Quốc hội thảo luận việc giải quyết kiến nghị cử tri “là bước đổi mới lịch sử”
Cập nhật: 21/11/2023
Nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm trong tình hình mới (29/11/24)
Đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (26/11/2024)
VOV.VN - Không chỉ nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp, Quốc hội còn tiến hành thảo luận tại hội trường. Nhiều ý kiến đánh giá đổi mới này có ý nghĩa rất quan trọng.
Ngày 20/11, Quốc hội dành cả buổi sáng thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Trước đó, báo cáo này được Trưởng ban Dân nguyện Phan Thanh Bình trình bày trước Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6.
Đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên) đánh giá, việc báo cáo về tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri là bước khởi đầu rất quan trọng và đến ngày hôm nay Quốc hội thảo luận tại hội trường về nội dung này là bước đi rất lớn.
“Đầu tiên báo cáo tình hình, thời điểm đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trực tiếp là Chủ tịch Quốc hội khóa XII Nguyễn Phú Trọng đã có quyết tâm chính trị rất cao đưa báo cáo này ra trước Quốc hội. Đây là một bước có ý nghĩa lịch sử, rất quan trọng và tôi đánh giá rất cao sự đổi mới này của Quốc hội” – ông Hoàng Anh Công nói.
Cũng theo đại biểu, trong báo cáo gửi đến kỳ họp thứ 5 gồm có 2.765 ý kiến kiến nghị gửi đến Quốc hội, thời kỳ đầu tiên chỉ có khoảng 200-300 kiến nghị, bây giờ đã gấp gần 10 lần, số lượng rất lớn chứng tỏ một điều là cử tri và nhân dân rất tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và Quốc hội, ngày càng gửi gắm niềm tin của mình thông qua kiến nghị.
Kết quả giải quyết đạt đến 99,5% thể hiện tính trách nhiệm rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, của TAND tối cao, VKSND tối cao.
Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) cũng nhấn mạnh, việc giải quyết kiến nghị của cử tri trong thời gian vừa qua đã góp phần rất quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập từ thực tiễn đời sống xã hội của người dân và doanh nghiệp của các địa phương.
Việc giải quyết tốt các kiến nghị của cử tri đã góp phần khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cũng là giải pháp để làm hạn chế tối đa phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay tại cơ sở, góp phần ổn định tình hình, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đại biểu Mai Văn Hải băn khoăn về tỷ lệ giải trình và cung cấp thông tin còn chiếm tỷ lệ rất cao, tới 82,8% tổng kiến nghị của cử tri xem xét, giải quyết, trả lời. Trong khi đó kiến nghị của cử tri được các bộ, ngành xem xét, giải quyết chỉ có 4,3% tổng số kiến nghị của cử tri được xem xét, giải quyết.
“Điều này cho chúng ta cần phải suy nghĩ có thực sự người dân, cử tri chỉ mong muốn được các bộ, ngành giải thích và cung cấp thông tin hay không? Việc giải thích, cung cấp thông tin là rất cần thiết nhưng còn nhiều cử tri mong muốn mỗi kiến nghị có căn cứ thì cần được xem xét cụ thể thực tiễn vấn đề để giải quyết có kết quả” – ông Mai Văn Hải nói.
Vị đại biểu đoàn Thanh Hóa cho rằng, thực tế vẫn còn hiện tượng trả lời chung chung chưa thật sự thuyết phục; nhiều bộ, ngành trả lời còn chậm; trách nhiệm của các địa phương, một số nơi chưa đề cao trách nhiệm trong giải quyết kiến nghị của cử tri để cử tri kiến nghị nhiều lần, thậm chí có việc chuyển thành đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Do đó đại biểu đề nghị rà soát quy định của Chính phủ đề cao trách nhiệm của các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương trong việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri theo đúng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm và thời gian giải quyết; không để tình trạng kéo dài trong xem xét, giải quyết các kiến nghị của cử tri, cần phải xem xét cụ thể thực tế các kiến nghị để có phương án giải quyết.
Cạnh đó, những kiến nghị của cử tri liên quan đến những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chính sách pháp luật cần khẩn trương hơn nữa trong việc chỉ đạo xem xét sửa đổi, bổ sung tháo gỡ ngay.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng phải cụ thể hóa hơn nữa việc xem xét xử lý trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc đùn đẩy, né tránh, không thực hiện hoặc thực hiện thiếu trách nhiệm trong giải quyết các kiến nghị của cử tri, để cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng không được giải quyết.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) cũng cho biết một số kiến nghị gửi đến các bộ, ngành với mong muốn trong thời gian tới các bộ, ngành sẽ có các giải pháp cụ thể và quyết liệt thực hiện như thế nào để giải quyết vấn đề cử tri kiến nghị, tuy nhiên, chỉ nhận được câu trả lời về các giải pháp đã thực hiện.
“Tôi cho rằng nếu như các giải pháp đã thực hiện có hiệu quả thì cử tri sẽ không còn có kiến nghị nữa” – nữ đại biểu nêu quan điểm và dẫn chứng một số kiến nghị được trả lời chưa thuyết phục.
Ở góc độ khác, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) trăn trở khi phần lớn những nội dung kiến nghị nhiều lần đều là những kiến nghị khó. Trong đó, những vấn đề hoặc là do pháp luật không có hoặc là chưa có quy định hoặc là có nhưng còn chồng chéo giữa các quy định.
Nữ đại biểu nêu cụ thể ở lĩnh vực giao thông: Các dự án làm đường chưa có quy định đầy đủ về các ảnh hưởng đối với các vùng phụ cận, nên dẫn đến khi có ảnh hưởng, thiệt hại thì người dân khiếu nại, thậm chí khiếu nại kéo dài. Có trường hợp thấy rõ ảnh hưởng nhưng bộ trả lời rằng nội dung này không nằm trong quy định. Người dân không chịu nên đại biểu Quốc hội sau khi tiếp xúc vẫn phải tiếp tục kiến nghị.
“Tôi đề xuất Quốc hội tiếp tục rà soát những nhóm kiến nghị đã được các đoàn kiến nghị nhiều lần, chưa có quy định hoặc quy định không phù hợp với thực tiễn, để có thể lập các danh mục, giao cho các bộ, ngành rà soát, trả lời rõ cho cử tri. Đối với những nội dung đủ điều kiện thì đề nghị nghiên cứu để thể chế hóa thành các quy định pháp luật phù hợp” – đại biểu Lý Tiết Hạnh nêu ý kiến.
Từ khóa: kiến nghị cử tri, giải quyết kiến nghị cử tri, thảo luận kiến nghị cử tri, quốc hội, kỳ họp thứ 6,chính phủ
Thể loại: Nội chính
Tác giả: ngọc thành/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN