Quốc tế phản ứng việc Tướng Haftar tuyên bố nắm quyền điều hành Libya
Cập nhật: 29/04/2020
Nhật Bản tiếp tục chịu thiệt hai do mùa đông khắc nghiệt
EU phản ứng trước “tối hậu thư” của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump
VOV.VN - Cộng đồng quốc tế ngay lập tức đưa ra các phản ứng trước động thái mới này – vốn được nhận định sẽ làm phức tạp thêm tình hình tại Libya.
Tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu lực lượng quân đội miền Đông Libya (LNA) mới đâyđã tuyên bố huỷ bỏ thoả thuận chính trị do Liên Hợp Quốc bảo trợ năm 2015 và khẳng định sẽ đứng ra điều hành đất nước do nhận được “sự ủng hộ của nhân dân”. Quốc tế ngay lập tức đưa ra các phản ứng trước bước đi mới này – vốn được nhận định sẽ làm phức tạp thêm tình hình tại Libya, đe dọa các nỗ lực trung gian hòa giải của Liên Hợp Quốc và quốc tế bấy lâu nay.
Xung đột ở Libya có thể gia tăng trong những ngày tới. Ảnh: Washington Post. |
Phát biểu trên truyền hình, Tướng Khalifa Haftar tuyên bố:“Chúng tôi đã hàng động theo nguyện vọng của nhân dân, để từ bỏ thỏa thuận chính trị “đáng ngờ”, vốn đã phá hủy quốc gia này. Theo nguyện vọng của người dân, chúng tôi sẽ lãnh đạo, điều hành quốc gia này. Đây là trách nhiệm và là gánh nặng, song trước Thánh Alla, lương tâm và lịch sử của đất nước, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giảm bớt sự đau khổ của người dân, thực hiện nghĩa vụ của mình trước nhân dân”.
Bất chấp dịch Covid-19 hoành hành, thời gian qua, Tướng Khalifa Haftar đã kêu gọi người dân tại Libya xuống đường biểu tình, bày tỏ nguyện vọng muốn ông đứng ra lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, trách nhiệm lãnh đạo và điều hành đất nước Libya về lý phải do chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya, đóng tại thủ đô Tripoli, được quốc tế công nhận, nắm giữ.
Phản ứng trước động thái này, giới chức chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya đã gọi đây là 1 âm mưu đảo chính, là bước đi coi thường nền dân chủ và sự độc đoán của Tướng Khalifa Haftar, nhằm nắm quyền cả trên danh nghĩa lẫn thực tế của chính quyền dân sự đối lập ở miền Đông.
Chiến sự Libya leo thang bất chấp mối đe dọa dịch bệnh Covid-19
Trong khi, hôm qua (28/4), người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric tái khẳng định, thỏa thuận chính trị của các đảng phái ở Libya ký kết năm 2015 do Liên Hợp Quốc bảo trợ vẫn là khuôn khổ cho việc quản lý ở quốc gia này.
Theo ông Stephane Dujarric, bất kỳ thay đổi chính trị nào cũng phải thông qua các biện pháp dân chủ, chứ không phải bằng bất kỳ biện pháp quân sự nào. Liên Hợp Quốc sẽ theo dõi sát mọi diễn biến tình hình.
Hiện, quyền Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký tại Libya, bà Stephanie Turco Williams đã liên lạc với các nhà lãnh đạo của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được quốc tế công nhận tại Tripoli, để thảo luận chi tiết về vấn đề.
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã gọi tuyên bố của Tướng Haftar là điều không thể chấp nhận được, khẳng định hành động nó sẽ không bao giờ dẫn tới 1 giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng ở nước này.
Là quốc gia có liên hệ chặt chẽ với cả 2 chính quyền đối lập tại Libya, Ngoại trưởng Nga Lavrov hôm qua (28/4) cũng lên tiếng kêu gọi các bên Libya thúc đẩy sự đối thoại thay vì những hành động đơn phương.
“Chúng tôi không tán thành những tuyên bố gần đây của Thủ tướng Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya, ông Sarraj – người đã từ chối đối thoại với Tướng lực lượng miền Đông Haftar. Tuy nhiên chúng tôi cũng không tán thành tuyên bố của Tướng Haftar rằng ông sẽ tự mình quyết định lối đi của người Libya. Cả 2 điều đó sẽ không giúp 2 bên đối địch Libya tìm ra giải pháp cho vấn đề”, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói.
Đây cũng là phản ứng của Bộ Ngoại giao Pháp, Đức khi các nước này đều khẳng định cuộc khủng hoảng tại Libya không thể giải quyết bằng các quyết định đơn phương mà phải theo tiến trình đối thoại do Liên Hợp Quốc dẫn dắt.
Trong khi Mỹ đã bày tỏ lấy làm tiếc về động thái này của Tướng Haftar. Trong bối cảnh người dân Libya đang trong tháng chay Ramadan Linh thiêng và đại dịch Covid-19 đang tiềm ẩn nhiều mối đe dọa hơn, Mỹ kêu gọi chính quyền miền Đông tham gia vào chính phủ đoàn kết dân tộc Libya và tiến hành ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức.
Sau cuộc chính biến mùa xuân Arab, Libya đến nay vẫn chưa thể ổn định khi tồn tại song song 2 chính quyền tại miền Đông và tại Thủ đô Tripoli. Hai chính phủ đều có sự hẫu thuận có 1 số quốc gia trên thế giới. Mới đây, quân đội miền Đông đã tiến hành tấn công các lực lượng chính phủ đoàn kết được Liên Hợp Quốc công nhận ở thủ đô Tripoli, song đã vấp phải sự phản kháng quyết liệt./.
Từ khóa: Tướng Haftar, xung đột Libya, cộng đồng quốc tế, Tướng Khalifa Haftar, chiến sự Libya
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN