Quỹ góp vốn của cựu chiến binh giúp người dân biên giới thoát nghèo

Cập nhật: 10/10/2024

VOV.VN - Hiện huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An còn 286 hộ nghèo và 769 hộ cận nghèo. Dự kiến cuối năm 2024, hộ nghèo trên địa bàn huyện chỉ còn 201 hộ (chiếm 1,43%) đạt 100% kế hoạch giảm nghèo.

Những năm qua, diện mạo ở Vĩnh Hưng một huyện vùng sâu, biên giới của tỉnh Long An có nhiều chuyển biến rõ nét. Đời sống bà con khấm khá hơn với nhiều căn nhà, khu dân mới mọc lên khang trang. Địa phương luôn tạo điều kiện cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, học nghề, hỗ trợ con giống... Đặc biệt qua công tác dân vận, những hoạt động này tiếp tục được nhân rộng và đã giúp nhiều hộ dân có thêm động lực thoát nghèo ổn định cuộc sống.

Góp vốn cùng thoát nghèo

Gần 30 năm di cư từ miền Bắc vào xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An sinh sống, công việc mưu sinh của cựu chiến binh Trần Đình Sáu là chạy xe ôm. Bệnh tật triền miên khiến thu nhập của ông cũng rất bấp bênh, mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn.

Từ năm 2019, với số tiền 18 triệu đồng vay, với lãi suất thấp từ “Quỹ góp vốn xoay vòng” của hội cựu chiến binh xã, gia đình ông Sáu dùng thêm chút tiền tích góp, mạnh dạn mua một máy xới đất, mướn ruộng và được tư vấn mua hạt giống, phân bón về trồng rau.

Có sinh kế mới, thu nhập từ công việc này trung bình khoảng 300.000 đồng/ngày, cuộc sống từ đó ổn định hơn. Sau gần 5 năm vay vốn, gia đình ông Sáu đã trả hết số tiền vay.  

Ông Sáu mất, bà Lương Thị Mơ vợ ông tiếp quản công việc này và đưa gia đình thoát nghèo.

Vào Nam với hai bàn tay trắng, nay gia đình nhờ nguồn quỹ này mà có vốn trồng rau, thoát nghèo. Nguồn vốn này rất có ý nghĩa với bà con, không chỉ giúp gia đình tối thoát nghèo, mà còn tiếp sức để 2 người con hoàn thành tốt nghiệp đại học và trở về phụ giúp gia đình. Bà Lương Thị Mơ xúc động.

Mô hình “Quỹ góp vốn xoay vòng” của xã Vĩnh Thuận tiếp tục được nhân rộng. Nhiều hộ gia đình khó khăn khác cũng mạnh dạn vay để tạo “cần câu cơm” ổn định mỗi ngày.

Gia đình ông Nguyễn Đồng Hương, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng mạnh dạn vay 18 triệu đồng từ nguồn quỹ này và thêm 50 triệu đồng nữa từ Ngân hàng chính sách để cho con gái mở cơ sở sơ chế nông sản. Cơ sở này mang lại thu nhập tốt và còn tạo thêm việc làm ổn định cho 4 người dân địa phương.

Theo ông Nguyễn Đồng Hương, tháng 3/2019, từ sự tham gia đóng góp của 19 hội viên cựu chiến binh, nguồn vốn của “Quỹ góp vốn xoay vòng” có khoảng 109 triệu đồng. Đến nay, từ nguồn lãi cho vay, số vốn của Quỹ đã tăng lên 125 triệu.

Có 14 lượt hộ nghèo tiếp cận được nguồn vốn này để thoát nghèo bền vững. Từ nguồn lãi vay ít ỏi, chi hội dành để chăm lo cho hội viên của xã. Mô hình này cũng lan tỏa qua nhiều xã lân cận.

Trước đây thăm hội viên đau ốm chỉ có 200 ngàn, nay khi đến thăm hội viên bệnh sẽ gửi bao thư quan tâm 400 ngàn. Mai táng phí trước khoảng 200 ngàn nhưng nay được quan tâm 500 ngàn. Trước đó, khi hội chưa có nguồn quỹ, hội viên nhận kỷ niệm chương thì chỉ được trao hiện vật, nay hội cũng quan tâm tặng thêm 400 ngàn, để hội viên thấy được sự quan tâm khi tham gia và đẩy mạnh công tác hội. Ông Nguyễn Đồng Hương chia sẻ. 

Vùng biên Vĩnh Hưng thoát nghèo

Giai đoạn đầu huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An có 477 hộ nghèo (chiếm 3,42%), gần 900 hộ cận nghèo (chiếm 6,39%). Nguyên nhân nghèo chủ yếu là người dân không có đất sản xuất, không có nghề nghiệp ổn định, gia đình đông con, bệnh nan y,...

Bên cạnh nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được phân bổ, nguồn huy động, vận động xã hội hoá, các ban ngành đoàn thể địa phương chủ động hiến kế, tạo ra những mô hình ý nghĩa và thiết thực sát với thực tiễn đặc thù vùng biên, như: chung tay xóa nhà tạm, dột nát; Quỹ góp vốn xoay vòng; Đa dạng hóa sinh kế; Chuyển đổi cây trồng vật nuôi; Vĩnh Hưng xanh, sạch, đẹp, thanh bình…

Những mô hình khi lan tỏa đã tạo được hiệu quả chỉnh trang đô thị, giảm dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị.

Hiện nay, tổng số hộ nghèo của toàn huyện còn 286 hộ và 769 hộ cận nghèo. Dự kiến cuối năm, hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 201 hộ (chiếm 1,43%) đạt 100% kế hoạch giảm nghèo.

Ông Võ Hồng Lĩnh, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Hưng cho biết: Trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách luôn chú trọng tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội.

Nhìn chung đến nay đời sống bà con huyện Vĩnh Hưng vẫn còn nhiều khó khăn, những mà có mức phát triển tốt hơn rất nhiều so với mức khởi điểm trước đây. Cụ thể nhất là luôn được địa phương quan tâm về nhà ở, mức sống, điều kiện hoàn cảnh về vật chất, tinh thần… để giúp bà con ổn định. Qua đó đây chính là động lực để bà con chung tay cùng địa phương hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới vào năm 2025. Ông Lĩnh nói.

Tính đến tháng 9/2024, toàn tỉnh Long An có hơn 960 mô hình “Dân vận khéo”. Trong đó, lĩnh vực kinh tế có hơn 180 mô hình; văn hóa - xã hội gần 560 mô hình; quốc phòng - an ninh hơn 80 mô hình, còn lại là lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị với gần 140 mô hình.

Các hoạt động của Mặt trận - đoàn thể không chỉ góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần mà còn vận động Nhân dân xây dựng lối sống lành mạnh, giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Từ khóa: Biên giới thoát nghèo, Vĩnh Hưng,Long An,xã Vĩnh Thuận,campuchia,vùng biên,Quỹ góp vốn xoay vòng,biên giới thoát nghèo

Thể loại: Xã hội

Tác giả: nguyễn quang/vov-tp.hcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan