Quốc khánh năm nào, nhân dân Trà Vinh cũng tổ chức giỗ Bác
Cập nhật: 25/09/2019
Ngành tổ chức xây dựng Đảng TP.HCM cần tham mưu triển khai hiệu quả sắp xếp tổ chức bộ máy
Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ Bộ Công an nhận HC Chiến công hạng Ba
VOV.VN - Lễ giỗ Bác đã thực sự trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc của người dân Trà Vinh.
Đã trở thành thông lệ, mỗi dịp 2/9, cán bộ, nhân dân Trà Vinh đều tổ chức giỗ Bác từ những mâm cơm, bánh trái đặc sản quê nhà. Tuy mỗi nơi, mỗi gia đình có cách làm khác nhau nhưng đều thể hiện tình cảmthiêngliêng, tỏ lòng thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lễ giỗ Bác được nhân dân Trà Vinh tỏ chức vào dịp Quốc khánh hàng năm |
Hơn 40 năm nay, mỗi dịp 2/9, gia đình ông Kim Phước Hiền ở xã Tân An, huyện Càng Long đều làm mâm cơm dâng Bác. Ông Kim Phước Hiền cho biết: " Ngày xưa dân nghèo không có đất đai, tất cả là của địa chủ, mình chỉ được làm thuê thôi. Đến khi có cách mạng, có Bác, dân quê mình mới được sở hữu đất đai, làm chủ trên thửa ruộng mảnh vườn của mình. Công ơn của Bác to lớn như vậy nên mình kính trọng Bác như ông bà, cha mẹ của mình. Và để tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ Bác hàng năm tôi đều làm mâm cơm dâng Bác. Trong thời chiến, mâm cơm tổ chức đơn sơ lắm, thường chỉ là cá nướng, tô canh...và trái cây để cúng thôi. Nay được sống trong độc lập, tự do, đời sống khấm khá hơn, mâm cơm dâng Bác cũng thịnh soạn hơn.
"Hiện nay bà con trong xóm ai cũng khá giả, còn gia đình tôi cũng ổn định nên mâm cơm tươm tất hơn. Tôi là người dân tộc Khmer nên tôi tổ chức theo truyền thống của người Khmer. Mấy năm trước, tôi đều thỉnh nhà sư đến tụng kinh hối hướng đến Bác, còn năm nay do sức khỏe không cho phép nên tôi không thỉnh nhà sư nữa. Tuy có thay đổi cách làm so với trước, nhưng món đặc sản của người Khmer làm bún nước lèo thì không thể thiếu”, ông Kim Phước Hiền chia sẻ.
Làm bánh tét trong ngày giỗ Bác |
Giỗ Bác được ông Kim Phước Hiền duy trì từ năm đầu Bác mất đến nay. Tuy đơn sơ, nhưng đầm ấm nghĩa tình, xuất phát tấm lòng tôn kính, tri ân. Đặc biệt mỗi dịp tổ chức giỗ cúng Bác, các cựu chiến binh, đồng đội một thời vào sinh ra tử với ông tề tựu sinh hoạt, ôn lại truyền thống cách mạng, soi rọi lại bản thân, nhắc nhở nhau sống tốt hơn, xứng đáng hơn và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác.
Còn ở ấp Chánh Hội A, xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần, đến nay vẫn duy trì một ngôi nhà nhỏ để thờ Bác Hồ. Tuy chỉ là ngôi nhà nhỏ đơn sơ, nhưng tựu chung tấm lòng của người dân nơi đây đối với Bác. Ngôi nhà được chia thành hai phần. Một phần có bức tượng Bác được đặt trang trọng trên bàn thờ, đồ vật xung quanh được sắp xếp bố trí trang nghiêm. Một phần, là gian trưng bày với những bức ảnh về Bác qua các thời kỳ được cán bộ nhân dân địa phương sưu tầm… Đặc biệt vào những dịp ngày sinh, ngày mất của Bác rất đông người dân trong xã và những địa phương lân cận đến thắp hương tưởng nhớ, kính viếng Bác.
Chuẩn bị hoa sen dâng Người |
Anh Trần Văn Thanh, ở xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần một trong những thanh niên đến thắp hương, dâng bánh trái vào dịp giỗ Bác gần chục năm nay xúc động nói:“Hôm nay đến đây em rất cảm động và vô cùng kính yêu Bác Hồ. Bác đã giúp cho đất nước Vệt Nam được độc lập tự do. Để cố gắng đền đáp công ơn của Bác, chúng em đến đây để tưởng nhớ, thắp hương đến vong linh Bác, nguyện với lòng sẽ cố gắng phấn đấu học tập, ra sức thi đua để cống hiến cho sự nghiệp, cho đất nước ngày một tốt hơn”.
Nhộn nhịp nhất là ở xã Long Đức, TP Trà Vinh dịp này, tất cả 12 ấp trong xã đều có mâm cơm dâng Bác. Riêng chị em phụ nữ tranh thủ thi nhau gói bánh, cắm hoa để dâng cúng Người. Đúng 7 giờ sáng ngày 2/9, tất cả tập trung tại đền thờ để cùng nhau giỗ Bác. Không khí diễn ra trong trang trọng và ấm cúng, những nén hương được thắp lên với lòng tưởng nhớ, thành kính đối với người cống hiến cả cuộc đời mình cho dân tộc.
Lễ giỗ Bác đã trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp |
Ông Lê Văn Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Long Đức, TP Trà Vinh cho biết:“Cứ dịp 2/9 thì nhân dân Long Đức, đặc biệt là phụ nữ không ai bảo ai, tựu lại với nhau, người hùn nếp, người hùn đậu để gói bánh tét, bánh ú….Đúng 7 giờ sáng cùng nhau đến Đền thờ để dâng hương, dâng bánh để tưởng niệm đến công lao của Bác đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước ta. Hoạt động này duy trì cũng trên 20 năm rồi”.
Dịp 2/9 tất cả người dân Trà Vinh đều hướng về Bác. Lễ giỗ Bác đã thực sự trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc của người dân Trà Vinh.Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ địa phương hiểu biết hơn những công lao vĩ đại của Bác đối với đất nước, qua đó giáo dục truyền thống cách mạng, vun đắp tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đối với Bác Hồ kính yêu./.
Từ khóa: trà vinh, giỗ bác, quốc khánh
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN