Quy chuẩn sữa học đường quốc gia bao giờ mới có?
Cập nhật: 25/09/2019
Dùng “0 đồng” trao cơ hội đón Tết cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim nguy kịch
Sóc Trăng bàn giao 328 căn nhà ở cho hộ nghèo theo chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát
VOV.VN - Quy chuẩn sữa học đường quốc gia được xem như mốc quy chuẩn giúp các địa phương, ngành giáo dục tạo điều kiện tối ưu nhất cho sự phát triển của trẻ.
Chưa đầy tháng nữa, năm học mới sẽ bắt đầu, thế nhưng ngành giáo dục và các doanh nghiệp sữa hiện vẫn đang loay hoay chưa biết căn cứ vào quy định nào để thực hiện đấu thầu Chương trình Sữa học đường.
Sau 3 năm từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt chương trình sữa học đường, đến nay các tiêu chuẩn cụ thể vẫn chưa được ban hành khiến không chỉ doanh nghiệp mắc kẹt mà các trường học cũng thiếu cơ sở để hỗ trợ tối ưu nhất cho sự phát triển của trẻ.
Thông tư Sữa học đường cần được ban hành kịp thời để có căn cứ pháp lý, có sân chơi công bằng, minh bạch để các doanh nghiệp tham gia đấu thầu hợp lý. |
Cụ thể, ngày 08/7/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 (“Quyết định 1340”).
Trong đó quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế “Xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, định mức, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Tháng 4/2018, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đăng tải công khai trên website về Dự thảo Thông tư Quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Từ đó đến nay, nhiều hội thảo góp ý về quy chuẩn đối với sữa tươi tham gia chương trình sữa học đường được tổ chức. Mới nhất là vào giữa tháng 6 vừa qua, Bộ Y tế chủ trì cuộc họp góp ý dự thảo quy định này.
Ngày 9/7, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Dự thảo Thông tư quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 và đề nghị các doanh nghiệp liên quan góp ý trước ngày 12/7.
Thế nhưng giờ đã gần hết tháng 7, sắp sửa bước vào năm mới và cũng hơn 3 năm tính từ thời điểm Thủ tướng phê duyệt chương trình sữa học đường, đến nay vẫn chưa có quy chuẩn cho sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường.
Theo đại diện Hiệp hội Sữa Việt Nam, vì chưa có Thông tư nên ngành giáo dục tại các địa phương, các doanh nghiệp sữa đang loay hoay không biết lấy căn cứ nào để đấu thầu.
Giới chuyên gia cho rằng, đây không phải là một chương trình quá phức tạp để kéo dài tới hơn 3 năm. Sự chậm trễ này gây tốn kém cho cả doanh nghiệp và xã hội, khiến người dân hoang mang khi không biết dựa vào đâu để tin tưởng cho con cái tham gia Chương trình Sữa học đường.
Dó đó, nhiều chuyên gia khuyến cáo, Thông tư Sữa học đường cần được ban hành kịp thời để có căn cứ pháp lý, có sân chơi công bằng, minh bạch để các doanh nghiệp tham gia đấu thầu hợp lý.
Nếu không, cứ căn cứ vào quy định cũ, khi Thông tư mới ra, ngành giáo dục các địa phương và doanh nghiệp phải hủy kết quả đấu thầu, gây lãng phí, mất thời gian và chậm quá trình được hưởng lợi từ Chương trình Sữa học đường của trẻ./. “Nạn” thiếu vi chất dinh dưỡng và tầm quan trọng của sữa học đường
Từ khóa: quy chuẩn sữa học đường, Chương trình Sữa học đường, khai giảng năm học mới, sữa học đường quốc gia
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN