Quy định của Bộ luật Hình sự về các tội liên quan đến hành vi khủng bố
Cập nhật: 26/03/2024
Nhóm thiếu niên dùng hung khí cướp xe máy ở Hà Nội
Nhật Bản liệu có còn là thị trường hấp dẫn với lao động người Việt?
VOV.VN - Bộ Công an xác định hai tổ chức khủng bố: Nhóm Hỗ trợ người Thượng (thành lập năm 2011) và Người Thượng vì công lý (lập tháng 7/2019) đã gây ra vụ tấn công trụ sở UBND xã Ea Ktur, Ea Tiêu (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) vào rạng sáng 11/6/2023.
Trong vụ án ở Đắk Lắk xảy ra vào ngày 11/6/2023, các đối tượng tham gia đã giết chết 9 cán bộ và công an xã, làm bị thương ba chiến sĩ công an, gây thiệt hại hàng tỷ đồng về tài sản của nhà nước, doanh nghiệp và công dân. Chiều 20/1/2024, trong phiên xét xử vụ án hình sự “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên án đối với 100 bị cáo về các tội danh: Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Khủng bố; Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; Che giấu tội phạm. Trong đó có 10 bị cáo bị tuyên án mức án cao nhất là chung thân với tội danh “khủng bố”.
Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng cho biết: Theo quy định tại Luật Phòng chống khủng bố 2013, khủng bố là một, một số hoặc tất cả hành vi sau đây của tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, ép buộc chính quyền nhân dân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc gây ra tình trạng hoảng loạn trong công chúng:
a) Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, uy hiếp tinh thần của người khác;
b) Chiếm giữ, làm hư hại, phá hủy hoặc đe dọa phá hủy tài sản; tấn công, xâm hại, cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thiết bị số của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
c) Hướng dẫn chế tạo, sản xuất, sử dụng hoặc chế tạo, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán vũ khí, vật liệu nổ, chất phóng xạ, chất độc, chất cháy và các công cụ, phương tiện khác nhằm phục vụ cho việc thực hiện hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này;
d) Tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục, cưỡng bức, thuê mướn hoặc tạo điều kiện, giúp sức cho việc thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này;
đ) Thành lập, tham gia tổ chức, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện đối tượng nhằm thực hiện hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
e) Các hành vi khác được coi là khủng bố theo quy định của điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Trong Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) có quy định về 2 tội phạm liên quan đến khủng bố gồm: "Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân" (Điều 113), "Tội khủng bố" (Điều 299).
Theo luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng đối với trường hợp thuộc cấu thành cơ bản của tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Đối với trường hợp cấu thành cơ bản của tội khủng bố, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Từ khóa: khủng bố, xét xử khủng bố, hành vi khủng bố, bộ luật hình sự, các tội liên quan đến khủng bố, nhóm hỗ trợ người thượng
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: việt anh/vov2
Nguồn tin: VOVVN