Quy định hoãn xuất cảnh ngăn cán bộ “dính chàm” bỏ trốn
Cập nhật: 28/10/2019
VOV.VN - Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam quy định hoãn xuất cảnh người bị kiểm tra, xác minh có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật, Thượng tướng Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh cho biết, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH và căn cứ tình hình thực tiễn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp: “Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”.
Ông Võ Trọng Việt trình bày báo cáo giải trình tiếp thu dự án luật |
Dự thảo cũng quy định tạm hoãn xuất cảnh với “người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án”, “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế” và “người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”.
Góp ý kiến vào nội dung này, đại biểu Y Nhàn (đoàn Kon Tum) nhấn mạnh, hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng. Người mà qua thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm thường sẽ bị xử lý, có thể chuyển sang xử lý hình sự. Tuy nhiên thực tế có trường hợp bỏ trốn gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra cũng như xử lý.
Nữ đại biểu cũng phân tích, Bộ luật Hình sự quy định các mức độ phạm tội từ “ít nghiêm trọng”, “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng” đến “đặc biệt nghiêm trọng” với mức án tương ứng. Để phòng ngừa việc người vi phạm bỏ trốn sau khi thanh tra, kiểm tra cũng như xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn thì cần tạm hoãn xuất cảnh ngay mà không cần đến mức “vi phạm đặc biệt nghiêm trọng” như dự thảo.
Đại biểu Y Nhàn thảo luận trên Hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam |
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Uỷ ban Quốc phòng – An ninh) thì để nghị bỏ quy định tạm hoãn xuất nhập cảnh với: “Người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người được tạm hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”.
Lý do, theo ông Nguyễn Mai Bộ, trong Luật Thi hành án hình sự thì các đối tượng này không được xuất cảnh nên không có câu chuyện “hoãn” nữa.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) thì lưu ý những quy định liên quan đến hạn chế quyền tự do xuất cảnh, nhập cảnh của công dân cần phải nghiên cứu kỹ vì đây là quyền hiến định và liên quan đến công ước mà Việt Nam đã ký kết.
“Gần đây có trường hợp đáng lẽ phải ngăn chặn xuất cảnh nhưng không ngăn chặn được nên việc thiết kế quy định là cần thiết. Nhưng nói “có đủ căn cứ” thì căn cứ này do ai quyết định và quyết định sai thì ai chịu?” – ông Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề.
Vị luật sư này cũng phân tích thêm, căn cứ đó phải bằng quyết định tư pháp hoặc quyết định hành chính. Nếu quyết định sai, ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân thì họ có thể khởi kiện. Do đó, trong trường hợp này phải thiết kế quy định tố tụng để công dân thực hiện quyền khởi kiện bên cạnh quyền khiếu nại, tố cáo./.
Tạm hoãn xuất cảnh đối với vợ chồng ông Trần Vũ Hải
Từ khóa: Luật xuất cảnh nhập cảnh, ngăn chặn bỏ trốn, hoãn xuất cảnh
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN