Quốc hội Việt Nam phát huy vai trò lập hiến, lập pháp, giám sát

Cập nhật: 07/01/2021

[VOV2] - 75 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam đã được tổ chức thắng lợi, đánh dấu sự khai sinh Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, Quốc hội đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Với chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội góp phần quan trọng trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm ngày càng hoàn thiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân.

Một chức năng quan trọng của Quốc hội là công tác lập hiến - Hiến pháp; Hiến pháp luôn có vai trò rất quan trọng trong lịch sử phát triển của đất nước, của nhà nước và pháp luật. Ở Việt Nam, Hiến pháp là văn bản chính trị - pháp lý tổng kết một giai đoạn lịch sử nhất định và mở ra một giai đoạn phát triển mới của quốc gia, của dân tộc. Hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, là nhân tố bảo đảm sự ổn định chính trị, xã hội và chủ quyền của quốc gia, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ. Là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước, Hiến pháp có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật.

Theo dòng lịch sử lập hiến của nước ta, kể từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay, nước ta đã có 05 bản Hiến pháp, đó là Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001), Hiến pháp năm 2013. Các bản Hiến pháp này đều ra đời trong những bối cảnh và ở những thời điểm lịch sử nhất định nhằm thể chế hóa đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam cho mỗi giai đoạn phát triển của đất nước.

Trước khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, như bao nhân sỹ yêu nước khác, cụ Huỳnh Thúc Kháng luôn đề cao vai trò của Hiến pháp, cho rằng, sở dĩ cần đến Hiến pháp là vì muốn cho đất nước được thanh bình, có nền chính trị bền vững, lâu dài thì cần có một cơ chế chính trị hợp với lòng dân, trong đó nhà nước phải phân định một cách rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan nhà nước để dễ dàng quản lý và điều hành đất nước cũng như để người dân có thể chủ động trong hành xử và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Sự ra đời của Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đã đánh dấu sự chuyển mình của đất nước từ chế độ phong kiến thuộc địa sang chế độ dân chủ Xã hội Chủ nghĩa. Có thể thấy, sự kiện nổi bật là ngay khi mới ra đời trong bối cảnh đất nước vừa giành độc lập, ở thời khắc lịch sử chính quyền còn non trẻ, phải đối diện nhiều thử thách về thù trong, giặc ngoài, tình thế “như ngàn cân treo đầu sợ tóc” nhưng Quốc hội khóa I đã xây dựng, ban hành được Hiến pháp năm 1946 thể hiện ý chí của dân tộc, kỷ cương của đất nước. Hiến pháp 1946 được thông qua tại kỳ họp thứ 2-Quốc hội khóa I công nhận các quyền cơ bản của công dân như quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền khiếu nại tố cáo... Ở các bản Hiến pháp sửa đổi năm 1959 và 1980, các quyền này không được quy định rõ ràng hoặc không đầy đủ. Đến bản Hiến pháp sửa đổi năm 1992 lại có nhiều điểm tương tự Hiến pháp 1946. Hiến pháp 1946 được đánh giá là “bản hiến văn dân chủ vào loại bậc nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ” và đến nay “vẫn còn nguyên giá trị cho một xã hội dân chủ pháp quyền ở Việt Nam”. Một số học giả đã đánh giá, Hiến pháp 1946 không theo một khuôn mẫu nào khác có trong lịch sử.

Kể từ đó, trải qua thực tiễn lịch sử đấu tranh bảo vệ nền độc lập và dân chủ nước nhà, xây dựng một xã hội pháp quyền, Quốc hội Việt Nam tiếp tục hành trình của mình, với những bản Hiến pháp sửa đổi cho phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đất nước, đó là Hiến pháp 1959, và tiếp theo là Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (các năm 1980, 1992 và 2013) đều dựa trên tinh thần dân chủ và nhà nước pháp quyền được nêu ra từ Hiến pháp 1946. Song hành với lập hiến, Quốc hội Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế để đưa đất nước phát triển trên nền tảng của thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa.

Hiến pháp Việt Nam hiện hành là bản hiến pháp năm 2013, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Hiến pháp năm 2013 vừa kế thừa được các giá trị to lớn của các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và năm 1992, vừa thể chế hóa các quan điểm, phương hướng, nội dung phát triển đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến, thể hiện sâu sắc, toàn diện sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. 

Thời đại ngày nay, trong sự hội nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, Việt Nam, cũng như các quốc gia khác trên thế giới, vừa phải thể hiện bản lĩnh vững vàng của mình và cũng luôn cảnh giác, linh hoạt điều chỉnh các chính sách sao cho hợp lý. Điều này, đòi hỏi Quốc hội Việt Nam phải không ngừng nâng cao năng lực và hiệu lực hoạt động sao cho xứng tầm với vị trí, chức năng cơ bản của tổ chức mình.

Tại các khóa quốc hội gần đây, Quốc hội Việt Nam đã nỗ lực đổi mới hoạt động như nâng cao chất lượng hội họp, chất vấn, nêu ý kiến, tăng cường giám sát, nhất là chức năng lập hiến, lập pháp và các chức năng khác, như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao hoạt động của nhà nước.

Thực tế đã chứng minh rằng, mỗi quốc gia trên thế giới, dù thể chế chính trị có khác nhau đi chăng nữa, nhưng nếu có một hiến pháp và hệ thống pháp luật phù hợp và đủ mạnh, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế xã hội và khoa học kỹ thuật, thì có cơ sở để tạo nên sự  phát triển bền vững.

Từ khóa: Quốc hội, lập hiến, lập pháp

Thể loại: Đời sống

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập