Quy định mới về giảng viên khi mở ngành đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ
Cập nhật: 26/02/2022
Công an Lai Châu bắt 12 đối tượng lừa đảo qua mạng tại Campuchia
Thuê căn hộ cao cấp để bán ma túy, 2 thanh niên lĩnh hơn 31 năm tù
[VOV2] - Bộ GD-ĐT vừa ban thành Thông tư 02 Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ thay thế cho Thông tư số 09/2017 và Thông tư số 22/2017.
Các quy định về mở ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại Thông tư 02 được điều chỉnh, bổ sung bảo đảm thống nhất với các quy định của Luật Giáo dục đại học đã được sửa đổi cũng như các văn bản, quy định khác.
Theo đó, điều kiện về đội ngũ giảng viên khi mở ngành đào tạo, Thông tư mới đã có những bổ sung, làm rõ. Giảng viên phải đảm bảo đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng để tổ chức thực hiện chương trình đào tạo. Trong đó, giảng viên thỉnh giảng chỉ đảm nhận tối đa 30% khối lượng giảng dạy; các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, giảng viên thỉnh giảng có thể đảm nhận tối đa 40% khối lượng giảng dạy.
Cụ thể, khi mở ngành đào tạo trình độ đại học phải có ít nhất 1 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học của các ngành khác, có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.
Trường hợp ngành đào tạo dự kiến mở là ngành ghép bởi các ngành học từ các nhóm ngành khác nhau, hoặc ngành đào tạo mang tính liên ngành được sắp xếp đồng thời vào một số nhóm ngành khác nhau, yêu cầu mỗi ngành được ghép phải có ít nhất 01 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu.
Có ít nhất 5 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình, trong đó mỗi thành phần của chương trình đào tạo phải có giảng viên với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy; Riêng đối với các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo Thể dục, thể thao, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, phải bảo đảm tối thiểu có 3 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp.
Có đội ngũ giảng viên thực hiện chương trình đào tạo bảo đảm đủ cho 2 năm học đầu của chương trình đào tạo và bảo đảm mỗi học phần của chương trình đào tạo phải có ít nhất 2 giảng viên có chuyên môn phù hợp đảm nhiệm, bảo đảm tỉ lệ sinh viên trên giảng viên theo quy định.
Khi mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, thông tư 02 quy định, có ít nhất 05 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 3 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.
Riêng các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo Thể dục, thể thao, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật thông tư quy định phải có ít nhất 3 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu.
Đối với việc mở ngành đào tạo tiến sĩ, thông tư mới quy định rõ, có ít nhất 1 giáo sư hoặc 2 phó giáo sư và 3 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.
Thông tư cũng lưu ý, các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo Thể dục, thể thao, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, phải có ít nhất 1 giáo sư hoặc 1 phó giáo sư và 2 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu.
Thông tư cũng lưu ý, khi mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, các cơ sở đào tạo phải bảo đảm về số lượng và tiêu chuẩn của người hướng dẫn nghiên cứu sinh theo quy định tại quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe, ngoài việc phải đảm bảo các quy định “cứng” theo từng trình độ đào tạo thì giảng viên và người hướng dẫn thực hành các môn học, học phần liên quan đến khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đã hoặc đang làm việc trực tiếp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo ngành thuộc lĩnh vực sức khoẻ theo quy định của Chính phủ về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe.
Ngoài ra, Thông tư 02 cũng quy định rõ về điều kiện cơ sở vật chất khi mở ngành đào tạo. Trong đó, việc mở ngành trình độ đại học yêu cầu phải bảo đảm tối thiểu đầy đủ cho 2 năm học đầu của chương trình đào tạo, và phải có kế hoạch, phương án đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị cho các năm học tiếp theo của toàn khóa học để từ năm học thứ 3 chậm nhất trước 01 năm tính đến thời điểm bắt đầu diễn ra năm học mới phải bảo đảm có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất theo yêu cầu của chương trình đào tạo cho từng năm học của khóa học.
Phải có kế hoạch cụ thể về phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành với diện tích và các thiết bị phù hợp với số lượng sinh viên thực hành, thí nghiệm tại mỗi bàn và mỗi thiết bị trong mỗi phòng thí nghiệm, phòng thực hành và phù hợp với quy mô đào tạo theo yêu cầu của chương trình đào tạo cho từng năm học của khóa học và phải có cam kết trong đề án mở ngành đào tạo.
Cơ sở đào tạo bị đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo đối với ngành đã được mở khi có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc vi phạm của cơ sở đào tạo ở một trong các trường hợp sau:
-Tự chủ mở ngành khi chưa đủ điều kiện để được tự chủ mở ngành theo quy định.
-Tự chủ mở ngành khi chưa đủ một trong các điều kiện được mở ngành đào tạo theo quy định tại Thông tư này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Cơ sở đào tạo bị đình chỉ hoạt động ngành đào tạo phải thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người học, nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên của cơ sở đào tạo và không được tự chủ mở ngành đào tạo trong thời hạn 5 năm, kể từ khi có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc vi phạm của cơ sở đào tạo.
Đối với ngành đào tạo đã được mở nhưng trong thời gian 3 năm liên tiếp (đối với đào tạo trình độ đại học) và 5 năm liên tiếp (đối với đào tạo trình độ thạc sĩ hoặc trình độ tiến sĩ) cơ sở đào tạo không tổ chức tuyển sinh hoặc không tuyển sinh được thì quyết định mở ngành đối với ngành này của cơ sở đào tạo hết hiệu lực.
Nếu cơ sở đào tạo muốn tiếp tục tuyển sinh và tổ chức đào tạo ngành này, cơ sở đào tạo phải thực hiện lại trình tự, thủ tục mở ngành theo quy tại Thông tư 02 và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Từ khóa: Thông tư, đào tạo đại học, tiến sĩ, thạc sĩ, mở ngành, điều kiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo, giảng viên
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2