đã phải thay đổi cơ quan chủ quản hoặc đang phải dừng hoạt động, để tiến hành sắp xếp, thực hiện quy hoạch báo chí. Chẳng hạn như Thời báo Kinh tế Việt Nam thuộc Hội Khoa học kinh tế Việt Nam và Báo Nhân đạo và Đời sống của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam dừng hoạt động xuất bản báo từ ngày 17/1/2020… Thậm chí khi thực hiện quy hoạch, có những tờ báo không còn nữa...
Trước những khó khăn vừa nêu, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, sẽ có những điều chỉnh phù hợp trong lộ trình thực hiện để giảm tác động cho đội ngũ những người cầm bút.
“Khi chuyển từ mô hình này sang mô hình khác bao giờ cũng có những tâm tư, thậm chí có những vướng mắc về mặt thủ tục. Cơ quan quản lý nhà nước chúng tôi cố gắng có những chính sách quản lý mới để phù hợp với xu thế mới, xu thế công nghệ, cố gắng theo hướng không áp đặt” - Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nói.
Dù phải giải quyết những khó khăn không nhỏ trong quá trình thực hiện quy hoạch nhưng chắc chắn tái cơ cấu sẽ mang lại diện mạo mới cho nền báo chí nước nhà. Nhà báo Trần Ngọc Kha, Thư ký tòa soạn tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị cho rằng thực hiện quy hoạch báo chí lần này là một cuộc cách mạng. Ngay sau chuyển đổi đã bớt được những bài báo kiểu “đếm tầng”, thiếu xây dựng, giật gân câu khách.
“Tôi rất mừng vì những giá trị đích thực của nhà báo, của tờ báo đang được trở lại. Đó là điều mà những người làm báo chân chính, tử tế đang khát vọng vô cùng. Tôi hy vọng công cuộc này sẽ không "đánh trống bỏ dùi” - nhà báo Trần Ngọc Kha bày tỏ
Quy hoạch báo chí là một đòi hỏi cấp thiết hiện nay nhằm khắc phục những tồn tại do trước đây cấp phép theo kiểu “trăm hoa đua nở”. Công cuộc đổi mới, tái cơ cấu này xuất phát từ lợi ích của nhân dân trong việc tiếp cận thông tin nên được ví là một đợt “sàng lọc tự nhiên” đối với những người làm nghề.
Tất nhiên, việc thực hiện quy hoạch cần được giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng “bình mới rượu cũ”, “báo hóa tạp chí”. Trong công cuộc đó cũng đòi hỏi người làm báo, dù ở đơn vị chịu ảnh hưởng của việc quy hoạch hay không đều phải hướng đến mục tiêu cao cả của báo chí là phát triển lành mạnh, thực hiện tốt hơn vai trò binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng văn hóa./.
Từ khóa: quy hoạch báo chí, tái cơ cấu báo chí, người làm báo, 95 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN